Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi qua trạm thu phí

09/04/2020 09:38

Kinhte&Xahoi Đa số trạm thu phí dọc các tuyến quốc lộ, cao tốc hiện nay đều có công đoạn thủ công giao dịch tiền lẻ, thẻ nhựa PET. Do đó, nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm nói chung và virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 nói riêng là hoàn toàn có khả năng.

Trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 51.

Trước tình hình diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng của dịch Covid-19, trong suốt thời gian qua, hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của các cấp, các ngành, các địa phương đã được tích cực triển khai. Theo đó, tất cả các nguồn lây nhiễm cũng như hình thức lây nhiễm chéo đều được quản lý chặt chẽ để hạn chế tối đa. Một trong số các nguy cơ tiềm tàng trọng điểm đang được chú ý chính là việc giao dịch tại các trạm thu phí trên quốc lộ.

Theo ghi nhận, đa số trạm thu phí của Việt Nam hiện nay đều có công đoạn thủ công đối với các hoạt động giao dịch tiền lẻ, thẻ nhựa PET. Do đó, nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm nói chung và virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 nói riêng là hoàn toàn có khả năng.

Theo các chuyên gia về sức khỏe cho biết, đối với xe ô tô, việc lái xe thu hồi tiền trả lại từ phía trạm thu phí rồi đặt trong xe là rất bình thường. Tuy nhiên, xét đến nếu virus có tồn tại trên bề mặt một trong số những tờ tiền này, khả năng lây nhiễm là cực kỳ cao, vì nhiệt độ trong xe hơi thường tương đối thấp do lái xe mở máy lạnh. Trong khi đó, nhiệt độ thấp là môi trường tối ưu cho virus SARS-CoV-2 phát triển và lây lan.

Ngoài ra, trong quá trình giao dịch tại trạm thu phí, việc nói chuyện; rồi thẻ nhựa thò ra thò vào, quẹt thẻ, hắt hơi, xì mũi thì đó đều có thể là nguồn lây bệnh. Đồng thời, các tài xế cũng không thể tránh được khi họ nhất định phải trả tiền, nhất định phải lấy vé, quẹt thẻ.

Tài xế chỉ dám hé cửa đủ để đưa tay ra trả tiền vé.

Nếu như chỉ cách đây 2 tuần, các tài xế lái xe qua trạm thu phí vẫn thoải mái mở kính xe, đưa tiền cho nhân viên soát vé và nhận vé, nhận tiền thối, thì nay, trước mối đe dọa lây nhiễm ngày càng gia tăng của dịch bệnh Covid-19, tài xế chỉ còn dám hé cửa đủ để đưa tiền vé xe, nhiều người không nhận vé, thậm chí trong nhiều trường hợp còn không dám nhận lại tiền thối.

Tài xế Nguyễn Văn Dũng cho biết anh rất e ngại việc nhận lại tiền thối, vì nó có thể là vật trung gian lây truyền dịch bệnh do đã tiếp xúc với vô số người, nên chẳng thà bỏ qua chứ không mạo hiểm mang theo một nỗi lo bên mình. Đây cũng là nỗi lo chung của nhiều tài xế, đặc biệt là đối với những chiếc xe gia đình, nên nhiều người đã bỏ qua việc nhận lại tiền thối với tâm lý “chẳng đáng bao nhiêu cả, nên bỏ qua để đảm bảo an toàn”.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, đây cũng chính là nỗi lo không chỉ dành cho tài xế mà còn cho các nhân viên trong trạm thu phí. Theo thống kê, bình quân mỗi phút lại có 3 chiếc xe chạy qua trạm thu phí. Có nghĩa là trong một ngày, nhân viên phải tiếp xúc, thu tiền, phát vé cho hàng chục ngàn phương tiện lưu thông và chủ xe. Chính vì lẽ đó, việc nâng cao ý thức, gia tăng phương án vệ sinh dịch tễ, đảm bảo việc ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 được các nhân viên trạm thu phí trên quốc lộ đặc biệt quan tâm.

Chị Thanh Tâm - nhân viên trạm thu phí T3 (gần ngã ba Long Sơn, QL 51, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Công ty BVEC cho ý kiến: “Giờ thì không biết người nào có bệnh hay không thì mình cũng tìm cách phòng tránh thì hay hơn”.

Anh Trần Văn Quỳnh - nhân viên trạm thu phí T3, Công ty BVEC cho biết, nhân viên thu phí cứ 5 đến 3 phút lại phải dùng dung dịch sát khuẩn phun vào tiền, xoa vào tay để trước mắt là bảo vệ mình và tránh lan truyền nguồn bệnh ra bên ngoài.

Nhân viên soát vé và cả khách hàng cần chú ý an toàn dịch tễ khi tiếp xúc.

Ông Đinh Hồng Hà, Tổng giám đốc Công ty Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cho biết, đã yêu cầu nhân viên thu phí của trạm phải tiến hành xịt khử trùng toàn bộ lượng tiền mặt tại trạm trước khi nhập quỹ. Trạm cũng đã chuẩn bị những phương án tối ưu trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, thậm chí sẵn sàng xả trạm nếu cần thiết, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan từ địa phương này sang địa phương khác qua vật trung gian là tiền mặt.

Theo số liệu cập nhật mới nhất ngày 8/4, hiện tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với SARS-CoV-2, Đồng Nai mới ghi nhận 1 trường hợp đầu tiên vào ngày 7/4, còn TP HCM có tổng cộng 54 trường hợp nhiễm bệnh. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, việc số lượng ca bệnh tăng lên là hoàn toàn có thể dự báo trước. Do đó, yêu cầu cấp bách trước mắt chính là phong tỏa mọi lộ tuyến lây lan của dịch bệnh, trong đó việc đảm bảo vệ sinh dịch tễ tại các trạm thu phí trên cao tốc Dầu Giây - Long Thành, con đường huyết mạch thông suốt 3 tỉnh, thành này là vô cùng trọng yếu.

Trước đó, tại Thông báo 106/TB-VPCP ngày 18/03/2020, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ trong việc vừa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng, phấn đấu đưa vào vận hành trong năm 2020.

Theo Thủ tướng, việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức ETC để thay thế cho phương thức thu phí thủ công một dừng (MTC) là nhiệm vụ bắt buộc phải triển khai thực hiện, tạo sự minh bạch trong thu phí, thuận tiện cho người tham gia giao thông.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tại quận Đống Đa: Không có việc chính quyền gây khó khăn khi người dân làm từ thiện

Ngày 7/4, trên mạng xã hội Facebook đã chia sẻ bài viết với tiêu đề “Hà Nội: Một điểm từ thiện phát quà vừa mới nhen nhóm đã bị dập tắt”. Nội dung bài viết phản ánh việc một người dân tại phường Nam Đồng (quận Đống Đa) muốn phát 1.000 phần quà cho người nghèo nhưng bị chính quyền sách nhiễu và gây khó dễ.

Đà Nẵng: Khách sạn Everland xem thường pháp luật

Tháng 5/2018, khách sạn Everland bị UBND quận Sơn Trà xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, thay vì chấp hành thì chủ khách sạn này lại không nộp phạt và tiếp tục thi công sai thiết kế trong giấy phép được cấp.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/canh-bao-nguy-co-lay-nhiem-covid-19-khi-qua-tram-thu-phi-d121479.html