Cảnh báo: Mỹ phẩm tự phong là thảo dược điều trị bệnh?

12/09/2019 09:22

Kinhte&Xahoi Thời gian qua, việc kinh doanh và quảng cáo mỹ phẩm có nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều sản phẩm làm đẹp được giới thiệu có hàng loạt công dụng như thuốc điều trị, thậm chí được “hô biến” thành thần dược, bất chấp các quy định pháp luật.

Mỹ phẩm hay thuốc?

Mong muốn cải thiện tình trạng giảm thị lực và mỏi mắt, anh Bùi Văn Quang (quận Gò Vấp) đã tìm kiếm sản phẩm hỗ trợ thị lực thông qua các trang thương mại điện tử và mạng xã hội thì biết đến sản phẩm “Thảo dược đắp mắt Doctor Eye”. Sản phẩm được giới thiệu sản xuất theo công nghệ độc quyền của Hồng Kông, do Công ty TNHH Mỹ Phẩm Hanco Việt Nam (Quận 1, TP.HCM) phân phối độc quyền tại thị trường Việt Nam.

Dù chỉ là sản phẩm mỹ phẩm nhưng HANCO quảng cáo sản phẩm như là thuốc và bác sĩ của đôi mắt

Anh Quang cho biết, vì sản phẩm mang tên “Doctor Eye”, lại được nhiều người gọi là thảo dược đắp mắt. Được giới thiệu là kết tinh từ 36 loại thảo dược nên ấn tượng ban đầu của anh thì đây là loại thuốc dành cho mắt. Ngoài ra, sản phẩm được giới thiệu có nhiều công dụng như thuốc. Cụ thể như: “Bổ sung dưỡng chất giúp mắt sáng rõ, ngăn ngừa các bệnh lý về tật khúc xạ mắt như cận thị, viễn thị, loạn thị… Dứt điểm các vấn đề mắt đang gặp phải, như: đau mắt, nhức mắt, chảy nước mắt sống, đau đầu, đau tiền đình…”. Hơn thế nữa, sản phẩm còn được cho là “An toàn tuyệt đối, phù hợp cho mọi lứa tuổi” và được “Bộ Y tế cấp phép lưu hành sản phẩm trên toàn quốc”.

Sản phẩm được quảng cáo là thảo dược

Tuy nhiên tìm hiểu kỹ hơn, anh Quang lại thấy nhiều điều bất thường, bởi sản phẩm bản chất là miếng đắp mắt – sản phẩm làm đẹp thường được thấy trong lĩnh vực mỹ phẩm. Thế nhưng “Thảo dược đắp mắt Doctor Eye” ở đây lại có quá nhiều công dụng đến khó tin như trị… đau đầu, đau tiền đình.

“Đọc những lời quảng cáo xong thì thật sự hoang mang, bởi lúc này mình không rõ đây là mỹ phẩm hay là thuốc. Nếu là sản phẩm làm đẹp thì tại sao lại quảng cáo như là thuốc?”- anh Quang nghi vấn.

Vấn đề mà anh Quang cũng như nhiều người tiêu dùng lo ngại, vùng mắt là vùng rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương từ các yếu tố bên ngoài. Thế nên khi dùng sản phẩm nào cũng phải thận trọng, nếu không dễ rơi vào tình trạng “trâu lành thành trâu què”. Và với những lời quảng cáo có dấu hiệu thổi phồng công dụng mỹ phẩm từ những tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm như Doctor Eye thì điều gì đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng?

Lập lờ từ nhãn mác đến quảng cáo

Rõ ràng mặt nạ mắt Doctor Eye đang được nói tới ở đây là mỹ phẩm, và đã có nhiều quy định pháp luật về việc ghi nhãn mác, quảng cáo cũng như công bố mỹ phẩm, mục đích là để người tiêu dùng không bị nhầm lẫn giữa các loại sản phẩm. Tuy nhiên khi đưa sản phẩm Doctor Eye đến người tiêu dùng thì đơn vị kinh doanh dường như muốn đánh tráo khái niệm.

Nhãn sản phẩm in hoa chữ “DOCTOR EYE”, có thành phần nghĩa liên quan đến “bác sỹ y khoa”, với kích thước có tỷ lệ lớn nhất, nổi bật nhất. Trong khi đó dòng chữ “Eye Mask” – có thể hiểu là mặt nạ mắt, được in với kích thước nhỏ hơn nhiều. Cách trình bày nhãn mác sản phẩm như vậy rất dễ khiến người tiêu dùng nghĩ rằng đây là dược phẩm cho mắt hơn là sản phẩm làm đẹp.

Tiếp đến khi quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trên website doanh nghiệp, trang thương mại điện tử và mạng xã hội như Faceboook, cách mô tả và quảng bá sản phẩm dù không hề tuyên bố rằng đây là thuốc điều trị nhưng ngầm ý hướng người đọc đến nhận định sản phẩm này có công dụng tương tự như thuốc, thậm chí còn “thần thánh” hơn cả thuốc.

Quảng cáo là thảo dược

Ngoài nhãn mác với chữ “Doctor” để đánh vào ấn tượng ban đầu, nhân vật nữ quảng cáo sản phẩm thường xuất hiện trong hình ảnh, clip quảng cáo với chiếc áo blouse trắng – trang phục gắn liền với những bác sỹ, y tá hay dược sỹ. Việc quảng cáo đề cập đến khá nhiều những triệu chứng, tình trạng bệnh như đau nhức mắt, chảy nước mắt sống, nguy cơ mù lòa… thay vì những vấn đề thẩm mỹ liên quan đến mắt. Kèm theo đó là việc lặp đi lặp lại những từ ngữ chuyên ngành y học, điều trị bệnh như “thảo dược, ngăn ngừa, dứt điểm, bệnh lý, triệu chứng…”.

Chưa dừng lại, nhiều người kinh doanh còn tung hô cho rằng sản phẩm Doctor Eye thẩm thấu nhanh vào da, có tác dụng nhanh hơn việc uống thuốc bổ mắt nhiều lần, nhiều ưu điểm hơn cả thuốc nhỏ mắt hay thực phẩm chức năng cho mắt. Thậm chí miếng đắp mắt mỏng như tờ giấy này còn được quảng cáo là có thể điều tiết nội tiết, nâng cao tinh thần giúp não tỉnh táo.

Với chiêu trò quảng cáo tinh vi, lập lờ từ nội dung cho đến câu chữ, thông tin về sản phẩm Doctor Eye khiến người tiêu dùng nghĩ rằng sản phẩm có những tác dụng như một loại thuốc điều trị. Với phần lớn người tiêu dùng có thói quen mua hàng qua mạng như hiện nay, thì chiêu trò lập lờ câu chữ trên lại khá thành công trong việc lợi dụng lòng tin, đánh trúng tâm lý khách hàng.

Với việc tung hô mỹ phẩm Doctor Eye có những công dụng như thuốc điều trị, đơn vị phân phối là Công ty TNHH Mỹ Phẩm Hanco Việt Nam và các cá nhân kinh doanh rõ ràng có dấu hiệu vi phạm hàng loạt quy định pháp luật, lừa dối khách hàng, trục lợi trên niềm tin, sức khỏe của người tiêu dùng …

Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ sản phẩm được gọi là “thảo dược” kể trên.

Nhóm PV

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: KD&PL