Chủ tịch Quốc hội: Thực trạng lãng phí tại các cơ quan Nhà nước và trong xã hội còn rất nghiêm trọng

17/03/2022 17:57

Kinhte&Xahoi Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thực trạng lãng phí trong các cơ quan nhà nước và trong xã hội còn rất nghiêm trọng. Tham nhũng, lãng phí biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, vẫn chưa được khắc phục triệt để, có mặt còn diễn biến nghiêm trọng hơn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Ngày 17/3, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, nhằm hoàn thiện báo cáo kết quả bước đầu triển khai thực hiện kế hoạch giám sát để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 9.

Báo cáo tại cuộc làm việc, Đoàn giám sát cho biết, trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy về cơ bản nội dung, thông tin, số liệu không đầy đủ theo yêu cầu. Do đó, Đoàn giám sát đã tiếp tục có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương yêu cầu khẩn trương gửi báo cáo và bổ sung nội dung, thông tin, số liệu; công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố Trung ương yêu cầu tập trung giám sát các nội dung theo đề cương và gửi báo cáo đúng thời gian quy định.

Sau Phiên họp thứ chín của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát sẽ tiếp tục triển khai các công việc như: tiến hành phiên họp thứ hai để thảo luận, cho ý kiến về kế hoạch giám sát các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới, phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên Đoàn giám sát trong việc rà soát, có ý kiến đối với các Bảo cáo của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương.

Do khối lượng công việc và phạm vi giám sát rộng, trong khi báo cáo các bộ, ngành, địa phương nội dung không đầy đủ, thiếu nhiều thông tin, số liệu nên Đoàn giám sát sẽ tiếp tục đôn đốc, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương bổ sung nội dung, thông tin, số liệu; Giao Tổ giúp việc trong tháng 4 làm việc và trao đổi với các cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành, địa phương để rà soát, yêu cầu bổ sung đầy đủ nội dung, thông tin, số liệu theo yêu cầu. Sau khi các bộ, ngành, địa phương bổ sung báo cáo, Đoàn Giám sát sẽ có báo cáo giám sát đối với các nội dung báo cáo của từng bộ, ngành, địa phương.

Dự kiến, Đoàn giám sát cũng sẽ tổ chức khảo sát thực tế, làm việc với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông Vận tải; Y tế; Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và 6 địa phương, gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Lâm Đồng, Long An (trong tháng 4, cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2022).

Quang cảnh buổi làm việc

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là lĩnh vực rất rộng nhưng lại rất sát sườn. Nếu không có cách tiếp cận tổng thể thì không tránh khỏi tình trạng “bơi trong số liệu”.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, giám sát lần này cần phải đánh giá xem công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được quan tâm đúng mức hay chưa, cụ thể thế nào. Nếu chưa được quan tâm đúng mức thì cần phải chỉ ra được là ở cấp nào.

Bên cạnh đó, thực trạng lãng phí trong các cơ quan nhà nước và trong xã hội còn rất nghiêm trọng; Tham nhũng, lãng phí biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, vẫn chưa được khắc phục triệt để, có mặt còn diễn biến nghiêm trọng hơn; Việc phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội cần phải nêu được những vấn đề lớn trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chỉ rõ được những hạn chế, tồn tại, bất cập trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời, đánh giá được tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn Giám sát, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị, Thường trực Đoàn Giám sát và Tổ giúp việc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu trong cuộc họp.

Đồng thời hoàn chỉnh báo cáo bước đầu để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 9; chuẩn bị những yêu cầu về tiêu chí, kế hoạch làm việc, nội dung giám sát cụ thể để từng bộ, ngành, địa phương báo cáo chi tiết.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Tổ giúp việc sẽ phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để chuẩn bị nội dung cho phiên họp tiếp theo của Đoàn Giám sát.

Việc này nhằm triển khai những kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xác định nội dung trọng tâm và phương hướng giám sát cụ thể đối với từng bộ, ngành, địa phương; Xác định lĩnh vực có dấu hiệu lãng phí; tham vấn, nhận diện các dấu hiệu này và chuẩn bị nội dung để làm việc cụ thể với từng bộ, ngành, địa phương.

Anh Đức - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/thuc-trang-lang-phi-tai-cac-co-quan-nha-nuoc-va-trong-xa-hoi-con-rat-nghiem-trong-192053.html