Vụ cắt hợp đồng hơn 1.400 giáo viên Cà Mau: Nỗi lo người mất việc

31/07/2018 08:54

Kinhte&Xahoi Chuyện “cơm áo, gạo tiền” trong cuộc sống hằng ngày cũng đang thành nỗi trăn trở với những giáo viên diện hợp đồng.

Trước thông tin hơn 1.400 giáo viên tại vùng đất tận cùng Tổ quốc – Cà Mau sẽ bị chấm dứt hợp đồng trước ngày 1/9 tới đây, nhiều giáo viên đang rất lo lắng. Họ lo vì có thể mất cái nghề mình đam mê, theo đuổi nhiều năm nay. Đặc biệt, chuyện “cơm áo, gạo tiền” trong cuộc sống hằng ngày cũng đang thành nỗi trăn trở với những giáo viên diện hợp đồng.

Chuyện bị rơi vào diện bị cắt hợp đồng đã đến tai cô Nguyễn Ngọc Trinh, giáo viên trường Mầm non Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) hơn một tuần nay nhưng khi ngồi chia sẻ với chúng tôi, việc này vẫn như sét đánh ngang tai người giáo viên trẻ.

1.400 giáo viên ở Cà Mau lo thất nghiệp.. (Ảnh minh họa).

Cô Trinh cho biết, giáo viên là nghề cô đam mê từ nhỏ. Khi học xong phổ thông cô thi ngay vào ngành mầm non. Sau thời gian nỗ lực tích góp kiến thức, năm 2013, cô về “gõ đầu trẻ” tại trường Mầm non Sông Đốc. Trong thời gian công tác, người giáo viên trẻ tuổi luôn cố gắng từng ngày để có quả ngọt. Năm 2017, cô Trinh là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, cô còn được chọn là 1 trong 2 giáo viên tiêu biểu của tỉnh Cà Mau được vinh danh Nhà giáo tiêu biểu năm 2017.

Cố gắng là vậy nhưng cô Trinh vẫn là giáo viên trong diện hợp đồng và tới ngày 1/9 tới đây cô sẽ bị chấm dứt hợp đồng. Đứng trước ngưỡng cửa có thể mất nghề mình đam mê từ nhỏ cô Nguyễn Ngọc Trinh chia sẻ: “Khi nghe tin này thì rất là buồn, buồn muốn rơi nước mắt luôn. Tại vì hồi đó giờ công sức mình bỏ ra rất nhiều rồi. Đồng lương mình nhận không được bao nhiêu nhưng vì sự yêu nghề, mến trẻ thôi. Bây giờ hợp đồng cắt chưa biết làm gì. Mong muốn của tôi cũng như các cô giáo mầm non khác, các bạn đồng nghiệp khác là theo đuổi nghề của mình, đi theo con đường mình đã chọn”.

Gia đình cô Nguyễn Hồng Lạc, giáo viên Trường THCS Khánh Hải I (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) còn rơi vào hoàn cảnh khó khăn hơn. Hai vợ chồng cô Lạc học cùng nhau, nên duyên vợ chồng và về dạy tại vùng đất xa xôi Khánh Hải đã 8 năm rồi. Đến nay, đồng lương của hai vợ chồng được khoảng hơn 7 triệu đồng/tháng. Cứ ngỡ đã có công việc ổn định để lo cho hai đứa con nhỏ nhưng không ngờ cả hai vợ chồng cô lại nhận được thông tin bị phải cắt hợp đồng.

Cô Lạc cho biết, khi nhà trường phổ biến thông tin có cho biết, mặc dù cắt nhưng sau đó sẽ xem xét ký hợp đồng lại vì cả trường THCS Khánh Hải I chỉ có 2 vợ chồng cô dậy môn công nghệ. Nhưng cô Lạc vẫn rất băn khoăn vì không biết hợp đồng được ký lại thì ký như thế nào, có đảm bảo quyền lợi được cho giáo viên hay không.

Cô Nguyễn Hồng Lạc tâm sự: “Hai vợ chồng tôi đều trong diện bị cắt hợp đồng. Chủ trương cắt hợp đồng vợ chồng tôi cũng sẽ đồng ý như các giáo viên khác thôi. Nhưng sau khi cắt rồi thì nghe có triển khai sẽ hợp đồng lại, vậy hợp đồng lại như thế nào? Hợp đồng ở bậc lương hiện tại chúng tôi được hưởng hay hợp đồng mới chỉ 85 % lương. Nếu hợp đồng lại chỉ 85% lương thì chúng tôi rất thiệt thòi. Như gia đình tôi là không đủ điều kiện nuôi hai đứa con nhỏ ăn học. Nếu ký hợp đồng lại, tôi cũng mong muốn các ngành, các cấp xem xét, tạo điều kiện theo chế độ hiện tại giáo viên đang được hưởng”.

Cùng tâm tư như nhiều giáo viên khác tại vùng đất Cuối trời, cô Nguyễn Kiều Oanh, giáo viên Trường Tiểu học Trí Phải Tây (xã Trí Phải, huyện Thới Bình, Cà Mau) đang rất lo lắng cho tương lai của mình.

Hằng ngày, mặc dù phải chạy hơn 40 km từ TP Cà Mau đi dạy nhưng cô Oanh vẫn cống hiến hơn 8 năm qua bởi tình yêu nghề giáo, yêu học sinh. Từ đó mà mặc dù chuyện bị cắt hợp đồng cô Oanh đã nghe từ lâu nhưng cô không tin. Vừa qua, lãnh đạo nhà trường triển khai cụ thể và tận mắt cô đọc được văn bản chỉ đạo của cấp trên trong việc buộc cắt hợp đồng với những trường hợp như mình cô Oanh không thể không tin.

Mất nghề mình yêu thích đã đã một cú sốc lớn với cô Oanh rồi nhưng nỗi lo kinh tế gia đình còn lớn hơn. Nhiều năm rồi, từ đồng cùng lương công chức của chồng, cô lo cho 2 đứa con nhỏ. Không đủ đầy, cô Oanh còn phải lấy bảng lương giáo viên của mình để vay ngân hàng lo cho cuộc sống thì nay cô đứng trước nguy cơ mất việc nên chưa biết phải làm sao: “Nếu bây giờ bị cắt hợp đồng, con tôi hai đứa còn nhỏ sinh hoạt gia đình rất khó khăn. Mình chồng tôi không thể nuôi nổi vợ và cả hai đứa con nhỏ. Thêm nữa, tôi đang vay tiền ngân hàng, nếu cắt hợp đồng rồi hai vợ chồng không thể lo trả nợ ngân hàng được. Tôi muốn được giữ lại công tác để tiếp tục công việc yêu thích và ổn định kinh tế gia đình”.

Trong buổi họp báo ngày 28/7 vừa qua, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau chính thức thông báo sẽ cắt hợp đồng với hơn 1.400 giáo viên trên địa bàn tỉnh trước ngày 1/9. Lý do cắt hợp đồng là do, số lượng giáo viên này được các địa phương, các trường tự ý hợp đồng mà chưa có chủ trương của chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. Sau khi cắt hợp đồng, căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương làm tờ trình xin chủ trương của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau mới được ký hợp đồng lại.

Hiện nay, các giáo viên trong diện hợp đồng đang rất lo lắng không biết tương lai họ sẽ ra sao? Họ có được tiếp tục theo đuổi cái nghề mà mình tâm huyết nhiều năm nay hay không. Đặc biệt, nếu được ký hợp đồng lại thì ký như thế nào, những giáo viên đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nhiều năm qua có được đảm bảo quyền lợi?

 

 Theo VOV/KDPL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thanh oai, Hà Nội: Hơn 100 hộ dân xây nhà trên đất nông nghiệp?

Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối và khó giải quyết tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo Luật đất đai năm 2013, việc xây dựng nhà ở hoặc các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp trái phép sẽ bị xử phạt tùy mức độ và hành vi vi phạm.