Vụ ly hôn ngàn tỷ tại cà phê Trung Nguyên: Tiền hay tình nghĩa đọng lại?

26/02/2019 14:34

Kinhte&Xahoi Có lẽ cuộc ly hôn nghìn tỷ của cặp vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên rất đúng với ngữ cảnh mà nhiều người vẫn thường bảo rằng, vợ chồng thường kề vai sát cánh khi nghèo khó, giàu có lại chia lìa.

Những ngày qua, câu chuyện ly hôn của Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ và vợ là Lê Hoàng Diệp Thảo nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Ông Vũ tại phiên tòa xét xử. (Ảnh: Zing.vn)

1. Câu chuyện “cơm không lành canh không ngọt” của vợ chồng ông chủ thương hiệu quốc gia cà phê Trung Nguyên là chủ đề lâu nay tốn không ít giấy mực của giới truyền thông trong nước. Cuộc “nội chiến” của gia đình cà phê Trung Nguyên được đẩy lên cao trào khi vụ ly hôn, tranh chấp tài sản giữa ông Vũ và bà Thảo được xét xử chính thức vào ngày 20/2 sau nhiều lần hòa giải bất thành.

Trong phiên tòa, bà Thảo trình bày kể từ khi quen ông Vũ vào năm 1994 thì lúc ấy ông Vũ còn là sinh viên nghèo. Thương tình, bà đã tìm cách giúp đỡ ông và gia đình. Khi luật sư hỏi: “Vì sao dẫn đến ly hôn?”, bà Thảo giải thích khi ông Vũ thực hiện nhịn ăn 49 ngày từ năm 2013 và cũng không còn quan tâm đến gia đình, không cho bà thờ phụng cha và ông nội nên bà suy nghĩ cách đưa chồng đi chữa bệnh.

Rồi mâu thuẫn tiếp tục, dẫn đến đâm đơn ly hôn. Về phía ông Vũ, ông không chấp nhận phần trả lời của bà Thảo, chỉ trích người từng “đầu gối tay ấp”: “Cô có thể gạt chứng cứ nhưng với lương tri, lương tâm không bao giờ được phép”.

Sau những màn tranh luận, bà Thảo bày tỏ mong muốn gia đình trở lại như trước, vì kể từ khi vụ ly hôn của ông bà gây ồn ào trên truyền thông cũng đã ảnh hưởng, xáo trộn nhiều đến gia đình. Chủ tọa phiên tòa cũng phân tích rằng, trong vụ ly hôn này không có lợi gì cho bà.

Nếu bà Thảo rút đơn thì Trung Nguyên tiếp tục phát triển. Về tài sản chung thì hàng năm đều có kiểm toán, hạch toán sổ sách, không thể mất đi đồng nào. 5 - 10 năm sau nếu thấy làm ăn lỗ thì con gánh vác. Bà Thảo sẽ không mất gì.

Sau đó, đại diện HĐXX đề nghị cả hai bên dành thời gian hòa giải. Chỉ có điều, đến lúc này khi bà Thảo muốn rút đơn ly hôn, bởi theo bà, bản chất hôn nhân gia đình người ta sống với nhau, cùng quan tâm, lo lắng. Thì về phía ông Vũ lại tiếp tục đề nghị tòa giải quyết ly hôn. Bởi người đàn ông này cho rằng: ông muốn hai bên rút đơn lại từ lâu nhưng bà Thảo không nghe, còn gây mất uy tín của ông lẫn thương hiệu tập đoàn, hơn nữa còn có những điều bà Thảo làm ông không chấp nhận được.

 Bà Thảo tại phiên tòa xét xử

Luật sư ngâm thơ: "Anh đi mua bán lời hay lỗ - Có tính đời em trong vốn anh?"

Chiều 21/2, phiên xử vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo bước đến phần tranh luận gay gắt liên quan tới việc phân chia tài sản và cấp dưỡng nuôi con. Trong khi ông Vũ cho rằng vợ mình sống không có tâm, "không ai phá Trung Nguyên như cô", thì bà Thảo cho rằng mình đã bị xúc phạm và muốn được tôn trọng.

Qua phần tranh luận, trong phần bào chữa của mình, luật sư Phan Trung Hoài, người bảo vệ cho quyền và lợi ích của bà Thảo đã ngẫu hứng ngâm một bài thơ của người cậu ruột.

"Chúng mình thương nhau đâu mặc cả với đời Tính toán so đo, lỗ lời chồng vợ Hai đứa mình không bán mua sao mà thua lỗ Chỉ còn lời là những đứa con ngoan Anh ơi! Anh đi mua bán lời hay lỗ Có tính đời em trong vốn anh...?"

"Dù hoàn cảnh nào đi nữa, việc phân định tài sản chung tạo lập trong thời kỳ hôn nhân không thể chỉ đo đếm, cân đong bằng những giá lạnh của tiền bạc.

Phân chia như thế nào là quyền quyết định của hội đồng xét xử, nhưng tôi tin trong cuộc sống, có thể đã ở một tầng rất cao như ông Vũ, hay trong vốn liếng tầm nhìn của thương hiệu Trung Nguyên hiện nay không thể không tính đến những năm tháng tuổi thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời người phụ nữ mà bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã dành hết cho ông và những đứa con", luật sư Hoài chia sẻ.

2. Ở phiên tòa, ông Vũ và bà Thảo tranh luận rất gay gắt các vấn đề hôn nhân, con cái và tài sản, nhưng điều mà cả hai quan tâm là thương hiệu Trung Nguyên. Bà Thảo cho rằng, không muốn Trung Nguyên rơi vào tay người khác.

Ông Vũ cũng cho rằng, ông không cần tiền, chỉ cần Trung Nguyên. Ông không muốn để thương hiệu này rơi vào tay bà Thảo.

Ngoài những ý kiến khen, chê, bàn tán, còn có ý kiến cho rằng, hãy nhìn lại cuộc hôn nhân của gia đình mình từ câu chuyện của vợ chồng thương hiệu cà phê lớn. Theo dõi phiên xử từ đầu đến cuối, nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, chúng ta đừng nên phán xét, mà hãy nhìn lại cuộc hôn nhân của mình thông qua câu chuyện ly hôn của vợ chồng ông Vũ, bà Thảo.

Nhà văn Hoàng Anh Tú đặt ra những câu hỏi: Là giá trị của chúng ta đặt vào đâu? Hôn nhân của chúng ta đáng giá bao nhiêu? Chúng ta có thể sẵn sàng đánh đổi cả cơ nghiệp để giữ lại cuộc hôn nhân của mình hay không?

Trước khi mọi thứ vỡ tan tành thế này, cuộc hôn nhân đó đã trôi nổi nơi nào? Họ đã làm gì để nuôi dưỡng cuộc hôn nhân đó, để gìn giữ cuộc hôn nhân đó? Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, những đứa con vốn không phải là thứ neo giữ một cuộc hôn nhân.

Vì dù vợ chồng có ly dị thì con cái vẫn là con cái của hai người. Nó là thứ không thể thay đổi. Dù cha đối xử tệ với mẹ thì con cái vẫn không thể thay đổi được việc cha vẫn là người sinh ra con. Hay dù mẹ đẻ con ra rồi vứt con đi cho chồng nuôi thì người mẹ ấy vẫn là mẹ đẻ.

“Tuyệt đối không thể thay đổi. Nó hiển nhiên đến đau lòng vậy đó! Nên việc có với nhau bao nhiêu đứa con chẳng phải là bảo chứng giúp giữ lại một cuộc hôn nhân đã mục rữa từ tận gốc. Nghĩa tào khang hay số năm tháng người ta sống chung với nhau cũng vậy.

Nó có giá trị hay không vốn chẳng phải số năm họ đã có, mà lại là số năm họ muốn có tiếp với nhau. Thế nên người đầu gối tay ấp với nhau mấy chục năm mà không còn muốn sống tiếp cùng nhau ngày nào nữa thì thậm nguy rồi”, nhà văn Hoàng Anh Tú cho biết.

Nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, bao nhiêu đứa trẻ được sinh ra chỉ là bởi tự nhiên. Con cái không phải huân chương của cha mẹ. Con cái lại càng không phải khoản đầu tư của cha mẹ để tuổi già có người nuôi mình.

Chuyện vợ chồng ông Vũ, bà Thảo vốn là chuyện riêng, nhưng sẽ thật hữu ích nếu chúng ta cùng nhìn lại chính cuộc hôn nhân của mỗi người, về giá trị của nó trong cuộc đời mình, chứ không phải dùng nó để lên án ông Vũ hay bà Thảo.

Việc phân chia tài sản của ông Vũ, bà Thảo không đi đến thỏa thuận trong phiên xử chiều 21/2, khi đề nghị phân chia tỷ lệ 7:3 của ông Vũ bị phía bà Thảo cho là "vô chừng", còn đề nghị bà Thảo hưởng 51% - ông Vũ nhận 39% CTCP Đầu tư Trung Nguyên - doanh nghiệp chủ chốt chi phối toàn bộ công ty con của tập đoàn Trung Nguyên - bị phía ông Vũ cho là "một trò đùa".

3. Những ai theo dõi phiên tòa ly hôn của ông Vũ và bà Thảo không khỏi thấy xót xa, tiếc nuối. Mối tình “thanh mai trúc mã” từ nghèo khó tới khi trở thành ông bà chủ của thương hiệu cà phê nổi tiếng, có với nhau 4 đứa con... của hai vợ chồng họ từng là sự ngưỡng mộ của nhiều người vì mối tình đẹp.

Thế nhưng, sau 20 năm bên nhau, vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã đưa nhau ra tòa. Và những lùm xùm xung quanh chuyện ly hôn của họ thêm một lần nữa nghi ngại rằng tình yêu chỉ còn khi con người ta nghèo khó.

Phải chăng càng giàu có, tình yêu càng phai nhạt dần? Chia sẻ về việc vì sao có nhiều cặp vợ chồng rất tình nghĩa khi khốn khó nhưng khi giàu có lại đổ vỡ, chuyên viên tham vấn tâm lý, TS.

Phạm Thị Thúy - Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia cho rằng, người ta yêu nhau vì tình và bỏ nhau vì tiền rất nhiều. Mặt trái của sự nghèo khổ làm cho con người ta có nhiều thiệt thòi, trắc trở trong hôn nhân.

Nghèo khổ cũng là một trong những nguyên nhân ly hôn. Nhưng mặt tích cực của nghèo làm con người ta dễ đồng lòng với nhau, hợp tác với nhau, hạnh phúc hơn vì khi ấy mục tiêu của họ chỉ chung là lo kinh tế cho gia đình.

Mối quan tâm của cả hai vợ chồng chỉ xoay quanh câu chuyện làm sao có thu nhập ổn định lo cho cuộc sống, lo cho các con. Cũng chính vì vậy mà họ dễ chung vai, chung sức, không có nhiều sự bận tâm khác.

Cả hai dễ thông cảm, thường không phàn nàn nếu vợ hay chồng đi làm nhiều… Còn khi người ta giàu có, hôn nhân dễ đổ vỡ hơn và nguyên nhân có rất nhiều. Giai đoạn khi giàu có, con cái thường đã khôn lớn, không cần phải chú ý nhiều nữa nên vợ hoặc chồng sẽ có nhiều thời gian dành cho bản thân và công việc của mình.

Lúc này mối bận tâm của cả hai vợ chồng ở rất nhiều phương diện. Người chồng mối quan tâm có thể là thăng tiến, địa vị trong xã hội, danh tiếng… Người phụ nữ lại quan tâm đến sắc đẹp, giải trí, cơ hội thăng tiến…

Có thể người này có tham vọng về quyền lực, người kia lại có nhu cầu thỏa mãn nhu cầu tâm linh bên trong. Đặc biệt, khi họ giàu có hôn nhân thường đã kéo dài thì tình cảm vợ chồng không còn mặn nồng như thuở ban đầu nữa mà chuyển sang giai đoạn nghĩa nhiều hơn, thậm chí nhiều trường hợp nhạt phai, nhàm chán…

Cả vợ và chồng có cơ hội ra ngoài xã hội nhiều hơn, có nhiều mối quan hệ gặp người này người kia có sức hấp dẫn hơn vợ/chồng mình là điều khó tránh khỏi. Hay xung đột về quan điểm sống, quan điểm kiếm tiền, tiêu tiền với vợ/ chồng… có khác nhau. Nếu người bạn đời không chia sẻ được, cảm thông thì thất vọng về nhau.

“Ai rồi cũng có những mối quan tâm riêng, tham vọng. Vợ chồng không chỉ là danh phận mà còn là trách nhiệm, tình nghĩa. Dù giàu hay nghèo cũng nên trân trọng và yêu quý nhau vì vợ chồng cái tình mới là thứ quan trọng nhất. Quan trọng hơn cả ở vợ chồng là hiểu và sẻ chia. Có tiền bạc thì tốt, nhưng đừng để tiền bạc, công việc cuốn mình vào những cám dỗ tầm thường mà quên mất người tri kỷ”, bà Thúy cho biết.

Theo Phapluatplus.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phường Đình Bảng “cấp phép”... bằng miệng cho sử dụng “đất vàng” sai mục đích

Khu đất có vị trí đắc địa thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ sơn được UBND phường Đình Bảng “cấp phép”... bằng miệng cho việc xây dựng trái phép, sử dụng sai mục đích gây bức xúc trong nhân dân địa phương. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước không thu được một “cắc” từ việc sử dụng đất trên.