Báo động tình trạng thanh thiếu niên phạm tội ngày càng gia tăng

29/03/2022 11:18

Kinhte&Xahoi Hiện nay, tình trạng thanh thiếu niên phạm tội đang có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và mức độ phạm tội ngày càng manh động, tinh vi. Đa số các đối tượng vi phạm pháp luật đều bỏ học sớm, thiếu sự quản lý của gia đình, sống lang thang, không nghề nghiệp dẫn đến sa ngã, phạm tội.

Nhóm "quái xế" phạm tội gây rối trật tự công cộng bị TAND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đưa ra xét xử

Từ “quái xế” đường phố đến cướp của

Nhằm ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đua xe, cổ vũ đua xe, gây rối trật tự công cộng, cướp giật tài sản… trên địa bàn TP Hà Nội có chiều hướng gia tăng. Trong 4 đêm (từ mùng 9 đến 12/3), các tổ công tác đặc biệt 141 của Công an TP Hà Nội đã hoá trang tuần tra, kết hợp cắm chốt ngăn chặn giải tán nhiều đám đông thanh, thiếu niên tụ tập không cần thiết, phát hiện chặn giữ gần 400 đối tượng.

Ngoài các hành vi vi phạm chủ yếu như không đội mũ bảo hiểm, không gắn biển số, không có giấy tờ; các “quái xế” điều khiển xe chạy tốc độ cao, lạnh lách đánh võng… gây mất an ninh trật tự và các hành vi vi phạm khác. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện các đối tượng mang theo vũ khí thô sơ, bình khí cười...

Không chỉ tổ chức đua xe, cổ vũ đua xe trái phép gây náo loạn đường phố, các đối tượng thanh thiếu niên còn tụ thành các nhóm hàng chục đối tượng mang theo dao kiếm, tuýp sắt gắn dao bầu đi thanh toán lẫn nhau, gây ra những vụ “hỗn chiến” kinh hoàng trên đường phố, thương vong cho các nạn nhân.

Cụ thể như, cuối tháng 10/2021, Viện KSND TP Hà Nội đã ban hành cáo trạng truy tố 21 đối tượng trong vụ truy sát nhầm người đi đường tại khu vực trước cổng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Trong số 21 bị can này, 17 bị can dưới 20 tuổi bị truy tố về tội "Giết người", 4 bị can bị truy tố về tội "Gây rối trật tự công cộng".

Theo cáo trạng, rạng sáng 24/2, Hoàng Thế Anh (SN 2003, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) cùng đồng bọn khoảng 20 người đi xe máy, cầm theo dao, kiếm, tuýp sắt gắn dao nhọn... đi đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội (đoạn cổng bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Đến đây, nhóm của Thế Anh bất ngờ gặp một nhóm 20 người đi xe máy ngược chiều từ đường Trần Khánh Dư rẽ vào đường Trần Hưng Đạo.

Trong nhóm đi ngược chiều này có Nguyễn Hoàng M (16 tuổi, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đang đèo bạn gái đi chơi. Nhóm của Thế Anh thấy nhóm của anh M thì tưởng nhầm là một nhóm địch thủ, liền lao vào đánh.

Nguyễn Đức Mạnh (16 tuổi, trú Hai Bà Trưng, Hà Nội) đi cùng nhóm với Thế Anh liền lao vào cầm hung khí chém vào đầu anh M. Lúc này, các đối tượng vẫn chưa biết là đã đánh nhầm người khiến nạn nhân tử vong do mất máu cấp.

Cũng trong thời gian qua, Cơ quan điều tra của Công an TP và các quận, huyện cũng bắt giữ nhiều đối tượng gây ra các vụ án giết người, cướp giật tài sản rất manh động xảy ra trong những ngày vừa qua như vụ cướp ngân hàng ở phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm; Vụ cướp giật tài sản xảy ra sáng 22/2/2022 tại Đường 19/5 (phường Văn Quán, quận Hà Đông); Vụ 4 đối tượng dùng hung khí cướp xe máy của nữ công nhân môi trường vào rạng sáng 3/8/2021 gây xôn xao, bức xúc trong dư luận xã hội. Các đối tượng gây án tuổi đời rất trẻ, mới 18-20 tuổi, để có tiền ăn chơi đã rủ nhau mang kiếm đi cướp tài sản.

Băng cướp "nhí" gây ra khoảng 20 vụ cướp giật tài sản tại TP Hồ Chí Minh vừa bị cảnh sát bắt giữ

Không chỉ riêng Hà Nội, số thanh thiếu niên phạm tội ở nhiều tỉnh thành trên cả nước cũng ngày càng gia tăng. Đơn cử như ngày 12/3 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh đã tạm giữ 7 thiếu niên có tuổi đời còn rất trẻ (trong đó có cả học sinh) trong băng nhóm gây ra hàng loạt vụ cướp giật tài sản táo tợn trên địa bàn. Cầm đầu băng cướp "nhí" này là Nguyễn Văn Tâm (17 tuổi, ở tỉnh Bình Phước).

Theo điều tra, từ tháng 1/2022 đến thời điểm bị tạm giữ, Tâm cùng đồng bọn đã thực hiện khoảng 20 vụ cướp giật tài sản của người đi đường. Nhóm này còn sử dụng hung khí như dao, bình xịt hơi cay và vật giống súng uy hiếp nạn nhân để cướp điện thoại, túi xách, nữ trang...

Trước đó, vào ngày 12/2, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã bắt khẩn cấp băng cướp “nhí” gồm 8 thanh, thiếu niên do Chung Chí Phong (SN 2005) và Từ Tấn Phú (SN 2004) cầm đầu. Tại cơ quan điều tra, những thanh, thiếu niên này khai nhận quen biết nhau qua mạng xã hội và bàn bạc kế hoạch đi cướp tài sản sau vài lần uống cà phê.

Phú lên kế hoạch gây án, mua sắm hung khí cho đồng bọn ra tay. Chúng thường chọn những người điều khiển xe máy đi một mình hoặc lưu thông trên đoạn đường tối, vắng, ép xe họ rồi dùng dao tấn công tới tấp, cho đến khi cướp được tài sản và xe máy.

Làm gì để ngăn chặn thanh, thiếu niên phạm tội?

 Tội phạm thanh, thiếu niên gia tăng không chỉ xảy ra ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà còn xảy ra ở nhiều tỉnh thành khác như Bình Định, Bình Thuận, Hưng Yên... Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2018 đến quý I/2021, cả nước ghi nhận hơn 10.000 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật, với 16.000 đối tượng có liên quan. Trong đó, nữ giới chiếm 5%, nam giới chiếm đến 95%.

Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về thực trạng trên, Luật sư Giang Hồng Thanh, Trưởng Văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Hiện nay, tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội đang ngày càng có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ phạm tội với nhiều tội danh như: Giết người; Cướp, cưỡng đoạt, cướp giật tài sản; Trộm cắp tài sản; Cố ý gây thương tích; Gây rối trật tự công cộng…

Thủ đoạn phạm tội cũng ngày càng tinh vi, có sự tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng. Đây là một hiện tượng đáng báo động cần có sự quan tâm, giáo dục, quản lý chặt chẽ hơn của gia đình, nhà trường và các ban ngành, đoàn thể xã hội; Đồng thời cũng cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để xử lý và ngăn chặn kịp thời tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật.

Luật sư Giang Hồng Thanh, Bí thư Đoàn Thanh niên Đoàn Luật sư TP Hà Nội tham gia tuyên truyền giáo dục pháp luật tại trường THPT Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm (Ảnh tư liệu)

“Pháp luật Hình sự Việt Nam hiện hành đã có quy định rất cụ thể về việc người từ đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp; Còn người từ đủ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội phạm. Tuy nhiên trên thực tế cho thấy, rất nhiều thanh, thiếu niên không biết được việc làm sai trái của mình có thể bị pháp luật xử lý. Sở dĩ điều này, một phần do nhận thức của thanh thiếu niên, một phần do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giảng dạy văn hóa chưa giúp các em hiểu nguy cơ pháp lý mà các em phải gánh chịu sẽ nặng nề ra sao nếu phạm pháp.

Cụ thể như trong quá trình trợ giúp pháp lý cho học sinh một số trường THPT, THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội, tôi thấy nhiều học sinh nghĩ rằng việc tụ tập đánh nhau, chửi bới mạt sát nhau trên mạng xã hội, quan hệ tình dục tự nguyện với người dưới 16 tuổi… sẽ không bị pháp luật xử lý. Như vậy rõ ràng nếu có định hướng tốt, sẽ giảm thiểu được tình trạng lứa tuổi thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật”, luật sư Giang Hồng Thanh phân tích.

Cũng theo Trưởng Văn phòng luật sư Giang Thanh, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên có thể đánh giá ở nhiều góc độ khác nhau như: Vai trò định hướng của gia đình, nhà trường, xã hội đối với lứa tuổi thanh, thiếu niên chưa đạt được hiệu quả; Số trẻ em vi phạm pháp luật thường sống trong môi trường thiếu lành mạnh, bị lôi kéo dụ dỗ bởi các đối tượng xấu…

Ngoài ra, cùng với tốc độ phát triển kinh tế xã hội là tốc độ phát triển của mạng internet là một trong những môi trường có nguy cơ tác động tiêu cực đến lứa tuổi thanh thiếu niên nếu các em không được tư vấn, giáo dục phòng ngừa hiệu quả.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa đạt được hiệu quả; Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều thanh niên bị ảnh hưởng về việc làm dẫn đến một số vấn nạn như trộm cắp, cướp giật…

 
Hơn 20 đối tượng mới lớn mang dao kiếm đi giải quyết mâu thuẫn khiến nam thiếu niên 16 tuổi tử vong

“Để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội, trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác định hướng cho lứa tuổi thanh, thiếu niên từ gia đình cho đến nhà trường và xã hội.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường xây dựng các chương trình tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật như: Nâng cao chất lượng và thực tiễn các quy định pháp luật về lứa tuổi thanh, thiếu niên; Đan xen công tác giáo dục pháp luật tại gia đình và nhà trường để trẻ có thể được tiếp thu hiệu quả, nâng cao hiểu biết pháp luật ở trẻ em.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp quản lý xã hội đặc biệt là quản lý trên không gian mạng, giúp trẻ phân biệt được các mối nguy hại để phòng tránh; Kịp thời giải quyết công ăn việc làm cho lứa tuổi thanh niên, tránh tình trạng không có việc làm mà sa vào các tệ nạn xã hội dẫn đến vi phạm pháp luật”, luật sư Giang Hồng Thanh kiến nghị.

Thành Long - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sơn La: Khởi tố người đàn ông bị vợ cắt phăng "của quý"

Ngày 28/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã khởi tố bị can và ra lệnh bắt để tạm giam đối với đối tượng Nguyễn Văn Hoan (SN 1993, trú tại xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu) về tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo điểm D, khoản 2, Điều 144 Bộ luật hình sự.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/bao-dong-tinh-trang-thanh-thieu-nien-pham-toi-ngay-cang-gia-tang-192813.html