Theo TS. BS Phạm Thị Minh Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh lậu là một bệnh nhiễm khuẩn, do song cầu Gram (-) Neisseria gonorhoeae gây nên. Thực tế chữa bệnh lậu bằng thuốc đông y giúp thuyên giảm tình trạng bệnh đáng kể nhưng chỉ tạm thời rất khó trị khỏi bệnh triệt để.
Vi khuẩn gây nên bệnh lậu qua kính hiển vi
Chính vì vậy, để giúp chữa bệnh lậu một cách tốt nhất người bệnh nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và hỗ trợ điều trị hiệu quả. Tùy vào từng tình trạng sức khỏe của người bệnh cũng như nguyên nhân gây bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp với từng người.
"Mặc dù đã có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng nếu không được phát hiện kịp thời hoặc điều trị không đúng phác đồ bệnh có thể gây các biến chứng nghiêm trọng như vô sinh, chửa ngoài tử cung...", Bác sĩ Phương chia sẻ.
Biểu hiện, cách nhận biết bệnh lậu
Bệnh lậu được chia làm hai thời kì là giai đoạn cấp tính và giai đoạn mạn tính. Tùy theo đối tượng là nam hay nữ thì sự nhận biết bệnh cũng có sự khác biệt.
Biểu hiện bệnh lậu ở nam giới thường là viêm niệu đạo cấp tính, ở nữ là viêm cổ tử cung có thể có hoặc không biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Các bộ phận khác cũng có thể bị nhiễm bệnh như hậu môn - trực tràng, họng, mắt... Nhiễm khuẩn huyết do lậu cầu cũng có thể xảy ra và thường phối hợp với viêm khớp, tổn thương da.
Có khoảng 85% nam bị viêm niệu đạo do lậu sẽ biểu hiện cấp tính với các triệu chứng như: khó chịu, đái buốt và ra mủ, thường kèm theo phù nề và đỏ miệng sáo. Ra mủ niệu đạo là một triệu chứng đặc hiệu của bệnh lậu, mủ màu vàng, vàng xanh, số lượng nhiều làm cho người bệnh rất lo lắng.
Thời gian ủ bệnh từ 1-14 ngày, trung bình 2-5 ngày. Khoảng 25% bệnh nhân có triệu chứng không rõ, biểu hiện ra dịch niệu đạo nhưng không nhiều và màu trong, không phân biệt được với viêm niệu đạo không do lậu, một số trường hợp không có triệu chứng.
Thời gian ủ bệnh của bệnh lậu ở nữ là không rõ ràng nhưng thông thường trong khoảng 10 ngày. Các triệu chứng thường thấy là ra khí hư nhiều, tiểu khó, ra máu giữa kỳ kinh. Bệnh nhân có thể có đơn độc một triệu chứng hoặc có nhiều triệu chứng. Biểu hiện các triệu chứng có thể rất nhẹ hoặc rầm rộ.
Dễ truyền từ mẹ sang con
Theo bác sĩ Phương cho biết: "Bệnh lậu chủ yếu lây qua quan hệ tình dục không an toàn. Trẻ sơ sinh có thể bị viêm kết mạc mắt do đẻ qua đường sinh dục người mẹ bị bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở lứa tuổi 15-35".
"Người mẹ mang thai đang bị bệnh lậu mà không được điều trị kịp thời trẻ khi sinh ra rất dễ bị lậu mắt, nặng nhất là mù mắt", bác sĩ Phương nhấn mạnh.
Ở trẻ sơ sinh, bệnh thường xuất hiện sau đẻ 1 - 3 ngày. Trẻ có thể bị một hoặc thậm chí là cả 2 mắt. Triệu chứng, mắt sưng nề không mở được, có rất nhiều mủ từ mắt chảy ra, kết mạc, giác mạc viêm đỏ và có thể loét.
Điều trị bệnh như thế nào?
Bác sĩ Phương chỉ ra cách điều trị hiệu quả nhất là dùng thuốc kháng sinh càng sớm càng tốt bởi vì bệnh lậu là do nhiễm khuẩn.
Cần điều trị bệnh đúng phác đồ. Vấn đề ở chỗ nhiều bệnh nhân bị mắc bệnh nhưng lại xấu hổ không chịu đi khám bác sĩ mà thường nghe người khác mách tự mua thuốc về dùng, kết quả là bệnh không khỏi mà còn làm vi khuẩn kháng thuốc gây khó khăn cho công tác điều trị.
Đây cũng là bệnh lây truyền qua đường tình dục nên cần sử dụng bao cao su trong sinh hoạt tình dục, sống chung thuỷ một vợ một chồng, thực hiện tình dục an toàn. Ngoài ra, cần vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ thường xuyên, đặc biệt là sau khi quan hệ tình dục. Cần đi khám ngay nếu thấy có sự bất thường ở bộ phận này.
Theo Phapluatplus.vn