Bài học lớn từ vụ trường Gateway

28/08/2019 10:59

Kinhte&Xahoi Như vậy, “câu chuyện Gateway” đã dần sáng tỏ. Hôm qua cơ quan tố tụng quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã khởi tố bà Nguyễn Bích Quy, người đưa đón học sinh Trường Gateway về tội “Vô ý làm chết người”, theo điều 128 Bộ luật Hình sự 2015.

Trường Gateway

Trong vụ án này, từ khi khởi tố vụ án đến khởi tố bị can là 21 ngày. Dư luận không nghi ngờ ở năng lực của cơ quan điều tra, bởi Công an Việt Nam từng được ca ngợi “giỏi nhất thế giới” trên cả diễn đàn Quốc hội. Dư luận thắc mắc về những điều rất khác. Một đồn mười, mười đồn một trăm trở thành “vấn đề xã hội”.

Tất nhiên, “câu chuyện Gateway” còn dài. Bà Nguyễn Bích Quy hay ai đó nữa chịu trách nhiệm gì trước pháp luật còn phải chờ kết quả điều tra, truy tố, xét xử với một bản án (nếu có) khi có hiệu lực pháp luật. Dư luận và báo chí không được “ngồi nhầm chỗ”, làm thay công việc các thẩm phán. Tất nhiên, nhiều bài học đã lộ diện.

Trước hết, đó là bài học quản lý. "Ma trận" các trường gọi là quốc tế ở Hà Nội và TP HCM và nhiều đô thị lớn hình thành từ lâu. Các trường xưng danh quốc tế là vi phạm pháp luật. Sau khi xảy ra “sự cố” Gateway, hàng loạt các cơ sở giáo dục gắn mác "quốc tế" đều đã thay tên ở cổng trường, biển hiệu. Vì sao?. Phải chăng vì động cơ gì đó không trong sáng, chẳng hạn như để thu học phí cao. 
 
Thứ hai, để “định hướng” dư luận, xóa bỏ hoài nghi, củng cố niềm tin của nhân dân không có cách nào khác hơn sự thật. Thượng tôn pháp luật là một giá trị phổ quát của văn hóa pháp luật nhân loại; công khai minh bạch là con đường, giải pháp duy nhất để tiệm cận những giá trị văn minh.

Công khai minh bạch là trách nhiệm của Nhà nước, đồng thời là vũ khí sắc bén để Nhà nước nâng cao năng lực và phẩm chất của mình. Cao hơn cả, đây là phương tiện phát huy sức mạnh nhân dân, đặc biệt trong việc giải quyết những vấn đề khó khăn đang diễn ra hiện nay của đất nước. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus