Vô tình vi phạm pháp luật vì bán hàng không rõ nguồn gốc

16/07/2018 11:16

Kinhte&Xahoi Một quản lý hệ thống Valeria được chào mời nhập lại sản phẩm mang tên Valeria với giá rẻ bất ngờ và vô tình, vị này đã vi phạm pháp luật do bán mỹ phẩm không nguồn gốc.

Mỹ phẩm Valeria là dòng mỹ phẩm chăm sóc da có mặt trên thị trường được người tiêu dùng đón nhận khá tích cực. Hiện, dòng sản phẩm này không chỉ được các chị em mua về nhà mà còn được nhiều spa tin dùng sử dụng cho khách hàng. Tại thị trường Hưng Yên - một thị trường tiềm năng nằm trong hệ thống của Valeria, quản lý Nguyễn Văn Nam tại đây đã vô tình được 1 spa chào mời mua lại dòng sản phẩm mang tên Valeria với giá rẻ bằng 1 nửa là có thật và rất nực cười. Tổng kết lại có nhiều trường hợp vi phạm pháp luật trong tình cảnh vô tình.

Hàng càng tốt càng dễ bị làm giả

Có một sự thật hiển nhiên đó là hàng càng tốt bao nhiêu, càng bán chạy trên thị trường bao nhiêu thì lại càng dễ bị làm giả bấy nhiêu. Nếu người dùng không tỉnh táo rất dễ mua phải hàng giả, hàng nhái. Thậm chí, cùng một dòng sản phẩm, lần đầu mua được hàng thật nhưng lần các lần tiếp theo lại mua phải hàng giả hàng nhái.

Các sản phẩm tốt được người tiêu dùng ưu thích thường hay bị làm giả, làm nhái.

Trở lại vấn đề của thương hiệu Valeria, khi thấy có điều bất bình thường, công ty đã thu thập được một số sản phẩm Valeria “giá rẻ bất ngờ” kia. Cầm sản phẩm Valeria “giá rẻ bất ngờ”  để đối chiếu thì tất cả không khỏi giật mình. Phía công ty khẳng định đây là sản phẩm nhái chứ không phải là chính hãng. “Cho dù nhìn bề ngoài sản phẩm Valeria giá rẻ giống hệt sản phẩm của công ty 100%, ngay cả chủ nhân của sản phẩm cũng không phân biệt được đâu là thật đâu là nhái. Tuy nhiên khi sử dụng, sản phẩm nhái có mùi hơi hắc hắc hơn sản phẩm thật”, anh Nam tâm sự.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Bá Trọng, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương Mại Trân Mỹ cho biết, thời gian vài năm trở lại đây, dòng sản phẩm mang thương hiệu Valeria được người tiêu dùng nồng nhiệt đón nhận vì chất lượng tốt. Dòng sản phẩm này thuộc nhóm hàng hóa/dịch vụ 44 đang trong thời gian chờ Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng. Từ những mẫu mã thu thập được có thể thấy, nếu không xem xét kỹ càng, người mua hoàn toàn có thể mua phải hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, các đối tượng chỉ có thể làm giả làm nhái được bao bì nhãn mác chứ không thể làm giả được thành phần bên trong vì dòng sản phẩm này được nhập khẩu từ Pháp.

Ông Đỗ Hoàng Nam, phụ trách marketing Công ty NaMilux cho biết, thời gian qua công ty phát hiện rất nhiều vụ việc cá nhân, đơn vị nhái nhãn hiệu bếp gas NaMilux, dù sản phẩm NaMilux đã được đăng ký độc quyền kiểu dáng. Theo ông Nam, cấu trúc bên trong của bếp gas NaMilux rất khó làm nhái nên các đối tượng chỉ làm giả bao bì, nhãn hiệu, người tiêu dùng khó phát hiện. 

Vi phạm pháp luật mà không hề hay biết

Từ kết quả khảo sát của báo Tuổi trẻ cho thấy, nhiều người trẻ chưa quan tâm đến việc tìm hiểu và áp dụng các quy định của pháp luật, các chuyên gia cho rằng điều này dẫn đến việc họ dễ vi phạm luật và khó tự bảo vệ mình. GS.TS Trần Ngọc Đức (Trường đại học Cảnh sát)nhận xét: “Thực tế, nhiều người trẻ tuổi bây giờ không quan tâm đến chính trị cũng như các quy định của luật pháp. Khi không được trang bị về mặt pháp luật thì thanh niên không biết cái gì là quyền và trách nhiệm của mình, họ rất dễ trở thành đối tượng vi phạm pháp luật. Thậm chí chính họ vô tình vi phạm pháp luật mà không hề hay biết”.

Dán tem chống hàng giả giúp người tiêu dùng phân biệt hàng chính hãng.

Trở lại câu chuyện của dòng sản phẩm mang thương hiệu Valeria. Khi chúng tôi tiếp xúc với chủ nhân của Spa đang cung cấp dòng sản phẩm Valeria “giá rẻ bất ngờ” thì không khỏi giật mình về sự hồn nhiên vô tư đến ngây ngô của một cô chủ nhỏ. “Trước kia em có nhập hàng của anh Nam. Nhưng khi tìm hiểu trên mạng xã hội em thấy cũng có người bán dòng sản phẩm này với giá rẻ hơn giá của anh Nam. Là một người buôn bán, cứ chỗ nào rẻ thì em nhập chứ em không để ý hàng nào là hàng độc quyền, hàng nào là hàng chính hãng”, cô gái chia sẻ.

Theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP, tùy thuộc vào yếu tố nào bị làm giả, như hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng; hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa thì có những mức phạt khác nhau.

Cụ thể, khoản 1 Điều 13 quy định hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới một triệu đồng;

- Phạt tiền từ 500.000 đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ một triệu đến dưới ba triệu đồng;

- Phạt tiền từ hai triệu đến ba triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba triệu đồng đến dưới năm triệu đồng;

- Phạt tiền từ ba triệu đến năm triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ năm triệu đến dưới 10 triệu đồng;

- Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10 triệu đến dưới 20 triệu đồng.

Về trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm liên quan đến hàng giả, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự:

- Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đến dưới 150 triệu hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến 5 năm.

-  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến 10 năm: có tổ chức; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, danh nghĩa cơ quan; hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 150 triệu đến dưới 500 triệu đồng…

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây bị phạt tù từ 7 đến 15 năm: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn…

Tên quản lý đã được thay đổi

Khuyến cáo của ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương):

Đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính có thương hiệu được người tiêu dùng tín nhiệm, tôi có lời khuyến cáo. Ngoài việc quảng bá, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm thì hãy tự bảo vệ chính sản phẩm của mình bằng công tác đấu tranh chống hàng giả. Bằng cách có mẫu mã, tem nhận diện riêng và xây dựng một hệ thống đại lý bán hàng trên toàn quốc làm sao cho người tiêu dùng dễ nhận biết.

Mong các doanh nghiệp đó đừng vì sợ sụt giảm uy tín mà khi phát hiện hàng giả không dám công khai trên báo đài cũng như phối hợp các lực lượng chức năng. Vì khi phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả, doanh nghiệp sợ người tiêu dùng nghĩ sản phẩm này hay bị làm giả. Việc doanh nghiệp bị làm hàng giả không phối hợp với các lực lượng thực thi công vụ cũng đang là một khó khăn trong công tác này. 

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thanh oai, Hà Nội: Hơn 100 hộ dân xây nhà trên đất nông nghiệp?

Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối và khó giải quyết tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo Luật đất đai năm 2013, việc xây dựng nhà ở hoặc các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp trái phép sẽ bị xử phạt tùy mức độ và hành vi vi phạm.