Ý Yên - Nam Định: Nhu cầu sử dụng nước sạch là rất cần thiết

13/07/2018 20:10

Kinhte&Xahoi Từ đầu năm 2018, nhờ có nhà máy nước Yên Ninh (Ý Yên, Nam Định), nguồn nước sinh hoạt được cải thiện, người dân xã Yên Ninh đã có nước sạch để dùng.

Trong mỗi chúng ta, ai cũng biết nước là một thành phần không thể thiếu để duy trì sự sống và một thực tế là ở đâu có sự sống thì ở đó phải có nước. Vậy nên nước được xem là một yếu tố cần thiết cho đời sống con người và cho nhu cầu sinh lý của cơ thể. Đã có cách tính bình quân trong sinh hoạt mỗi người cần từ khoảng 60 đến 100 lít nước/ ngày, tuy nhiên trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp nhu cầu này cao hơn rất nhiều.

Theo quy định ở nước ta, phải đảm bảo tối thiểu việc cung cấp nước sạch người dân sử dụng cho thành phố lớn là 100 lít/người/ 24 giờ; cho thành phố vừa là 60 lít/ người/ 24 giờ; cho thị trấn là 40 lít/ người/ 24 giờ; cho nông thôn là 20 lít/ người/ 24 giờ; cho vùng núi, hải đảo là 10 lít/ người/ 24 giờ. Vậy nên việc cung cấp nước sạch cho người dân luôn được quan tâm chú trọng vì nó gắn liền với sức khỏe con người và phát triển đất nước. Chương trình cung cấp nước sạch được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, yêu cầu các địa phương phải có kế hoạch hành động cụ thể và thực thi nghiêm túc để đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho người dân.

Các cống thải nước sinh hoạt cũng như cống thải công nghiệp chảy thẳng ra sông S2 khiến nước có màu đen ngòm, nước ở đây được chảy ra sông Sắt - nguồn cấp nước cho Nhà máy nước Yên Ninh.

Những ngày nắng nóng vừa qua, phóng viên đã phát hiện trên sông S2 đoạn chạy dọc QL 10, qua địa bàn xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, Nam Định có nhiều đường cống thoát nước thải sinh hoạt từ các hộ dân, cụm công nghiệp chảy thẳng ra, không qua xử lý. Điều đáng lo ngại là nước từ sông S2 lại đổ ra sông Sắt, mà nguồn nước cho nhà máy nước Yên Ninh. Trước tình hình đó, phóng viên đã tìm hiểu thì được biết: Thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh Nam Định giao cho Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn, ngày 01/01/2018, Công ty chính thức tiếp nhận Nhà máy nước Yên Ninh, Ý Yên, Nam Định từ HTX nông nghiệp của xã Yên Ninh.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn làm Tổ trưởng Nhà máy nước xã Yên Ninh, phóng viên có phỏng vấn ông Hoàn nội dung sau:

Bể lắng Nhà máy nước Yên Ninh.

Phóng viên (PV): Ông có thể cho biết, ông công tác tại Nhà máy nước xã Yên Ninh bao lâu rồi và nhà máy có tất cả bao nhiêu cán bộ nhân viên làm việc tại đây?

Ông Nguyễn Quốc Hoàn: Tôi được công ty giao cho tiếp nhận nhà máy và làm Tổ trưởng từ ngày 01/01/2018 và có 06 (sáu) cán bộ nhân viên làm việc tại nhà máy.

PV: Ông có thể cho biết về quy trình hoạt động cấp nước của nhà máy?


Ông Nguyễn Quốc Hoàn: Đầu tiên là bơm hút nước từ sông Sắt, qua xử lý clo sơ bộ cộng với hóa chất tạo bông và tạo lắng (keo tụ) sau đó nước được đưa vào bể lắng và sẽ thu được nước trong (nước tràn trên bề mặt), tiếp theo cho nước qua bể lọc cát và khi nước ra khỏi bể lọc cát kết hợp với châm clo khử trùng sẽ cho ra thành phẩm là nước sinh hoạt an toàn, nước sinh hoạt đi vào bể chứa được các máy bơm cấp cho các hộ dân qua mạng đường ống dẫn nước.

PV: Ông có thể cho biết, dựa vào tiêu chuẩn nào để đưa ra tiêu chuẩn nước an toàn cho người sử dụng?

Ông Nguyễn Quốc Hoàn: Tiêu chuẩn dựa theo quy định của Bộ Y tế, gồm có 22 chỉ tiêu lý hóa và 02 chỉ tiêu vi sinh. Để đạt được 22 chỉ tiêu lý hóa tương đương phải đạt được đó là độ đục và độ PH. Độ đục đối với nước ăn phải dưới mức 2NTU và đối với nước sinh hoạt phải dưới mức 5NTU (NTU là đơn vị độ trong của nước). Độ PH giao động từ 6,5 tới 8,5. Dưới 6,5 là độ axit và trên 8,5 là độ kiềm. 02 chỉ tiêu của vi sinh tương đương với chỉ tiêu clo dư, từ 0,3 tới 0,5 Mg/lít nước tức là trong 01 lít nước phải có từ 0,3 tới 0,5 Mg clo để khử trùng.

PV: Khi về tiếp quản nhà máy nước thì tình trạng của nhà máy như thế nào và đến bây giờ tình trạng của nhà máy nước được khắc phục và cải thiện ra sao?

Ông Nguyễn Quốc Hoàn: Nhà máy nước khi tôi tiếp quản đã bị xuống cấp trầm trọng, bể chứa và các bể khác thì rất nhiều rêu, nhiều cây cỏ và muỗi. Các đường ống, van vòi thì cái tắc, cái hỏng, cái thì không có tác dụng hoạt động (không đóng mở được - PV). Tổng số máy bơm có 07 chiếc thì nay đã hỏng mất 04, chỉ còn 03 máy hoạt động. Tất cả anh em trong nhà máy được phân công về đây đã cùng nhau tổng vệ sinh nhà máy, vệ sinh bể lắng lọc bằng clo để diệt khuẩn, bảo dưỡng thay thế các van hỏng, lắp mới các máy bơm nước sạch và các máy định lượng hóa chất. Thay cát lọc và xốp lọc của các bể lọc cát, cải tạo để bể lắng được nước trong hơn.

PV: Nguồn kinh phí để thay thế, sửa chữa nâng cấp đó thì được lấy từ đâu?

Ông Nguyễn Quốc Hoàn: Nguồn kinh phí do công ty cấp và hiện giờ vẫn đang sử dụng nguồn nước lấy từ sông Sắt về.

PV: Theo quan sát, chúng tôi thấy tình trạng sông Sắt đang có sự ô nhiễm ở mức đáng báo động, vậy công ty đã sử dụng công nghệ gì và bằng cách nào để cải thiện tình trạng nước để đạt được kết quả đủ điều kiện an toàn nước sinh hoạt như hiện nay?

Ông Nguyễn Quốc Hoàn: Cũng không có công nghệ gì, chỉ là làm đúng mọi quy định để các chỉ số định lượng được đúng với quy định thế là nguồn nước được cải thiện. Như hôm 12/06/2018 đã có đoàn kiểm tra gồm có các ban ngành như Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Ý Yên, Trạm y tế xã Yên Ninh, lãnh đạo UBND xã Yên Ninh và đại diện Nhà máy nước Yên Ninh. Kết luận của buổi kiểm tra là nước đạt tiêu chuẩn về độ đục và clo.

Hiện nay doanh thu của nhà máy vẫn lỗ vì những lý do như công trình xuống cấp, không được tu bổ bảo dưỡng thường xuyên, lượng nước đến được các hộ dân bị thất thoát trên 50% vì vẫn sử dụng mạng lưới đường ống cũ có nhiều chỗ bị rò rỉ, thiết kế của đường ống cũ dành cho 1000 hộ dân những nay đã tăng lên là 3000 hộ dân. Đơn giá thì vẫn là giá cũ 4.500/m3 và công ty phải nộp thuế, một ngày nhà máy hoạt động hết công suất thì đạt được 2000m3 nhưng thất thoát hơn 1000m3 rồi”.

PV: Vậy công ty đã có định hướng thay đổi như nào về Nhà máy nước Yên Ninh?

Ông Nguyễn Quốc Hoàn: Định hướng của công ty được UBND tỉnh giao cho là thay đổi nguồn cấp nước từ sông Sắt sang sông Đào và làm mới hết đường ống cấp nước, đồng hồ của các hộ gia đình.

PV: Cảm ơn ông về buổi làm việc.

Phóng viên đã tìm hiểu một số hộ dân đang sống và đang sử dụng nguồn nước của Nhà máy nước Yên Ninh thì nhận được những phản ánh và mong muốn khác nhau. Ông Trịnh Quang Tình, người dân xã Yên Ninh cho biết: “Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, tôi thấy nguồn nước sinh hoạt từ trước năm 2018 luôn có màu vàng đục, mùi tanh, thỉnh thoảng có cả những con ốc bé bé bò ra từ vòi nước. Nhưng từ đầu năm 2018 tới nay, nguồn nước đã được thay đổi rõ rệt như nước rất trong, không còn có mùi và đã có thể dùng làm nước đun nấu”.

Bà Nguyễn Thị Thúy và bà Ninh Thị Thảo sống gần đường QL 10, thuộc địa bàn thôn Ninh Xá, xã Yên Ninh cho biết: “Trước năm 2018, nguồn nước rất tanh có cả loăng quăng không thể chấp nhận được nhưng vì đây là nguồn nước sinh hoạt duy nhất không có nguồn nào để thay thế nên vẫn phải dùng nguồn nước thiếu an toàn này, tuy nhiên từ đầu năm 2018 tới nay nguồn nước đã được cải thiện hơn. Dù vậy, người dân chúng tôi vẫn mong muốn cải thiện hơn nữa để có nguồn nước sạch an toàn để sử dụng làm nước uống”.

Bà Thảo sự dụng nước sinh hoạt và đang mong muốn có nước sạch để nấu ăn.

Nước rất cần thiết cho nhu cầu vệ sinh cá nhân, vệ sinh cộng đồng, trong xã hội, trong cứu hỏa và trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, ... Nhưng bên cạnh những vai trò thiết thực đó, nước cũng có thể là nguồn chứa độc chất và lan truyền mầm bệnh, dịch bệnh gây nguy hại cho sức khỏe con người và sinh vật sống nếu như nguồn nước bị ô nhiễm.

Vậy nên chính quyền và ngành nước ở huyện Ý Yên cần quan tâm đến việc cấp nước cho nhân dân hơn nữa vì trên thực tế tìm hiểu, chúng tôi thấy nước cấp hiện nay của Nhà máy nước Yên Ninh chỉ đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân, nhưng đã có hộ sử dụng nguồn nước này để ăn như nước sạch.

 

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thanh oai, Hà Nội: Hơn 100 hộ dân xây nhà trên đất nông nghiệp?

Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối và khó giải quyết tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo Luật đất đai năm 2013, việc xây dựng nhà ở hoặc các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp trái phép sẽ bị xử phạt tùy mức độ và hành vi vi phạm.