Bị cáo Lương Hữu Phước nhảy lầu tử vong: Vụ án sẽ được giải quyết như thế nào?

12/06/2020 10:55

Kinhte&Xahoi Ngày 5/6 vừa qua, Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM đã ký quyết định kháng nghị vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” mà bị cáo là ông Lương Hữu Phước - người nhảy lầu tự tử tại trụ sở TAND tỉnh Bình Phước hôm 29/5, sau khi bị tuyên án 3 năm tù. Nhiều bạn đọc bày tỏ thắc mắc về vấn đề pháp lý của vụ án khi mà bị cáo duy nhất của vụ án đã chết.

Ông Lương Hữu Phước ngồi tại TAND tỉnh Bình Phước trước khi HĐXX phúc thẩm tuyên án

Luật sư Nguyễn Huy Long (Giám đốc Cty Luật Legal Gate Việt Nam) cho biết, Điều 371 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) 2015 quy định: “Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong các căn cứ: 1. Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; 2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; 3. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật”.

Điều 373 BLTTHS quy định, Chánh án TAND Cấp cao, Viện trưởng VKSND Cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Chính vì thế, khi nhận thấy có căn cứ như trên thì việc Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM đã ký quyết định kháng nghị theo hướng hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung là đúng thẩm quyền. 

 Luật sư Nguyễn Huy Long

Về tình tiết bị cáo đã chết, LS Long cho rằng, nội dung này không ảnh hưởng đến việc kháng nghị giám đốc thẩm vì không có điều luật nào quy định bị cáo đã chết thì không được kháng nghị. BLTTHS chỉ có quy định nhằm hạn chế kháng nghị theo thời hạn.

Cụ thể, Điều 379 quy định “việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ".

Tuy nhiên, trong vụ án này thì vấn đề trên chưa đặt ra vì quyết định kháng nghị đã có chỉ sau 1 tuần, kể từ khi bản án phúc thẩm có hiệu lực. Đồng thời, nội dung kháng nghị cho rằng  cần làm rõ lỗi của bị hại và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, tức là kháng nghị theo hướng có lợi cho bị cáo.

Như vậy, nếu Uỷ ban thẩm phán TAND Cấp cao TP HCM khi xét xử giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị thì sẽ huỷ toàn bộ bản án sơ, phúc thẩm để điều tra xét xử lại.

Theo nội dung kháng nghị thì việc điều tra sẽ phải tập trung vào các nội dung như: xác định được việc điều khiển xe của ông Lâm Tươi (người  có va chạm xe với ông Phước) có vi phạm quy tắc giao thông hay không (làm rõ có hay không các lỗi như: có uống rượu, thiếu chú ý quan sát, không giảm tốc độ khi phát hiện chướng ngại vật, chạy xe quá tốc độ, không có giấy phép lái xe…).

Xem xét có hay không việc bị hại Trần Hữu Quý (người ngồi sau xe ông Phước) vịn tay vào vai của bị cáo Phước hoặc chồm người lên phía trước. Hành vi này có ảnh hưởng đến khả năng điều khiển xe của bị cáo Phước hay không.

Theo LS Long, nếu xác định được đầy đủ nguyên nhân trực tiếp và đánh giá được mức độ lỗi của từng bên đối với tai nạn xảy ra thì có thể xảy ra các khả năng như: vụ tai nạn giao thông có lỗi hỗn hợp (tức ông Phước chỉ có trách nhiệm một phần trong vụ tai nạn này) hoặc ông Phước hoàn toàn không có lỗi dẫn đến vụ tai nạn như án sơ thẩm, phúc thẩm đã nhận định.

Trong trường hợp này, nếu không có căn cứ chứng minh lỗi của ông Phước, hoặc xét thấy có thể miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông này thì cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định đình chỉ khởi tố với ông Phước.

Trong trường hợp ông Phước được đình chỉ điều tra vì hành vi không cấu thành tội phạm (điều 230 BLTTHS) thì ông Phước sẽ được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước 2017.

Khoản 5 Điều 18 Luật này quy định  Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp: Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm. 

Tuy nhiên, do người bị thiệt hại là ông Phước đã chết nên việc bồi thường thiệt hại sẽ do người thừa kế của người bị thiệt hại theo khoản 2 Điều 5 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước 2017 quy định về quyền yêu cầu bồi thường. 

 Theo dự kiến thì vào chiều nay (12/6), Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM sẽ xét xử giám đốc thẩm vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển khiển giao thông đường bộ” đối với bị cáo Lương Hữu Phước. Chủ tọa phiên xử giám đốc thẩm là Thẩm phán Lê Thành Văn (Chánh tòa hình sự TAND Cấp cao tại TP HCM).

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/bi-cao-luong-huu-phuoc-nhay-lau-tu-vong-vu-an-se-duoc-giai-quyet-nhu-the-nao-d126847.html