Theo đó, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15/11/2020; cụ thể, quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 34: “Không tổ chức thực hiện quy định không uống rượu, bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức”; Điểm này khiến nhiều người hiểu là, nếu Công ty để xảy ra việc nhân viên uống rượu bia trong giờ làm việc thì chủ doanh nghiệp sẽ bị xử phạt từ 3 đến 5 triệu đồng.
Ông Nguyễn Công Thông Giám đốc Công ty Việt- Hàn.
Trên thực tế, ngày càng nhiều tai nạn, gây mất trật tự, thậm chí là đâm chém nhau đều xuất phát từ nguyên nhân sử dụng rượu bia.Việc ban hành các quy định, xây dựng chế tài xử phạt hành chính trong việc sử dụng rượu bia là việc rất cần thiết và thiết thực. Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để nhân viên uống rượu bia trong giờ làm việc đã và đang khiến các ông chủ doanh nghiệp băn khoăn.
Theo ông Nguyễn Công Thông, Giám đốc Công ty Việt - Hàn cho rằng: “Việc ban hành các quy định về xử phạt người uống rượu bia điều khiển phương tiện, gây tai nạn…tôi hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, việc quy trách nhiệm người đứng đầu tôi cho là khó khả thi, vì làm sao ông chủ có thể quản lý nhân viên của mình 8h/24h được?
Hơn nữa, trong kinh doanh cần phải tiếp đối tác, làm việc với khác hàng để mở rộng mối quan hệ và sự cần thiết tương tác trong lĩnh vực kinh doanh, làm sao tránh được việc không uống rượu bia?
Ở một khía cạnh khác, luật pháp quy định rất rõ: Người đủ năng lực hành vi dân sự phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình trước pháp luật. Việc quy trách nhiệm người đứng đầu có phù hợp?
Nói về xử phạt bằng tiền, nếu ông chủ doanh nghiệp bị phạt 5 triệu, ông ấy sẽ phạt nhân viên của mình 10 triệu, một phép tính đơn giản.
Nếu xét góc độ pháp lý, tôi cho rằng không đảm bảo tính răn đe và nghiêm trị đối với người đứng đầu, bởi những gì tôi đã phân tích ở trên”- ông Thông nhận định.
LS Hoàng Minh HIển, Đoàn LS thành phố Hà Nội.
Dưới góc độ chuyên gia pháp lý, LS Hoàng Minh Hiển, Đoàn LS Hà Nội cho rằng: “ Muốn luật đi vào cuộc sống phải thể hiện quan điểm sức mạnh của Nhà nước, quyền uy của Nhà nước thông qua các văn bản...Việc xử phạt phải đủ sức răn đe. Các văn bản ban hành phải được hiểu thống nhất và áp dụng một cách thống nhất, tránh hiểu nhầm, ngầm hiểu, hiểu không đúng.
Nghị định 117 của Chính phủ quy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu bia, đối với một số hành vi mà luật buộc họ phải thực hiện nhưng họ không thực hiện.
"Phân tích Điều 34 trong Nghị định trên cho thấy, việc xử phạt người đúng đầu từ 3 triệu tới 5 triệu tôi cho là không đủ sức răn đe. Trong trường hợp này, dư luận nên đặt câu hỏi, việc xử phạt từ 3 triệu tới 5 triệu đồng có đủ sức răn đe, hay không?", LS Hiển đặt câu hỏi.
Điều 34. Vi phạm các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia trong cơ quan, tổ chức;
b) Không tổ chức thực hiện quy định không uống rượu, bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức;
c) Không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống, bán rượu, bia trong địa điểm không uống, bán rượu, bia thuộc quyền quản lý, điều hành;
d) Không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về không được uống, không được bán rượu, bia tại địa điểm thuộc, quyền quản lý, điều hành.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi của người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải không thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiến phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông. |
Ly Ly - Pháp luật Plus