Bảo vệ sức khỏe khi thời tiết mưa, rét

14/02/2022 11:51

Kinhte&Xahoi Sau Tết, thời tiết bước vào giai đoạn nồm ẩm, mưa phùn và rét, khiến mọi người dễ nhiễm bệnh, nhất là với người già, trẻ nhỏ có sức đề kháng kém. Ngoài một số bệnh truyền nhiễm, như: Covid-19, sốt xuất huyết, sởi, cúm…, thời điểm này, người dân cần chủ động phòng tránh một số bệnh không lây nhiễm, như: Đột quỵ, tim mạch, tăng huyết áp, xương khớp…

Bệnh nhân đến khám bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba. Ảnh: Xuân Lộc

Bệnh nhân nhập viện gia tăng

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, trong ngày 11-2, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba (quận Hoàn Kiếm), lượng bệnh nhân đến khám tăng so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Chỉ tính đến đầu giờ chiều, bệnh viện đã khám cho gần 300 lượt người, trong đó lượng bệnh nhân đông nhất là tại Phòng khám Nội - Mãn, Phòng khám Tai - Mũi - Họng và Phòng khám Nhi. Các bác sĩ cho hay, với thời tiết rét đậm, mưa phùn như hiện nay, trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp; đối với người cao tuổi, khi nhiệt độ xuống thấp, cơ thể chưa kịp thích nghi hoặc thích nghi kém có thể làm nặng thêm các bệnh mãn tính (tim mạch, huyết áp, xương khớp, hen phế quản…).

Còn tại Bệnh viện E (quận Cầu Giấy), trung bình mỗi ngày, Khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận từ 80 đến 100 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân đột quỵ não và tim mạch chiếm tỷ lệ cao. Đặc biệt, những ngày gần đây, khi thời tiết rét đậm, độ ẩm cao, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ tăng từ 10% đến 15% ở người lớn tuổi. Ngoài ra, tỷ lệ bệnh nhân đến khám các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đau nhức xương khớp cũng tăng từ 10% đến 20%…

Khi nhiệt độ giảm sâu, không chỉ đột quỵ, mà tỷ lệ bệnh nhồi máu cơ tim cũng tăng lên. Có ngày, cùng lúc Khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện E) tiếp nhận tới 8 bệnh nhân nhồi máu cơ tim và hầu hết là người cao tuổi. Bác sĩ Lý Đức Ngọc, Phó Trưởng khoa Nội tim mạch người lớn chia sẻ, có những người dấu hiệu khởi phát từ 5 đến 7 ngày, nhưng ngại đi khám. Khi đến bệnh viện, bệnh nhân đã ngưng tim và phải cấp cứu, đặt ống nội khí quản, thở máy… Có trường hợp không kịp chờ kết quả xét nghiệm, chẩn đoán đã phải tiến hành phẫu thuật ngay lập tức. Bởi, nếu để qua “thời gian vàng”, bệnh nhân có thể tử vong.

Bên cạnh đó, hình thái thời tiết giao mùa đông - xuân với nhiều thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm như hiện nay còn làm tăng nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội), từ ngày 1-1 đến 10-2, trên địa bàn thành phố ghi nhận 10 ca mắc sốt xuất huyết.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, ngoài số ca mắc Covid-19 gia tăng, hiện những bệnh truyền nhiễm lưu hành trong mùa đông - xuân đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, song không vì thế mà người dân chủ quan. Bởi vì với nhiệt độ lạnh, mưa nhiều, thời tiết nồm ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút phát triển nhanh, làm tăng nguy cơ gây bệnh.

Người cao tuổi, trẻ nhỏ cần hết sức lưu ý

Để đề phòng đột quỵ, nhồi máu cơ tim đối với người cao tuổi, bác sĩ Phạm Xuân Hiếu, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện E) khuyến cáo, các bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, như: Huyết áp, tim mạch, hen phế quản… cần tuân thủ uống thuốc định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Khi có các dấu hiệu đau ngực, khó thở, bệnh nhân cần đến bệnh viện thăm khám. Đặc biệt, cần tăng cường chế độ dinh dưỡng, đủ chất; thực phẩm cho người cao tuổi cần nấu nhừ, dễ tiêu, phù hợp với từng tình trạng bệnh lý…

Thời điểm này, trẻ em bắt đầu trở lại trường học sau thời gian dài phải ở nhà học trực tuyến vì dịch Covid-19. Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) lưu ý, thời tiết như hiện nay, trẻ em rất dễ mắc các bệnh lý hô hấp, trong đó có Covid-19. Chính vì vậy, vai trò của cha mẹ, thầy, cô giáo rất quan trọng trong việc hướng dẫn trẻ những biện pháp phòng, chống nhiễm bệnh, nhất là sau khoảng thời gian dài trẻ sinh hoạt trong nhà, ít tiếp xúc với môi trường xung quanh.

“Cùng với biện pháp tiêm phòng, trẻ em cần được bổ sung dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng, tập luyện nhằm tránh thừa cân béo phì, kiểm soát tốt các bệnh mãn tính, tránh nhiễm lạnh, bảo đảm thông khí tốt trong môi trường sống, học tập, vệ sinh bàn tay thường xuyên, sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc với người khác… Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ: Sốt, viêm đường hô hấp, tiếp xúc yếu tố nguy cơ... cần kiểm tra ngay và tránh tiếp xúc với người khác, khi chưa có kết quả xét nghiệm”, bác sĩ Nguyễn Thành Nam hướng dẫn.

Trước nguy cơ số ca mắc Covid-19 tiếp tục gia tăng mạnh sau Tết, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà yêu cầu, giám đốc trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần tăng cường quản lý, theo dõi người nhiễm Covid-19 mức độ nhẹ tại nhà; cấp phát thuốc đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ chuyển tầng, chuyển viện, nhằm giảm áp lực cho tuyến trên. Đối với những trường hợp chuyển nặng cần phải được theo dõi sát sao, kịp thời, nhằm giảm tối đa tỷ lệ tử vong.

 Thu Trang - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chủ động trấn áp tội phạm ngay từ đầu năm

Nhằm bảo đảm an ninh, an toàn dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và các lễ hội xuân năm 2022, Công an thành phố Hà Nội đã chủ động mở cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm. Hiện các đơn vị nghiệp vụ của Công an thành phố đang tiếp tục tăng cường lực lượng, chốt trực, tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm giữ vững sự bình yên của Thủ đô ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới…

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/1024651/bao-ve-suc-khoe-khi-thoi-tiet-mua-ret