Ba Vì - Hà Nội: Những dấu hỏi sau một phiên toà sơ thẩm

05/01/2023 20:25

Kinhte&Xahoi Mới đây, TAND huyện Ba Vì đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Cao Bá Quý Dương về tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác” theo Điều 158 Bộ luật hình sự 2015. Trong quá trình tranh tụng, luật sư của bị cáo đã chỉ ra nhiều vấn đề trong quá trình điều tra của Công an huyện Ba Vì và chưa được phía đại diện Viện kiểm sát trả lời thấu đáo, thuyết phục. Đặc biệt, bản án 30 tháng tù giam đối với bị cáo khiến dư luận bất ngờ và không thể không đặt dấu hỏi về tính công minh của pháp luật và tình cảm con người, khi em gái đẩy anh trai vào tù tội.

Luật sư kiến nghị về quá trình điều tra của Công an huyện Ba Vì

Vào hồi 6h30 ngày 13/7/2022, Công an huyện Ba Vì đã tiến hành bắt khẩn cấp anh Cao Bá Quý Dương vì tội “xâm phạm chỗ ở của người khác” theo Điều 158 Bộ luật hình sự 2015. Anh Dương bị bắt vì tội "dám" ở trong ngôi nhà mình đã sinh ra và lớn lên hơn 40 năm qua, để lại người vợ đang mang thai tháng thứ 7 không nghề nghiệp và 3 con thơ dại.

Vào ngày 08/12/2022, khi diễn ra phiên toà, đứa con thứ 4 mới sinh được mẹ ẵm trên tay nhưng cán bộ dẫn giải không cho phép bị cáo Dương ôm con dù chỉ một lần. Những người tham dự phiên toà chỉ biết quay đi, xót xa cho hoàn cảnh gia đình người anh trai bị em gái cùng cha khác mẹ đưa vào vòng lao lý.

Bị cáo Dương bị dẫn giải vào tòa và không được phép gặp con mới sinh

Trong suốt phiên toà, bị cáo Cao Bá Quý Dương liên tục kêu oan, bị cáo cho rằng mình chỉ ở trên ngôi nhà của cha mẹ từ 40 năm nay. Ngôi nhà đó được Công ty xây dựng Ba Vì xây nhà cho để ở vào năm 1986. Về pháp luật, Dương ở đây từ năm 1980 và chưa có cơ quan nào kết luận ở sai, chưa có cơ quan nào yêu cầu ra khỏi nhà, kể cả thi hành án. Về đạo lý, Dương là con trai duy nhất thờ cúng ông bà bố mẹ, Dương phải giữ gìn, duy tu, bảo vệ.

Toàn cảnh phiên toà

Luật sư Đào Trung Kiên, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo cho rằng cần thiết triệu tập đại diện Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện Ba Vì tới dự phiên toà sơ thẩm. Theo luật sư, tháng 5/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện Ba Vì đã ra quyết định không khởi tố vụ án “Xâm phạm chỗ ở của người khác” với lý do không có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Sau đó, Công an huyện Ba Vì ra Quyết định xử phạt hành chính đối với Cao Bá Quý Dương với hành vi chiếm giữ chỗ ở. Tuy nhiên, ngày 12/7/2022, mặc dù không phát sinh bất kỳ tình tiết mới nào nhưng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Ba Vì lại khởi tố Dương tội “xâm phạm chỗ ở của người khác”. Luật sư Đào Trung Kiên cho rằng, cần triệu tập đại diện Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện Ba Vì để lý giải việc này. Tuy nhiên, yêu cầu của luật sư đã bị Chủ toạ phiên toà bác bỏ, cho rằng không cần thiết (?).

Trong phần tranh tụng, cáo trạng của VKSND huyện Ba Vì xác định, bị cáo Dương đã bị Công an huyện Ba Vì ra Quyết định xử phạt hành chính; gây mất trật tự an ninh tại địa phương, nên dựa trên lời khai của hai người làm chứng truy tố bị cáo vào Khoản 2 Điều 158 Bộ luật hình sự 2015.

Theo luật sư Đào Trung Kiên, về vấn đề Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cao Bá Quý Dương, Công an huyện Ba Vì không lập bất kỳ biên bản vi phạm hành chính nào nhưng lại ra ngay Quyết định xử phạt vi phạm hành chính là không đúng trình tự thủ tục, vi phạm quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, mặc dù đang trong thời hạn khiếu nại hành chính, nhưng ngay lập tức sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại hành chính lần 1, Công an huyện Ba Vì đã ra ngay quyết định khởi tố và bắt tạm giam Cao Bá Quý Dương. Về vấn đề này, luật sư của bị cáo Cao Bá Quý Dương cho rằng: “Quyết định khởi tố Cao Bá Quý Dương theo khoản 1 Điều 158, mức hình phạt cao nhất là đến 2 năm tù nhưng Công an huyện Ba Vì lại bắt tạm giam Dương là trái với quy định tại điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự”. Theo đó, khoản 2, điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự quy định "Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm...".

Trong phần tranh tụng, nhiều người dự phiên toà ngạc nhiên và khó hiểu khi vị đại diện VKSND huyện Ba Vì trả lời vấn đề này chưa thoả đáng, viện dẫn các căn cứ pháp luật chưa rõ ràng, thiếu thuyết phục.

Về việc VKSND huyện Ba Vì đề nghị truy tố Dương theo điểm đ, khoản 2 Điều 158 Bộ luật hình sự chỉ căn cứ vào lời khai của 2 người làm chứng là hàng xóm, luật sư Đào Trung Kiên cho rằng: “Quy kết bị cáo gây mất trật tự an ninh tại địa phương để xét xử là khiên cưỡng, cố hợp thức hóa việc bắt tạm giam Cao Bá Quý Dương ngay sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can”.

Bản án có quá nặng?

Cáo trạng của VKSND huyện Ba Vì đề nghị TAND huyện Ba Vì xử mức án đối với bị cáo Cao Bá Quý Dương là từ 18 đến 24 tháng tù giam. Tuy nhiên, cho rằng hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, cần cách ly một thời gian để giáo dục bị cáo, cũng là thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật nên TAND huyện Ba Vì đã tuyên bị cáo chịu mức án 30 tháng tù giam (?). Bản án trên khiến cả phiên toà sững sờ, bao gồm cả bị cáo, bị hại và những người tham dự.

Hồ sơ vụ việc ghi nhận, chị Minh là con bà Trần Thị Trình và ông Cao Bá Khuông, bà Trình là mẹ kế của anh Cao Bá Quý Dương. Theo đó, năm 1979, vợ ông Khuông mất, để lại 04 đứa con là anh Cao Bá Quý Dương cùng các chị gái là Hương, Hà, An. Năm 1980, ông Khuông kết hôn với bà Trần Thị Trình (có một đời chồng nhưng không có con) và sinh chị Cao Thị Minh vào năm 1983. Năm 1988, ông Khuông mất, cả gia đình cùng sống tại mảnh đất có diện tích 400 m2, thửa đất số 470, tờ bản đồ số 4, thuộc xã Chu Minh, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Khi các con khôn lớn, các chị gái và bản thân chị Minh cũng ra ở riêng, còn vợ chồng anh Dương ở lại, phụng dưỡng bà Trình.

Mọi việc bỗng phát sinh khi năm 1998, bà Trình đã một mình đi làm GCNQSDĐ mảnh đất 400 m2 mang tên “Hộ bà Trần Thị Trình”, năm 2014, bà đã xin đính chính lại mảnh đất toàn quyền sở hữu của riêng mình là “Bà Trần Thị Trình”. Có “sổ đỏ” trong tay, năm 2016, bà Trình đã tặng và tách sổ cho con gái là Cao Thị Minh 181m2. Số diện tích này bao gồm luôn các căn nhà cấp 4, bếp, nhà phụ mà ông bà Khuông, Trình đã cùng nhau tạo dựng nhiều năm và là nơi gia đình anh Dương vẫn đang sinh sống. Từ hành vi lạ lùng này của bà mẹ kế, cảnh “nồi da, xáo thịt” đã bắt đầu với những án kiện nhau liên miên của những người anh chị em cùng cha, khác mẹ.

Tận cùng của nỗi đau “nồi da xáo thịt” này là vào hồi 6:30 ngày 13/ 7/ 2022, Công an huyện Ba Vì đã tiến hành bắt khẩn cấp anh Cao Bá Quý Dương vì tội “xâm phạm chỗ ở của người khác” theo Điều 158 Bộ luật hình sự 2015. Anh Dương đã bị bắt vì tội dám ở ngay tại ngôi nhà mình đã sinh ra và lớn lên hơn 40 năm qua, để lại vợ đang mang thai tháng thứ 7 không nghề nghiệp và 3 con thơ dại.

Ngày 08/ 12/ 2022, sau 5 tháng bị tạm giữ hình sự, TAND huyện Ba Vì đã tiến hành xét xử và tuyên bị cáo Cao Bá Quý Dương chịu mức án 30 tháng tù giam. 

PV - thuonghieuvaphapluat.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Tĩnh: Phát hiện hơn 200kg bánh kẹo không rõ nguồn gốc

Thông tin từ Công an tỉnh Hà Tĩnh, phòng Cảnh sát môi trường vừa phối hợp với Công an xã Kỳ Bắc, Công an xã Tân Lâm Hương phát hiện 3 hộ kinh doanh hàng hóa bánh kẹo không rõ nguồn gốc với tổng trọng lượng hơn 200kg.

link bài gốc https://thuonghieuvaphapluat.vn/ba-vi-ha-noi-nhung-dau-hoi-sau-mot-phien-toa-so-tham-d58031.html