Vụ 'Con Cưng' bị tố thay đổi nhãn mác: Bộ Công thương vào cuộc

26/07/2018 08:16

Kinhte&Xahoi Trước những dấu hiệu vi phạm của Công ty Con Cưng, Bộ Công thương đã ban hành quyết định kiểm tra với doanh nghiệp này.

Ngày 24/7, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An đã ký quyết định số 2611/QĐ-BCT về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với Công ty Cổ phần Con Cưng.



Theo quyết định, sẽ thành lập Đoàn kiểm tra do ông Trần Hùng, Phó cục trưởng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương làm Trưởng đoàn tiến hành kiểm tra tại Công ty Cổ phần Con Cưng, trụ sở tại 101 – 103 Trần Quang Khải (quận 1, TP.HCM) cùng các văn phòng, chi nhánh, cửa hàng, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp này.

Nội dung kiểm tra: Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, về chất lượng của hàng hóa, về hoạt động xúc tiến thương mại, về thương mại điện tử, về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thời kỳ kiểm tra từ tháng 1/2017 đến thời điểm kiểm tra. Thời gian kiểm tra: 10 ngày làm việc  tại mỗi đơn vị kể từ khi công bố quyết định này. Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ: Xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật có liên quan; phát hiện, xử lý hoặc đề xuất xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước liên quan.

Trước đó, khách hàng của Công ty Con Cưng phản ánh việc sản phẩm tại siêu thị của doanh nghiệp này đã có dấu hiệu thay đổi nhãn mác. Sau đó, Tổ công tác chuyên trách của Bộ Công thương phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã tiến hành kiểm tra một số cửa hàng, địa điểm kinh doanh của Con Cưng tại TP.HCM và phát hiện hàng loạt sai phạm như: nhiều sản phẩm mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm, quần áo, đồ chơi trẻ em,... chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu vi phạm về ghi nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ.

 

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thanh oai, Hà Nội: Hơn 100 hộ dân xây nhà trên đất nông nghiệp?

Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối và khó giải quyết tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo Luật đất đai năm 2013, việc xây dựng nhà ở hoặc các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp trái phép sẽ bị xử phạt tùy mức độ và hành vi vi phạm.