Trường tiểu học Tượng Văn: Kết quả và sự nỗ lực

17/07/2018 14:39

Kinhte&Xahoi Năm học 2017-2018 đang gần khép lại, năm nay, cô và trò trường tiểu học Tượng Văn (Nông Cống-Thanh Hoá) cùng nhau nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn đạt được những kết quả đáng mừng.

Đây là năm thứ 12 thực hiện cuộc vận động “2 không”, thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" và là năm học tiếp tục chủ đề "Đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục", Ban giám hiệu nhà trường đã tiếp tục triển khai các giải pháp phù hợp, từng bước đưa các phong trào, cuộc vận động đi vào nề nếp và có tác dụng tích cực, góp phần vào nâng cao chất lượng giáo dục.

Vì thế, kết quả giáo dục của nhà trường được đánh giá khách quan, chính xác, tạo được sự đồng thuận của phụ huynh và học sinh.

Cô giáo Vũ Thị Quyên (bên phải), hiệu trưởng nhà trường luôn nhận được sự tin tưởng của mọi người.

Theo chương trình của Bộ Giáo dục & Đào tạo, năm học này chương trình giáo dục bám sát năng lực thực tế của học sinh và nâng cao trình độ giáo viên. Bởi vậy, Ban giám hiệu nhà trường rất chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Thực hiện cuộc vận động "Mỗi thầy cô là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo", hàng năm giáo viên trường thường tổ chức các đợt thi đua sáng kiến kinh nghiệm, bổ sung kiến thức, đổi mới phương pháp dạy học, làm mới bài giảng..., nhằm nâng cao phương pháp truyền giảng, tạo hứng thú học tập cho mỗi học sinh.

Hiện nay nhà trường đã có 16 giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó có 2 giáo viên giỏi cấp huyện; Đội ngũ quản lý có năng lực, hội đồng sư phạm đoàn kết, có ý thức xây dựng tập thể vững mạnh. Hơn kinh nghiệm 30 năm trong nghề, cô giáo Vũ Thị Quyên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường tiểu học Tượng Văn quyết tâm xây dựng hình ảnh trước nhân dân, từng bước tạo niềm tin trong phụ huynh học sinh và toàn xã hội”.

Không chỉ có phong trào thi đua của các thầy cô “dạy tốt, học tốt”, các phong trào học tập, hoạt động đoàn đội ở trường cũng diễn ra rất sôi nổi. Các hoạt động ngoài giờ, ngoại khóa được tăng cường như: Giao lưu câu lạc bộ trí tuệ tuổi thơ xếp thứ 10 toàn huyện với 06 giải; dự thi Bóng đá, Arobic, bật xa cấp huyện đạt 39 giải nhì, 02 giải ba bật xa và 03 giải khuyến khích chạy và bật xa. Tập thể xếp cờ giải nhì đồng đội cụm huyện; đạt giải ba cấp huyện phụ trách sao giỏi; Thi Rung chuông vàng – HS giỏi 05 khối lớp cấp trường: Giải nhất 6/305 = 2%, nhì 11/305 = 3,6%, ba 14/305 = 4,6%, khuyến khích 104/305 = 34,1%; Giao lưu Bóng bàn, cầu lông học sinh với Giải nhất 03, giải nhì 10, giải ba 15, khuyến khích 18; Tham gia màn đồng diễn tại Đại hội TDTT xã được đánh giá cao và được  chọn đồng diễn tại Đại hội TDTT lần thứ VIII, năm 2017 của huyện Nông Cống.

Tham gia thi Văn nghệ quần chúng cho xã đạt giải nhất xã và cụm 4, giải nhì cấp huyện. Các phong trào thi đua, cuộc vận động đơn vị luôn đi đầu trong ngành và được các cấp đánh giá cao và được tổ chức thường xuyên. Qua đó, tạo không gian và môi trường sinh hoạt lành mạnh cho học sinh, giúp các em có điều kiện phát huy năng khiếu của mỗi cá nhân sau những giờ học căng thẳng.

Thành tựu nhà trường đạt được hôm nay: Trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2, đó là công sức, sự nỗ lực vượt khó của các thế hệ thầy, cô giáo cống hiến, dựng xây, đồng thời đó cũng là niềm vinh dự và tự hào, sự động viên, khích lệ to lớn đối với toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và nhà trường hôm nay. Tuy nhiên nhà trường hiện nay cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ giáo viên/lớp khá cao nhưng do một số giáo viên sức khỏe yếu, năng lực chuyên môn không đồng đều, một số giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh lại thuyên chuyển công tác đến các đơn vị khác..., dẫn đến nguồn lực giáo viên của nhà trường thường xuyên biến động, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dạy học.

Cơ sở vật chất trường đang dần xuống cấp nghiêm trọng, một số phòng chức năng như phòng y tế, tin học, nhạc... và trang thiết bị cần trong công tác dạy - học chưa được đầu tư hoàn thiện. Điều đáng nói là hiện nay, giờ học của nhà trường đang phải chia thành 2 ca mới có thể đáp ứng đủ phòng học. Thế nhưng, xem ra vấn đề này vượt quá khả năng của nhà trường.

Chia tay với chúng tôi, trong ánh mắt của cô Hiệu trưởng vẫn đau đáu một niềm mong mỏi, mong sao các cấp, các ngành và đặc biệt là các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp quan tâm, chung tay, góp sức, giúp đỡ nhà trường đảm bảo cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu dạy - học của cô và trò, phấn đấu để các em học sinh hiếu học nơi đây cũng như các em học sinh ở các huyện miền núi nghèo nói chung được học tập trong những ngôi trường có đầy đủ phòng học, trang thiết bị dạy học hiện đại để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường hiện nay.

 

 Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thanh oai, Hà Nội: Hơn 100 hộ dân xây nhà trên đất nông nghiệp?

Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối và khó giải quyết tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo Luật đất đai năm 2013, việc xây dựng nhà ở hoặc các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp trái phép sẽ bị xử phạt tùy mức độ và hành vi vi phạm.