Chia sẻ bài viết từ báo, tạp chí lên mạng xã hội có bị xử phạt không?

29/04/2020 21:19

Kinhte&Xahoi Những ngày qua có nhiều thông tin cho rằng việc đăng tải các bài viết từ báo, tạp chí lên mạng xã hội có thể bị xử phạt hành chính. Thực hư thông tin này như thế nào?

Thời đại 4.0, mạng xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày và trở thành công cụ chia sẻ các thông tin mọi mặt đời sống xã hội.

Đáng chú ý, ngoài những thông tin đời sống xã hội do chính các chủ tài khoản thu thập và đăng tải thì những thông tin từ các bài viết trên báo, tạp chí được cho là một nguồn thông tin quan trọng, tin cậy được nhiều tài khoản chia sẻ lên mạng xã hội.

Các bài viết trên báo được cho là một nguồn quan trọng được chia sẻ lên mạng xã hội (Ảnh minh hoạ)

Những ngày qua nhiều thông tin cho rằng việc chia sẻ thông tin từ các bài báo, tạp chí lên mạng xã hội nếu chưa sự đồng ý của chủ sở hữu có thể bị xử phạt.

Để làm rõ những thông tin này, báo Gia đình Việt Nam đã có những trao đổi với luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư Hà Nội).

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho biết: Tác phẩm báo chí quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, bao gồm các thể loại: Phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác.

Theo điều 15 Luật sở hữu trí tuệ thì: “Các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả

1. Tin tức thời sự thuần tuý đưa tin.

2. Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó.

3. Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.”

Trong khi đó, căn cứ theo Khoản 1, Điều 3 Luật báo chí thì: “Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử.”

Và căn cứ Khoản 2, Điều 4 Luật báo chí:

2. Báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân;

b) Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

c) Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân;

d) Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội;

đ) Góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam;

e) Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững. Như vậy, với các bản tin, bài viết nêu lên sự kiện thuần túy, tin tức, văn bản pháp luật sẽ không được bảo hộ, và mọi người hoàn toàn được quyền tiếp cận, chia sẻ.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sự TP. Hà Nội)

Theo Điều 39 Luật sở hữu trí tuệ thì chủ sở hữu đối với các tác phẩm báo chí là Tờ báo, tạp chí, kênh truyền hình …

Căn cứ Khoản 4, điều 21 Nghị định 22/2018/NĐ-CP hướng dẫn về Quyền tác giả và quyền liên quan có quy định về quyền tài sản của chủ sở hữu: Quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc đưa tác phẩm hoặc bản sao tác phẩm đến công chúng mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn.

Ngoài các bản tin, bài viết nêu lên sự kiện thuần túy, tin tức, văn bản pháp luật sẽ không được bảo hộ, và mọi người hoàn toàn được quyền tiếp cận, chia sẻ. Những bài viết còn lại, các tờ báo, tạp chí, kênh truyền hình đều có những nút, ký hiệu cho phép người đọc “SHARE” bài viết đến công chúng. Hay nói cách khác “chủ sở hữu” đã cho phép người đọc được quyền chia sẻ bài viết đến công chúng theo các cách thức, thời gian, địa điểm do chính người đọc lựa chọn.

Thực tế, hầu hết các kênh báo chí, truyền hình nếu không có thỏa thuận trả phí khi đọc, xem hoặc cấm share bài viết thì đều cho phép đọc, xem được phép share bài viết.

Tuy nhiên, khi share hoặc dẫn nguồn bài viết chúng ta phải tôn trọng các quy định về việc ghi rõ dẫn nguồn, ghi nguồn tác giả hoặc dẫn chứng bài viết để làm căn cứ bài viết khác."

"Nút "share" đã từng rất quyền lực, tuy nhiên đối với các link bài báo mỗi khi chia sẻ, dẫn nguồn cần tôn trọng tác giả và thượng tôn pháp luật", luật sư Hùng nhấn mạnh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc https://giadinhvietnam.com/chia-se-bai-viet-tu-bao-tap-chi-len-mang-xa-hoi-co-bi-xu-phat-khong-d156750.html