Bộ TN-MT khẳng định xỉ thép Formosa dùng làm công trình không ảnh hưởng môi trường

19/03/2019 08:44

Kinhte&Xahoi Lãnh đạo Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) khẳng định xỉ thép Formsa dùng làm công trình trong khuôn viên nhà máy không ảnh hưởng môi trường

Bãi xỉ thép của Formosa Hà Tĩnh. ẢNH PHẠM ĐỨC

Về loại xỉ thép Formosa dùng làm đường công vụ tại khu liên hợp gang thép của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa (Formosa), ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), khẳng định loại xỉ thép này không gây ảnh hưởng đến môi trường và được phép sử dụng.

Theo ông Thức, mới đây, khi có thông tin Formosa dùng xỉ thép để xây dựng công trình (làm đường công vụ kết hợp trồng cây xanh, tạo cảnh quan cho Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh), Bộ TN-MT đã cử đoàn vào hiện trường kiểm tra. Ngay sau khi kiểm tra, Bộ đã yêu cầu dừng thi công để chờ Bộ phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh có đánh giá, thẩm định lại. Đoàn kiểm tra chú trọng đánh giá về các khía cạnh liên quan đến tác động môi trường.

Lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết, Bộ Xây dựng đã thực hiện hợp chuẩn hợp quy từ nguyên liệu đầu vào nhà máy thép của Formosa. Doanh nghiệp cũng đã nhận được giấy chứng nhận hợp chuẩn hợp quy của Bộ Xây dựng. Xỉ thép đầu ra của Formosa cũng được rà soát lại rất kỹ càng.

Ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. ẢNH CTV

“Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi đã được chứng nhận hợp chuẩn hợp quy, thì xỉ thép được phân định: không phải là chất thải nguy hại mà là chất thải công nghiệp thông thường, được sử dụng làm phụ gia xi măng, làm cốt đường giao thông, vật liệu sử dụng trong các công trình xây dựng, san lấp nền. Đồng thời, được coi là hàng hóa, được sử dụng, chuyển giao”, ông Thức cho biết. 

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Môi trường, việc Formosa Hà Tĩnh tự ý dùng xỉ thép thi công công trình đường công vụ bên trong nhà máy được doanh nghiệp này lý giải là do nghĩ rằng xỉ thép Formosa có hợp chuẩn hợp quy rồi. Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra của Bộ phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh vào kiểm tra, đã yêu cầu dừng lại, phải có đánh giá. 

Đến nay, đã có sơ bộ báo cáo đánh giá, kết quả cho thấy, Formosa xây dựng công trình đường công vụ kết hợp trồng cây xanh và làm theo quy chuẩn, quy trình công nghệ nhà máy thép của Nhật Bản.

Cũng theo ông Thức, xỉ thép của các nhà máy thép khác ở Việt Nam, nếu có hợp chuẩn hợp quy thì cũng được sử dụng vào theo quy định: phụ gia xi măng, san lấp công trình, gạch không nung… Tuy nhiên, do Formosa nằm ở vị trí nhạy cảm nên dù có hợp quy hợp chuẩn vẫn phải dừng lại để chờ báo cáo, đánh giá. Hiện, Formosa cũng đang triển khai hợp đồng với một số đơn vị để chuyển giao, điều này, luật pháp cho phép.

Trước đó, theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Tĩnh gửi UBND tỉnh về việc kiểm tra sử dụng sản phẩm xỉ thép tái chế của Formosa, trong đó cho hay công trình mà Formosa xây dựng có sử dụng xỉ thép là 1 hạng mục công trình được bổ sung mới nằm trong khuôn viên thuộc dự án khu liên hợp gang thép của công ty này. Vị trí xây dựng công trình tại khu vực phía nam xưởng luyện cốc và nhà máy nhiệt điện, bên ngoài hồ xả lũ TC2 và TC3.

Công trình có dạng như một tuyến đê với tổng chiều dài 2.035 m; lõi công trình sử dụng xỉ thép đầm chặt và bao phủ xung quanh bề mặt 1 lớp đất trồng cây dày 50 cm. Tại thời điểm kiểm tra, công trình đã thi công được khoảng 31% khối lượng theo thiết kế, nhưng không có giấy phép xây dựng theo quy định.

Theo quy hoạch của dự án thì hạng mục công trình này không có trong quy hoạch được duyệt. Đây là hạng mục công trình được bổ sung xây dựng mới nhưng không thực hiện các hồ sơ thủ tục về đầu tư xây dựng theo quy định. 

Công trình dùng xỉ thép Formosa này cũng không được đề cập trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) năm 2015 của Formosa và được triển khai thi công khi chưa thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Theo Thanh nien.com.vn/ Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hai cựu giám đốc vẽ “dự án ma” để lừa đảo

Vừa qua, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Hiếu (SN 1961, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc Cty CP Nhật Minh) và Nguyễn Thế Hùng (SN 1974, ở Làng Quốc tế Thăng Long, Cầu Giấy, Hà Nội, nguyên Giám đốc Cty CP Cầu Vàng) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

“Cát tặc” xuyên đêm “rút ruột” sông Hương

Thời gian qua, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành nhiều văn bản nghiêm cấm việc khai thác cát trái phép trên sông Hương, cũng như xử lý các bãi tập kết cát sai pháp pháp luật. Thế nhưng, hiện nay tình trạng “cát tặc” lộng hành trên con sông thơ mộng, biểu tượng cho xứ Huế vẫn diễn ra rầm rộ.