Cách phân biệt các loại bệnh cúm thường gặp

26/07/2022 16:13

Kinhte&Xahoi Những ngày qua, nhiều bệnh viện tại Hà Nội ghi nhận bệnh nhân mắc cúm A gia tăng. Dịch cúm xảy ra hàng năm với mức độ nguy hiểm cũng liên tục thay đổi.

Phân biệt cúm A, B, C và các loại khác

 Bệnh cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. ‎Bệnh cúm nguy hiểm là do tính lây lan nhanh và gây thành dịch. Bệnh có thể xảy ra dưới nhiều mức độ khác nhau: đại dịch, dịch, dịch nhỏ địa phương và các trường hợp tản phát.

Bệnh cúm lan truyền nhanh trên thế giới trong các mùa dịch cúm và gây nên gánh nặng về kinh tế do phí tổn phải nằm viện điều trị và chăm sóc y tế cũng như nghỉ việc do bị bệnh.

Bệnh nhân nữ diễn biến nặng do cúm A phải thở máy tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, hàng năm thế giới có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em bị nhiễm cúm, trong đó, có khoảng nửa triệu người tử vong do những vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh cúm.

Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận 1-1.8 triệu người mắc cúm mùa. Trước đây, cúm dễ gặp vào mùa lạnh, mùa đông xuân, nhưng hiện nay tại Việt Nam, cúm đã xuất hiện quanh năm và có thể gây ra những ổ dịch rải rác tại các địa phương.

Virus cúm (Influenza virus) gồm 3 dạng A, B và C. Virus cúm A được chia thành nhiều tuýp. Về hình thái học virus cúm A, B, C tương tự nhau. Các vụ dịch cúm gần như được ghi nhận hàng năm, mặc dù mức độ lan rộng và độ nguy hiểm của chúng thay đổi. Virus cúm B gây những đợt bùng phát nói chung ít lan rộng và nhẹ hơn so với bệnh do virus cúm A gây ra. Những đợt dịch cúm B thường xuất hiện ở những nơi đông người như trường học, đơn vị quân đội, nhà trẻ...

Virus cúm A gây ra dịch cúm mùa hàng năm. Nó có thể nhiễm cho người và động vật. Cúm A là loại duy nhất có thể gây ra đại dịch, là bệnh lây lan trên toàn cầu. Cả đại dịch cúm gia cầm và cúm heo đều là kết quả của virus cúm A.

Bệnh cúm A gây ra bởi các chủng của virus cúm A, bao gồm: H1N1, H5N1, H7N9. Hầu hết những người nhiễm bệnh có thể khỏi bệnh mà không cần dùng đến điều trị thuốc. Tuy nhiên, có một số trường hợp nhập viện và tử vong vì nhiễm virus này.

Cúm A có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người già. Các virus cúm A lan truyền chủ yếu từ người này sang người thông qua ho hoặc hắt hơi qua các hạt bụi, giọt nước li ti dính virus của người bệnh hoặc đôi khi người ta có thể bị nhiễm bệnh do chạm vào một bề mặt cứng có virus cúm và chạm lại vào miệng hoặc mũi của họ.

Bệnh cúm A có thể lây truyền từ một ngày trước khi phát triển các triệu chứng đến 7 ngày sau khi bị bệnh. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ có khả năng lây nhiễm trong thời gian dài hơn.

Triệu chứng ban đầu của bệnh nhân nhiễm cúm A tương tự như những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do tác nhân khác, đó là sốt, viêm long đường hô hấp (như ho, hắt hơi, sổ mũi), đau họng…

Tuy nhiên, ngoài các triệu chứng ban đầu, bệnh nhân mắc cúm A thường sốt cao 39-40 độ C, da sung huyết, họng đỏ sung huyết toàn bộ. Đối với trẻ em còn có mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, các trường hợp nặng có thể có khó thở và biến chứng khác.

Đa số những trẻ mắc cúm A sẽ được kê đơn thuốc về điều trị ngoại trú, tuy nhiên những trường hợp có biểu hiện biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản sẽ có chỉ định nhập viện để điều trị.

Virus cúm B cũng có thể gây ra dịch cúm mùa thường chỉ ảnh hưởng đến người. Có hai dòng cúm B: Victoria và Yamagata. Virus cúm B đột biến chậm hơn virus cúm A.

Virus cúm C gây bệnh nhẹ - hiếm khi gây ra dịch. Ngoài ra, còn có virus cúm D chủ yếu ảnh hưởng đến gia súc và chưa ghi nhận lây nhiễm cho người.

Cúm B gây ra, bệnh thường lành tính và tự khỏi trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên cũng cần chú ý tới biến chứng (viêm phổi màng phổi, viêm tai xương chũm.....) của bệnh nhất là ở trẻ em và người già trên 65 tuổi.

Thời gian ủ bệnh 24 - 48 giờ, với khởi phát sốt cao, gai rét, ớn lạnh, nhức đầu, đau mình, mệt mỏi nhiều và cảm giác như kiệt sức. Bệnh nhân ho với cơn ngắn không có đờm.

Sau thời gian ngắn bệnh chuyển sang thời kỳ toàn phát khi đó người bệnh sốt cao 38 - 39°C, chán ăn, mệt mỏi, tiểu ít, đau đầu, đau mỏi người.

Cúm C là loại cúm rất ít gặp và nhẹ hơn hẳn so với cúm A, cúm B. Cúm C có ít các triệu chứng lâm sàng và cũng giống như cúm B. Virus cúm C thường gây bệnh ở đường hô hấp trên, các biến chứng ở đường hô hấp dưới rất hiếm gặp chủng virus này.

Phòng ngừa bệnh cúm

 Để chủ động phòng bệnh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên tiêm vắc xin phòng cúm hằng năm, đặc biệt với nhóm nguy cơ.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết theo Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, các ca mắc cúm hiện nay ở Việt Nam không có sự khác biệt so với những năm trước.

Hiện nay lưu hành chủ yếu là cúm A (H3N2, H1N1) và cúm B. Đây là những chủng cúm đã có vắc xin phòng bệnh hiệu quả.

"Đến nay, chúng ta chưa phát hiện các chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8. Tuy nhiên, số ca nhập viện có xu hướng tăng trong thời gian gần đây," Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, để phòng, chống các bệnh cúm cần tăng cường giám sát, đặc biệt là giám sát trọng điểm, giám sát phát hiện các trường hợp mắc, ổ dịch cúm mùa.

Bổ sung thực phẩm có chứa nhiều vitamin C nhằm tăng sức đề kháng phòng trạnh dịch cúm A

Ngoài ra, người dân nên chủ động phòng bệnh trước nguy cơ “dịch chồng dịch”, người dân cần thực hiện các biện pháp sau: Bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; Thường xuyên rửa tay với xà phòng bằng nước sạch; Vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; Ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng...

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/cach-phan-biet-cac-loai-benh-cum-thuong-gap-201946.html