Cần làm rõ những dấu hiệu vi phạm của Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi 1 (Bắc Ninh)

12/07/2018 08:57

Kinhte&Xahoi Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi I (phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã trúng thầu gói thầu số 1 thuộc dự án “Cải tạo, nâng cấp sông Ngũ huyện Khê thuộc hệ thống thủy nông Bắc Đuống”, có dấu hiệu khai khống khối lượng thi công để phù hợp với tiêu chí hồ sơ mời thầu (HSMT) các gói thầu mà công ty này đang tham gia đấu thầu ở một địa phương khác.

Báo Kinh doanh và Pháp luật đã tiếp nhận phản ánh và xác minh nhiều trường hợp nhà thầu có dấu hiệu kê khai giả hợp đồng tương tự đã thực hiện gần đây. Theo đơn tố cáo gửi đến báo Kinh doanh và Pháp luật, nhà thầu là Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi I (phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã trúng thầu gói thầu số 1 thuộc dự án “Cải tạo, nâng cấp sông Ngũ huyện Khê thuộc hệ thống thủy nông Bắc Đuống”, có dấu hiệu khai khống khối lượng thi công để phù hợp với tiêu chí hồ sơ mời thầu (HSMT) các gói thầu mà công ty này đang tham gia đấu thầu ở một địa phương khác. Ngoài ra, đơn vị này còn câu kết với chủ đầu tư (Ban quản lý dự án Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh) nhằm hợp thức hóa doanh thu, làm giả phiếu nghiệm thu thanh toán để làm giả hồ sơ khi tham gia đấu thầu các dự án sử dụng ngân sách nhà nước. Theo phản ánh, chủ đầu tư ký khống văn bản xác nhận thanh toán tạo điều kiện cho nhà thầu làm giả hồ sơ nâng giá trị thực hiện từ 24% lên đến 80%.

Để đảm bảo khách quan, thông tin đa chiều, phóng viên báo Kinh doanh và Pháp luật đã liên hệ với chủ đầu tư dự án này là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh. Qua buổi làm việc cùng Ban quản lý dự án thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi được biết gói thầu số 01: thiết kế và xây dựng phần cứng hóa, mặt đê xây dựng đập điều tiết Phú Lãm xử lý mối và các ẩn họa thân đê mà Công ty CP Xây dựng Thủy lợi I trúng thầu với tổng giá trị kinh tế gần 182 tỉ khởi công xây dựng từ tháng 12/2015 đến nay đã bị chậm tiến độ, chủ đầu tư đã xin gia hạn hoàn thành công trình lần 2 vào cuối năm 2018. 

Hiện tại về tiến độ dự án này, theo phát ngôn của ông Nguyễn Tiến Thương - Phó Ban Quản lý dự án Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh: “Đến nay nhà thầu đã hoàn thành 73% khối lượng đã kí hợp đồng cùng chủ đầu tư”...Nhưng khi phóng viên yêu cầu cung cấp tất cả tài liệu liên quan như hồ sơ nghiệm thu, thanh toán của các đợt để chứng minh khối lượng thực hiện của dự án đến nay là bao nhiêu phần trăm, cung cấp hóa đơn GTGT mà nhà thầu đã xuất cho chủ đầu tư để chứng minh khối lượng đã được thanh toán, thì chủ đầu tư chứng minh được 2 lần thanh toán của nhà thầu (Công ty CP Xây dựng Thủy lợi 1) thể hiện ở 2 hóa đơn GTGT đã xuất cho đơn vị mua hàng là Ban Quản lý dự án Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh. Số hóa đơn 0000476 ngày xuất 15/11/2016 có giá trị tiền thanh toán ~19 tỷ đồng và hóa đơn số 0000486 đã xuất ngày 30/12/2016 có giá trị thanh toán ~25 tỷ đồng. Tổng giá trị 2 hóa đơn là 44 tỷ đồng tương đương với giá trị đạt 24% khối lượng theo Hợp đồng đã ký cùng chủ đầu tư là 182.716 tỷ đồng. 

Hai hoá đơn giá trị gia tăng của Công ty CP Xây dựng Thủy lợi 1

Như vậy, khối lượng thực hiện công trình chưa đạt 73% theo như phát ngôn của chủ đầu tư. Có hay chăng nhà thầu được chủ đầu tư ưu ái đã ký xác nhận không đúng khối lượng thực hiện công trình bằng con số giả để hỗ trợ hoàn thiện hợp đồng tương tự, đáp ứng tiêu chí Hồ sơ mời thầu để tham gia đấu thầu các gói dự án có tổng giá trị vài trăm tỷ, việc làm này nhằm mục đích gì? Ngoài việc Chủ đầu tư làm ngơ cho nhà thầu làm giả báo cáo tài chính sai lệch lên đến gần 100 tỷ đồng để trúng thầu gói thầu nêu trên, chủ đầu tư còn ký khống hồ sơ thanh toán từ 24% lên 80% khối lượng thi công dự án, phải chăng Chủ đầu tư là Ban quản lý dự án thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh có coi thường pháp luật hay không? Nếu như theo hồ sơ giả khối lượng thanh toán được chủ đầu tư ký với khối lượng nghiệm thu hoàn thành dự án đạt đến 80% khối lượng là đúng thì tại sao từ tháng 12/2016 đến nay Công ty CP Xây dựng Thủy lợi 1 không xuất trình hóa đơn GTGT cho Chủ đầu tư phần khối lượng chênh lệch này, có phải chăng Công ty CP Xây dựng Thủy lợi 1 có dấu hiệu trốn thuế nhà nước và nhằm hợp thức hóa phần khai khống doanh thu để tham gia đấu thầu các dự án. Đề nghị Chi cục thuế tỉnh Bắc Ninh vào cuộc điều tra làm rõ có hay không  Công ty CP xây dựng Thủy lợi 1 trốn thuế lên đến hàng chục tỷ đồng. 

Theo Điều 222 Bộ luật Hình sự, người nào thực hiện một trong những hành vi quy định tại Khoản 1 Điều 222, trong đó có hành vi gian lận trong đấu thầu, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Thậm chí, có thể bị phạt tù cao nhất đến 20 năm nếu phạm tội gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên. Khoản 4 Điều 89 của Luật Đấu thầu 2013 quy định gian lận là hành vi bị cấm trong đấu thầu, trong đó một trong những hành vi gian lận là: “Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, HSDT, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư”. Theo Khoản 1 Điều 122 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, hành vi vi phạm nêu tại Khoản 4 Điều 89 của Luật Đấu thầu sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 - 5 năm.

Chiếu theo quy định này, việc nhà thầu tham dự thầu làm giả hồ sơ để tham gia đấu thầu là hành vi gian lận, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 89 của Luật Đấu thầu. Trong trường hợp này, người có thẩm quyền  căn cứ quy định nêu tại Khoản 3 Điều 90 của Luật Đấu thầu để ban hành quyết định cấm nhà thầu tham gia hoạt động đấu thầu đối với các dự án, dự toán mua sắm trong phạm vi quản lý của mình. Ngoài ra, căn cứ vào mức độ của hành vi vi phạm, người có thẩm quyền còn có thể đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương mình hoặc đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước.

Việc kê khai không trung thực hồ sơ là hành vi gian lận trong đấu thầu, nếu dẫn đến việc phải đấu thầu lại, hoặc nhà thầu được lựa chọn không đủ năng lực, kinh nghiệm có thể làm kéo dài thời gian thực hiện gói thầu, ảnh hưởng chất lượng công trình, gây thiệt hại về tài sản là không nhỏ, nhất là với những công trình lớn. Nếu bị phát hiện, với quy định của Bộ luật Hình sự, tất cả những người có liên quan, từ chủ đầu tư, nhà thầu, người có thẩm quyền đều có thể bị xử lý hình sự. Cái giá phải trả lúc đó không còn chỉ là về kinh tế.

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM