Cảnh giác với những mánh khóe 'lừa đảo' chiếm dụng tài sản

20/03/2019 08:58

Kinhte&Xahoi Vừa qua, lực lượng Công an đã vào cuộc điều tra một số đối tượng tự giới thiệu mình có mối quan hệ với người có chức vụ, quyền hạn là lãnh đạo cấp cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Điển hình là bị can Nguyễn Thị Phước (53 tuổi, trú tại phường Đống Đa, TP Pleiku). Theo tin từ cơ quan điều tra, từ năm 2015 đến 2017, bà Phước đã bịa đặt, tự giới thiệu mình có mối quan hệ với người có chức vụ, quyền hạn là lãnh đạo của Bộ Công an và lãnh đạo Công an tỉnh Gia Lai.

 Đơn trình báo tố giác một trong những đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, nghi can này còn giới thiệu mình có khả năng xin đi học, xin việc trong ngành công an, xin xét tuyển vào biên chế, xin chuyển công tác trong các cơ quan nhà nước. Nhiều người tin là thật đã giao tiền cho bà Phước để xin việc, xin đi học, xin chuyển công tác.

Với thủ đoạn trên, người phụ nữ này đã chiếm đoạt trên 2 tỷ đồng của 14 người. Tuy nhiên sau đó bà ta không xin cho trường hợp nào mà sử dụng số tiền này để tiêu xài cá nhân. Sau thời gian dài chờ đợi nhưng không đạt được mục đích, nhiều bị hại đã đòi lại tiền nhưng không được. Cuối cùng, nhiều người đã gửi đơn tố cáo bà Phước đến cơ quan chức năng.

Hay như vụ Hồ Thị Ánh Tuyết (36 tuổi, trú tại phường Thành Nhất, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Tuyết đã gặp gỡ với nhiều người có nguyện vọng xin việc làm, tự giới thiệu mình là người của nhà nước, có chức vụ ở trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột. Bên cạnh đó, Tuyết còn "nổ" mình có nhiều mối quan hệ với lãnh đạo cấp trên nên có khả năng xin được việc làm tại các cơ quan nhà nước.

Bằng thủ đoạn nói trên, Tuyết đã nhận tiền và hồ sơ của rất nhiều người nhưng sau đó không xin việc như đã hứa. Sau một thời gian dài đến gặp Tuyết để đòi lại tiền nhưng không được, nhiều nạn nhân đã làm đơn tố cáo người phụ nữ này lên cơ quan công an.

Gần đây nhất, theo đơn trình báo với cơ quan Công an huyện Chương Mỹ, ông Nguyễn Trường Giang sinh năm 1981 ở phòng 905, C2B, Ecohome2, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, đại diện cho Công ty Á Đông tố cáo bà Kiều Thị Hiền.

 Căn cước công dân của bà Kiều Thị Hiền

Bà Hiền tự nhận mình đang làm việc tại Công ty 319 và hiện tại bà có quan hệ với rất nhiều lãnh đạo cấp cao nên xin được nhiều công trình cho Công ty xây dựng. Bà H nói bản thân bà đã phải chi trước hàng chục tỷ đồng để xin công trình cho các đơn vị.

Bà H yêu cầu Công ty ông Giang chuyển trước cho 150.000.000đ (một trăm năm mươi triệu đồng) và có hứa trong thời gian một tháng bà sẽ xin công trình cho. Trong trường hợp không xin được công trình bà Hiền sẽ hoàn trả lại tiền cho công ty. Nhưng đến nay, đã trải qua hai tháng bà H vẫn không xin được công trình và cũng không trả lại tiền cho ông Giang.

Ông Giang cho biết, hiện nay công ty của bà Hiền đã ngừng hoạt động, và ngoài số tiền nhận được của công ty ông Giang, bà Hiền còn nhận rất nhiều tiền của các công ty khác như Công ty xây dựng Thế Minh nhưng không thực hiện theo đúng thỏa thuận.

Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công ty, cũng như ngăn chặn các công ty khác bị rơi vào "bẫy" của bà Hiền, ông Giang mong muốn các cơ quan báo chí thông tin rộng rãi để mọi người cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo tinh vi này. Cùng với đó, Công an huyện Chương Mỹ cần sớm vào cuộc điều tra làm rõ để xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật.

Theo GĐ&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM