Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ: Báo chí Hà Nội phải sáng tạo hơn để lan tỏa các thông tin của Thành phố

09/04/2020 17:37

Kinhte&Xahoi Lưu ý bản thân Hà Nội đã là một kho thông tin đồ sộ, Bí thư Thành ủy đề nghị, các cơ quan báo chí TP cần đổi mới, năng động, sáng tạo hơn để khai thác, làm lan tỏa các thông tin của TP.

 Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc.

Sáng 9/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với Sở TT&TT, các cơ quan báo chí TP Hà Nội về kết quả thực hiện quy hoạch báo chí TP; công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19; giải pháp tăng cường hiệu quả công tác truyền thông của TP.

Tham dự buổi làm việc có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý.

Hoàn thành đề án quy hoạch báo chí

Theo Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Ngọc Kỳ, thực hiện chỉ đạo của T.Ư và TP, Sở đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu xây dựng “Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP Hà Nội đến năm 2025”; duy trì giao ban quản lý Nhà nước về báo chí và kịp thời nhắc nhở các cơ quan báo chí của TP thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, định hướng. Riêng năm 2019, Sở đã ban hành 90 công văn hướng dẫn, đề nghị các cơ quan báo chí Hà Nội, các báo T.Ư tập trung tuyên truyền 400 nội dung là những nhiệm vụ trọng tâm của TP. 

Trên cơ sở đó, các cơ quan báo chí TP đã thông tin kịp thời, đầy đủ, toàn diện về đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của TP và cả nước; kịp thời phát hiện, biểu dương những nhân tố mới điển hình tiên tiến; đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội của Thủ đô và ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của Nhân dân. Riêng thông tin về dịch bệnh Covid-19, từ 20/01/2020 đến 06/4/2020, các cơ quan báo chí TP đã đăng tải trên 21.000 tin bài để kịp thời tuyên truyền, đấu tranh có hiệu quả đối với các thông tin sai lệch về dịch bệnh, gây mất ổn định xã hội.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Sở đã tập trung tham mưu, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng TP thông minh, nhất là triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Hiện đã đạt tỷ lệ 81% và phấn đấu 100% trong năm nay. Về bưu chính viễn thông, Sở đang đẩy mạnh phát triển mạng thông tin di động thế hệ thứ 4 (4G) và triển khai thí điểm mạng 5G.

Đặc biệt, Sở đã tham mưu UBND TP ban hành Quyết định số 18/QĐ-UBND ngày 2/1/2020 về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP Hà Nội đến năm 2025.

Theo Đề án, đến hết năm 2020 Hà Nội còn 8 cơ quan báo chí gồm: 5 báo, 2 tạp chí và 1 đài phát thanh - truyền hình (giảm 10 cơ quan báo chí).

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi làm việc.

Báo chí luôn đồng hành với sự phát triển của Thủ đô

Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các cơ quan báo chí TP nhận định, mặc dù Thành ủy, UBND TP đã có nhiều chỉ đạo nhưng việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí ở một số đơn vị còn hạn chế, nhất là những vụ việc “nóng”, dư luận quan tâm. Đại diện các cơ quan báo chí kiến nghị, để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, TP cần có cơ chế cung cấp thông tin thường xuyên, sâu sát hơn; hỗ trợ các cơ quan báo chí về công nghệ làm báo mới để xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ.

Theo Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức, thực hiện chỉ đạo UBND TP, báo đang làm quy hoạch báo chí và sẽ tiếp nhận báo Pháp luật & xã hội. Hiện tại, báo Kinh tế & Đô thị đang xuất bản 4 ấn phẩm với 100 cán bộ công nhân viên chức và báo Pháp luật & xã hội có 85 nhân sự. Khi sáp nhập về mặt cơ học nhân sự sẽ tăng gấp đôi. Hiện, báo Kinh tế & Đô thị đã thực hiện xong đề án nên đề nghị tổ công tác của TP sớm xem xét để thông qua. Trong đó, đề nghị quan tâm đến vấn đề cơ chế tài chính và nhân sự trong quá trình chuyển đổi.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Minh Đức đề nghị TP, xem xét đến vấn đề cơ chế tự chủ tài chính đối với các báo Hà Nội. Bởi, cơ chế tự chủ tài chính đã có từ năm 2000 và đến nay đã quá lạc hậu.

Nêu vấn đề hiện nay nếu không gắn với các công ty công nghệ thì báo chí hoàn toàn thất bại, Nguyễn Minh Đức cho biết, cách đây khoảng 10 năm TP đã có đề án hỗ trợ công nghệ cho các báo nhưng đến nay các báo vẫn phải tự bổ sung, nâng cấp công nghệ chứ không có đầu tư mới. Từ đó, đề nghị cần có cơ chế để hợp tác giữa các cơ quan báo chí Hà Nội với công ty công nghệ. Đối với vấn đề tuyên truyền trong công tác phòng, chống Covid-19, trong hai tháng qua, báo Kinh tế & Đô thị đã thực hiện 4.900 tin, bài, video và rủi ro trong tác nghiệp của phóng viên rất nhiều. Điều này cho thấy, sự hy sinh và đóng góp của đội ngũ báo chí TP là rất lớn. Từ đó, đề nghị TP cần có ghi nhận, đánh giá, khen thưởng và có chính sách hỗ trợ kinh phí trong công tác tuyên truyền chống dịch.

Trao đổi về những vấn đề mà các cơ quan báo chí TP nêu, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết, các cơ quan báo chí TP luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của TP, không có tình trạng “câu like, câu view” nhưng độ nhạy bén về thông tin còn hạn chế. Còn Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, việc quản lý đối với các cơ quan báo chí TP là rất tốt. Đối với việc thực hiện quy hoạch báo chí, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho rằng đây là dịp để các cơ quan báo chí TP cấu trúc lại hoạt động, nhằm mục tiêu tiếp tục phát triển, giữ được bản sắc.

Trong khi đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị, trong chương trình ứng dụng công nghệ thông tin của TP thì Sở TT&TT cần chú trọng hỗ trợ cho các báo. Về cơ chế tài chính, cơ chế đặt hàng, các sở, ngành liên quan cần tham mưu UBND TP quan tâm, hỗ trợ các báo. Nhất là trong bối cảnh thông tin và tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19.

 Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức phát biểu tại buổi làm việc

Triển khai hiệu quả quy hoạch bưu chính, viễn thông

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ ghi nhận, đánh giá cao những kết quả của Sở TT&TT trong những năm qua; biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của Sở; khẳng định những kết quả của Sở đã góp phần quan trọng vào thành tích chung của toàn TP.

Đối với các cơ quan báo chí TP, Bí thư Thành ủy đánh giá đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Nhất là trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, các cơ quan báo chí chính thống của TP đã làm chủ được thông tin, lấn át được những thông tin không chính xác trên mạng và qua đó góp phần định hướng dư luận. Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy cho rằng, các cơ quan báo chí TP còn thiếu tính nhạy bén, chủ động; chưa khai thác hết và chưa tương xứng với vị thế của báo chí Thủ đô.

Nhấn mạnh tiềm năng, lợi thế phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông, báo chí xuất bản của TP còn rất lớn, Bí thư Thành ủy lưu ý Sở TT&TT cần chú trọng tham mưu, triển khai hiệu quả quy hoạch phát triển hạ tầng bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin; đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, đưa công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, bám sát và triển khai tốt các chỉ thị của Trung ương về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng; về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin để đây thực sự là “nền tảng của nền tảng, hạ tầng của hạ tầng”. 

Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu, Sở TT&TT tăng cường thông tin về các nhiệm vụ chính trị của TP, nhất là trong giai đoạn này đang tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đặc biệt chú trọng thông tin về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với các cơ quan báo chí TP, Sở cũng cần tăng cường, nâng cao chất lượng hệ thống thông tin cơ sở, trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và có sự đổi mới, phù hợp với thực tiễn.

Lưu ý bản thân Hà Nội đã là một kho thông tin đồ sộ, Bí thư Thành ủy đề nghị, các cơ quan báo chí TP cần đổi mới, năng động, sáng tạo hơn để khai thác, làm lan tỏa các thông tin của TP. 

Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Sở TT&TT, các cơ quan báo chí, Bí thư Thành ủy cho biết, trong thời gian tới TP sẽ làm việc với Bộ TT&TT, các DN viễn thông lớn để hỗ trợ các cơ quan báo chí về chuyển đổi số; về nền tảng công nghệ, hạ tầng viễn thông, hệ thống kết nối, giao ban trực tuyến... Bí thư Thành ủy cũng giao Ban Cán sự Đảng UBND TP nghiên cứu, xây dựng một trung tâm báo chí của TP bằng hình thức xã hội hóa để tạo thành ngôi nhà chung, đáp ứng các yêu cầu cho báo chí hoạt động hiệu quả.
 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/bi-thu-thanh-uy-vuong-dinh-hue-bao-chi-ha-noi-phai-sang-tao-hon-de-lan-toa-cac-thong-tin-cua-thanh-pho-380550.html