Ngày 31/7, Công an quận Đống Đa, Hà Nội đang tạm giữ hai đối tượng Đoàn Diệu Linh (SN 1996; trú tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội) và Hoàng Thế Vũ (SN 1994; trú tại xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, chồng của Linh), để điều tra hành vi hành hạ người khác.
Trước đó vào ngày 28/7, Công an phường Láng Thượng, quận Đống Đa nhận tin báo từ Bệnh viện Nhi Trung ương về trường hợp một bệnh nhi tên L.Q.T (một tuổi, quê huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng tím tái, sốt cao, nghi bị ngược đãi, hành hạ.
Cặp đôi đang bị tạm giữ để điều tra hành vi bạo hành cháu bé một tuổi
Ngay sau đó Công an sở tại đã vào cuộc điều tra, xác định cháu bé bị Đoàn Diệu Linh (26 tuổi) và chồng là Hoàng Thế Vũ (28 tuổi) hành hạ. Theo kết quả xác minh ban đầu, ngày 21/7, mẹ cháu T là chị L.T.L.H (28 tuổi) thuê Linh trông con với giá 3 triệu đồng/tháng để chị H đi làm công nhân ở Bắc Giang.
Cháu bé được Linh và chồng chăm sóc ở ngõ 198 Xã Đàn, phường Phương Liên, quận Đống Đa. Trong thời gian ở với Linh, cháu bé sốt, quấy khóc nên bị Linh và chồng dùng dây sạc điện thoại buộc chân, dùng que gỗ, búa nhựa đánh vào đầu, người, dùng chăn quấn người và lấy băng dính dán miệng cháu bé. Đến ngày 26/7, nạn nhân xuất hiện tình trạng mệt mỏi, khó thở nên được Linh và Vũ đưa đi cấp cứu.
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Trong thời gian gần đây, tình trạng bạo hành trẻ em ngày một gia tăng về cả số lượng lẫn mức độ gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhiều vụ án bạo hành trẻ em dẫn đến những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tước đi tính mạng các cháu rất thương tâm. Nếu may mắn không bị tử vong thì các cháu cũng bị ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển thể chất và tinh thần sau này.
“Mặc dù, Nhà nước đã có nhiều giải pháp để phòng ngừa tình trạng bạo hành trẻ em nhưng trên thực tế vẫn đang diễn ra rất phức tạp. Việc xử lý nghiêm minh trước pháp luật các vụ án bạo hành trẻ em là một trong các biện pháp hữu hiệu không chỉ nhằm trừng trị các đối tượng phạm tội mà còn để răn đe, phòng chống tội phạm bạo lực trẻ em”, luật sư Nguyễn Anh Thơm nhấn mạnh.
Cũng theo luật sư Thơm, căn cứ thông tin ban đầu, Cơ quan chức năng đã xác đinh vụ việc cháu bé 1 tuổi bị cặp vợ chồng được mẹ bé thuê chăm sóc nghi bị bạo hành đẫn đến nhập viện trong tình trạng tím tái, li bì và sốt cao.
Như vậy, có thể thấy cháu bé là người có quan hệ lệ thuộc với các đối tượng do được mẹ bé thuê chăm sóc nhưng đã đối xử tàn ác, vô nhân tính đánh đập, chửi bới nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh nhất theo quy định của pháp luật. Hành vi của các đối tượng đã có dấu hiệu phạm tội Hành hạ người khác. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 140 Bộ luật Hình sự.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Trong vụ án này, các đối tượng ngoài việc đối xử tàn ác với cháu bé còn sử dụng vũ lực buộc chân bằng dây sạc, dùng hung khí que gỗ, búa nhựa đánh vào đầu, người, dùng chăn quấn người, lấy băng dính dán miệng… Đây là những hành vi rất nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe cháu bé. Do đó, cơ quan điều tra sẽ phải trưng cầu giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe cháu bé để xử lý các đối tượng theo quy định. Bởi lẽ, tính mạng, sức khỏe con người là điều quan trọng nhất và là khách thể cao nhất được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi xâm hại đến đến tính mạng, sức khẻo của người khác, đặc biệt là trẻ em sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Nếu kết quả giám định tỷ lệ thương tích xác định các vết thương của cháu là nguy hiểm đến tính mạng là do tác động trực tiếp của các đối tượng sử dụng vũ lực gây nên thì cặp đôi này sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự.
Trường hợp, kết quả giám định tỷ lệ thương tích của cháu bé dưới 11%, không nguy hiểm đến tính mạng thì các đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự.
Hành vi của các đối tượng là tàn ác, vô nhân tính, đang tâm sử dụng vũ lực với một cháu bé mới chỉ một tuổi với thể chất và tinh thần còn rất non nớt đã gây bất bình trong dư luận xã hội nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh mới có tác dụng phòng chống tội phạm bạo hành trẻ em đang diễn ra gây bức xúc. Nếu các đối tượng có đủ năng lực chịu trách nhiệm thì sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của điều luật là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Điều 140. Tội hành hạ người khác
1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên; c) Đối với 2 người trở lên.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết 2 người trở lên; b) Giết người dưới 16 tuổi; c) Giết phụ nữ mà biết là có thai; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;…
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm. |
Thành Long - TTTĐ