Chùa Tam Chúc (Hà Nam): Vẻ đẹp tiên cảnh cùng yếu tố tâm linh

16/02/2019 16:55

Kinhte&Xahoi Chùa Tam Chúc nằm trong khu du lịch Tam Chúc thuộc thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam được mệnh danh là chốn tâm linh giữa vùng tiên cảnh “non nước, mây trời” địa thế.

Vẻ đẹp huyền bí của một “Vịnh Hạ Long trên cạn”

Tam Chúc là một trong những quần thể núi đá vôi ngập nước độc đáo với phong cảnh nước non hùng vĩ. Đặc biệt, nơi đây vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên vốn có của một bức tranh “sơn thủy hữu tình”, chốn bồng lai tiên cảnh.

Khung cảnh chùa Tam Chúc đứng từ trên chùa Ngọc nhìn xuống.

Nhìn từ trên cao, Tam Chúc được tạo hóa sắp đặt địa thế trời, lưng tựa núi, mặt hướng ra hồ, xung quanh bao bọc bởi dãy núi hình tay ngai. Điều này, đã được rất nhiều nhà phong thủy đánh giá cao về vị thế địa lợi của quần thể ngôi chùa đã có dấu tích niên đại hơn 1.000 năm lịch sử.

Không chỉ có vậy, chùa Tam Chúc còn gắn liền với truyền thuyết “Tiền lục nhạc – Hậu thất tinh” huyền bí của một vùng đất thiêng. Tương truyền, có 6 tiên nữ giáng xuống trần gian, khi đến Tam Chúc, các tiên nữ mê mẩn với vẻ đẹp của vùng đất nơi đây mà quên đường về. 

Chùa Tam Chúc được tạo hóa sắp đặt địa thế trời, lưng tựa núi, mặt hướng ra hồ, xung quanh bao bọc bởi dãy núi hình tay ngai

Để đưa các tiên nữ quay trở về, nhà chùa đã 6 lần cử người xuống gọi mà không chịu về, mỗi lần xuống dùng một quả chuông để làm binh khí, và đó chính là 6 ngọn núi nằm rải rác khắp hồ nước lớn trước cảnh chùa hiện nay hay tích xưa còn gọi là “Tiền lục nhạc”.

Theo truyền thuyết “Hậu thất tinh”, trên dãy núi 99 ngọn nằm ở phía Tây Nam hướng về chùa Hương thì có 7 ngọn gần làng Tam Chúc. Suốt ngày đêm, 7 ngọn nùi đều xuất hiện những đốm sáng tựa như 7 ngôi sao sáng trên bầu trời. Thấy ánh sáng trên cao từ những ngọn núi rọi xuống một vùng rộng lớn, kể từ đó, dân làng bắt đầu gọi là núi Thất Tinh và chùa Thất Tinh.
Chùa Tam Chúc được nhiều người dân, du khách chọn là nơi du xuân tâm linh đầu năm.

Sau đó, có người đến núi Thất Tinh đục đẽo hòng lấy đi 7 ngôi sao ở trên núi. Để ngăn chặn, dân làng đã chất những đống củi lớn đốt nhiều ngày liền khiến cho 4 ngôi sao bị mờ dần đi và cuối cùng chỉ còn lại 3 ngôi sao có thể phát sáng. Cũng chính từ đó, chùa Thất Tinh được đổi tên thành chùa Ba Sao và thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng cũng được lấy tên địa danh từ tích ấy.

Chốn tâm linh mảnh đất Hà Nam

Chùa Tam Chúc là một trong những ngồi chùa vô cùng đặc biệt, chùa có tổng diện tích lên tới 5.000 ha với hồ nước, núi đá rừng tự nhiên và các thung lũng. Trong đó, mặt bằng xây dựng chùa Ba Sao rộng 44 ha, bao gồm các hạng mục: Chùa Ngọc, Điện Tam Thế, Điện Giáo Chủ, Điện Quan Âm, Cổng Tam Quan.

Chùa Ngọc hay còn gọi là Đàn Tế Trời được xây dựng trên đỉnh núi Thất Tinh. Tính từ dưới chân núi lên tới chùa có tất cả gần 200 bậc thang. Bên trong chùa có 3 ngôi tượng được làm từ đá granit nguyên khối nhập khẩu từ Ấn Độ và 1 pho tượng được làm từ ngọc quý hiếm.

Pho tượng Phật được làm từ ngọc quý hiếm trên đỉnh chùa Ngọc.

Dưới chân chùa Ngọc là điện Tam Thế nằm ở độ cao 45m so với mực nước biển. Điện có 3 tầng mái cong, xây dựng theo lối kiến trúc đình chùa đặc trưng của Việt Nam với kết cấu xây dựng là cột, dầm, xà, mái cong bằng bê tông cốt thép sơn giả gỗ. Điện Tam Thế có diện tích sàn lên tới 5.400m2, chiều cao gần 39m, diện tích tầng hầm là 2.200m2, tại chính điện có sức chứa 5.000 Phật tử hành lễ cùng một lúc. 

Bên trong điện Tam Thế có 3 pho tượng Tam Thế Phật biểu trưng cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Nét tinh tế ở điện là 12 ngàn bức tranh đá được chạm khắc tinh xảo. Mỗi bức tranh ở đây đều là một câu chuyện vô cùng nhân văn tái hiện lại chính cuộc đời của Đức Phật do những người thợ người hồi giáo Indonesia tạc bằng núi lửa Indonesia đưa sang Việt Nam.

3 pho tượng Tam Thế Phật biểu trưng cho quá khứ, hiện tại và tương lai tại điện Tam Thế.

Điện Giáo Chủ có vị trí nằm ở giữa điện Tam Thế và điện Quan Âm, có 2 tầng mái cũng được xây dựng theo lối kiến trúc đình chùa Việt Nam với diện tích sàn là 3.000m2. Tại đây thờ 1 pho tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối nặng 150 tấn do chính nghệ nhân trong nước chế tác. Xung quanh điện có gần 10.000 bức tranh tái hiện lại cuộc đời của Đức Phật từ khi Ngài Đản sinh, Thành Đạo, Thuyết Pháp cho tới khi nhập Niết Bản do thợ hồi giáo Indonesia tạc bằng núi đá lửa.

Pho tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối nặng 150 tấn tại Điện Giáo Chủ.
Xung quanh phía bên trong điện Giáo Chủ có gần 10.000 bức tranh tái hiện lại cuộc đời của Đức Phật từ khi Ngài Đản sinh, Thành Đạo, Thuyết Pháp cho tới khi nhập Niết Bản 

Nằm ở phía dưới là điện Quan Âm với 1 pho tượng Quan Âm Bồ Tát bằng đồng nguyên khối nặng 100 tấn do nghệ nhân Việt Nam chế tác. Điểm nhấn của điện là 4 bức tranh đá khổng lồ bao phủ toàn bộ diện tích 4 bức tường, nói về sự tích Quan Thế Âm Bồ Tát gần gũi với cuộc sống tâm linh của người dân Việt trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước.

Pho tượng Quan Âm Bồ Tát bằng đồng nguyên khối nặng 100 tấn

Có thể nói, với những giá trị văn hóa, tâm linh, lịch sử cùng khung cảnh đất trời non nước như vậy, chùa Tam Chúc đã trở thành một trong những trung tâm văn hóa phật giáo quan trọng không chỉ của Việt Nam nói riêng, khu vực Đông Nam Á nói chung mà còn cả thế giới.

 Vũ Cừ/ HATAP








CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Công ty du học Asahi tiếp tục bị nhiều học viên tố quỵt tiền

Theo dấu chân học viên gian nan đòi lại số tiền đã nộp để thực hiện ước mơ du học Hàn Quốc, dư luận sẽ thấy được sự nhiều dấu hiệu “lợi dụng tín nhiệm” để chiếm đoạt tài sản của những học viên nghèo vay tiền đi du học, và nhiều học viên khác của công ty có nguy cơ lâm vào cảnh “tay trắng” khốn khổ và ngập trong nợ nần.