Cân nhắc bỏ xét tuyển sớm

18/12/2024 08:51

Kinhte&Xahoi Trước khi Bộ GD&ĐT chính thức ban hành Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng, các nhà quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh tiếp tục đưa ra nhiều ý kiến xung quanh một số điều chỉnh tại dự thảo so với quy định cũ, trong đó có vấn đề xét tuyển sớm.

Làm rõ khái niệm xét tuyển sớm

Tại bản kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề xuất Bộ GD&ĐT cần làm rõ khái niệm xét tuyển sớm hoặc thay đổi khái niệm cho phù hợp với bản chất của hoạt động tuyển sinh.

Bộ GD&ĐT đang cân nhắc về việc bỏ hay giữ xét tuyển sớm. Ảnh: Nam Du

Để tường minh về xét tuyển sớm, trong đợt trao đổi, xin ý kiến rộng rãi về quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng, đại diện Bộ GD&ĐT đã chính thức lên tiếng làm rõ nội hàm của xét tuyển sớm. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, xét tuyển sớm và phương thức xét tuyển là hoàn toàn khác nhau nhưng nhiều người đang nhầm lẫn. Không có phương thức nào được gọi là “phương thức xét tuyển sớm” vì các trường đều có thể sử dụng các phương thức xét tuyển ở mọi đợt xét tuyển.

Xét tuyển sớm được sử dụng để phân biệt về mặt thời gian so với đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT. Trong khi đó, các phương thức xét tuyển được sử dụng ở bất kỳ đợt xét tuyển nào. Xét trên phương diện thời gian, xét tuyển sớm là trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, lúc đó chưa thể dùng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

“Hầu hết thí sinh xét tuyển sớm chưa tốt nghiệp THPT trong năm học khi tham gia xét tuyển. Thí sinh xét tuyển sớm chỉ mới đáp ứng điều kiện “đủ” là đạt ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào theo quy định của cơ sở đào tạo mà chưa đạt điều kiện "cần" theo quy định trúng tuyển vào đại học là tốt nghiệp THPT” - Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng làm rõ thêm.

Tại dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng, Bộ GD&ĐT đưa ra quy định mới về xét tuyển sớm, đó là “chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo”. Không ít thí sinh lo ngại, việc siết quy mô xét tuyển sớm sẽ làm giảm cơ hội của các em; trong khi đó, cơ sở giáo dục cho rằng, trường được giao tự chủ, nếu Bộ GD&ĐT can thiệp quá sâu vào quyền quyết định tỷ lệ xét tuyển sẽ gây khó cho các trường.

Là giáo viên nhiều năm dạy lớp 12 và có nhiều học sinh trúng tuyển đại học bằng xét tuyển sớm, cô Nguyễn Ngọc Minh - giáo viên THPT tại quận Ba Đình cho biết, học sinh trúng tuyển bằng xét tuyển sớm không muốn học tiếp chương trình lớp 12 dẫn đến giáo viên dạy vô cùng vất vả vì các em cũng không học; điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và sự tập trung của những học sinh khác trong lớp.

Theo cô Minh, hiện đa số học bạ của học sinh đều có điểm số cao. Nhiều học sinh bằng mọi giá thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, sau đó kết hợp học bạ để nộp hồ sơ xét tuyển sớm; từ đó dẫn đến tình trạng có học sinh bỏ hết các môn, chỉ học ngoại ngữ. Kể cả khi học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ, ví dụ như IELTS thì cũng không thể phản ánh được năng lực của em ở tất cả các môn khác.

Đề cập đến xét tuyển sớm bằng kết quả học bạ, thầy Trần Văn Nhân - giáo viên THPT thuộc quận Hai Bà Trưng nêu thực tế: để tăng sức cạnh tranh trong xét tuyển sớm, không ít trường xét tuyển học bạ 4 kỳ, 5 kỳ cấp THPT, nghĩa là chỉ xét kết quả học tập lớp 10, 11, cùng lắm là học kỳ 1 lớp 12. Cùng với đó, việc công bố trúng tuyển bằng xét học bạ cũng được công bố sớm, tầm tháng 1 đến tháng 3 hàng năm. Việc này ảnh hưởng tiêu cực đến thái độ và kết quả học tập của học sinh lớp 12.

Giữ hay bỏ xét tuyển sớm?

Từ phân tích trên, cô Nguyễn Ngọc Minh và thầy Trần Văn Nhân kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét, bỏ xét tuyển sớm để tất cả học sinh có cơ hội như nhau, hướng đến sự công bằng trong xét tuyển. “Học sinh không nên lo việc bỏ xét tuyển sớm thì cơ hội của mình bị hẹp lại. Cơ hội với tất cả học sinh là như nhau và cơ hội luôn dành cho người thực sự có năng lực”, cô Minh nói. Tuy nhiên, cô Minh cũng nêu thực tế, nếu rút xét tuyển sớm trong kỳ tuyển sinh năm 2025 thì không ít học sinh, phụ huynh hụt hẫng vì có gia đình đã đầu tư cả trăm triệu cho con học thi chứng chỉ.

“Để bảo đảm quyền lợi cho học sinh, có thể áp dụng phương án khống chế, giảm dần tiến tới xóa bỏ hoàn toàn xét tuyển sớm. Có như vậy, học sinh, phụ huynh mới có thời gian chuẩn bị phương án, tâm lý để chọn phương thức xét tuyển tối ưu” - cô Minh đề xuất.

“Cần mạnh dạn bỏ hoàn toàn xét tuyển sớm” là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính. Theo đó, thay vì xét tuyển sớm, Bộ nên đẩy thời gian xét tuyển đợt chung lên sớm hơn các năm trước để các trường tiếp tục tuyển bổ sung vào các đợt sau. Đồng quan điểm, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Công thương TP Hồ Chí Minh Phạm Thái Sơn cho rằng, việc duy trì xét tuyển sớm với tỷ lệ chỉ tiêu thấp (dưới 20%) có thể gây lãng phí nguồn lực và thời gian cho cả các trường và thí sinh.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, bỏ đợt xét tuyển sớm giúp kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT phản ánh đúng hơn chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông, khi học sinh giữ được quyết tâm tập trung vào kỳ thi.

Trước ý kiến đề xuất bỏ xét tuyển sớm, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra đầu tháng 12/2024, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia, trường đại học, nhà quản lý giáo dục phổ thông và đang cân nhắc. Việc điều chỉnh quy chế tuyển sinh phải dựa trên nguyên tắc công bằng, chất lượng, nâng cao hiệu quả, tạo thuận lợi cho thí sinh và các trường.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cứ 8 nguyện vọng xét tuyển sớm mới có một nguyện vọng nhập học. Cứ 2 thí sinh trúng tuyển xét tuyển sớm thì chỉ có 1 em nhập học. Xét tuyển sớm do các trường tự tổ chức, nên khi Bộ xét tuyển chung sẽ tạo ra tỷ lệ ảo. Điều này khiến các trường xác định chỉ tiêu và điểm chuẩn không chắc chắn.

Trước việc có thể có điều chỉnh về công tác tuyển sinh, trong đó có xét tuyển sớm, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy khuyên thí sinh không nên lo lắng vì dù ở giai đoạn xét tuyển sớm hay giai đoạn xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT, thí sinh vẫn có thể tham gia xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác nhau mà các em đã và đang chuẩn bị.

Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng không hạn chế bất kỳ phương thức xét tuyển nào của các trường. Ngoài xem xét điều chỉnh xét tuyển sớm, dự thảo còn có quy định điểm trúng tuyển trong đợt xét tuyển sớm không được thấp hơn điểm trúng tuyển ở đợt xét tuyển chung. “Thí sinh cần nỗ lực hết sức, học tập và ôn tập thật tốt để có kết quả cao nhất bằng năng lực của mình. Các em sẽ có cơ hội cạnh tranh công bằng để vào được trường và ngành học mà mình yêu thích”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.

kinhtedothi.vn

kinhtedothi.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Dấu hiệu “bất thường” tại một dự án với giá dự thầu giảm hơn 20% giá dự toán

Gói thầu số 41: Xây lắp cầu dẫn từ trụ T62 đến mố M75 và đường dẫn thuộc Dự án Cầu Phước An, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đang dần “hé lộ” kết quả lựa chọn nhà thầu. Theo đó, liên danh nhà thầu Gói thầu số 41 đã gây bất ngờ bởi tham dự với giá dự thầu giảm hơn 20% so với giá dự toán.

https://kinhtedothi.vn/can-nhac-bo-xet-tuyen-som.html