Theo hai chuyên gia này, tại các quốc gia có khí hậu ôn đới như Trung Quốc và Mỹ, mùa của dịch cúm thường bắt đầu vào tháng 12, lên đến đỉnh điểm vào tháng 1 hoặc tháng 2 rồi bắt đầu giảm dần.
Virus corona chủng mới đang lan rộng khắp Trung Quốc (Ảnh: AFP/Noel Celis)
Đại dịch SARS trước đó cũng giảm dần và biến mất vào mùa hè năm 2003. Tính thời vụ của bệnh cúm và các loại virus đường hô hấp khác tại khu vực ôn đới được cho là liên quan đến các yếu tố ảnh hưởng đến sự lây nhiễm (từ người sang người) như không khí, nhiệt độ và thậm chí là cả tia cực tím.
Các yếu tố con người cũng góp phần khiến dịch cúm lây lan trong mùa đông nhiều hơn so với các mùa khác. Đây là thời điểm mọi người dành nhiều thời gian trong nhà và có thể xảy ra nhiều "tiếp xúc gần với người khác".
Virus nCoV có cơ chế lây lan tương tự các virus đường hô hấp khác như cúm, lây nhiễm thông qua các giọt nước bọt hoặc đờm bắn ra khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc gần. Người khỏe mạnh chạm tay vào bề mặt có virus, sau đó chạm vào mũi, miệng hoặc mắt cũng có thể nhiễm virus nCoV.
Loại virus đường hô hấp này lan xa hơn trong không khí lạnh và khô. Các nghiên cứu được thực hiện từ nhiều năm trước cho thấy, ở nhiệt độ 6 độ C, virus corona thông thường (một trong các nguyên nhân gây cảm lạnh) có thể tồn tại trên bề mặt tiếp xúc lâu hơn 30 lần so với những nơi trên 20 độ C và độ ẩm cao.
Gần đây, hai giáo sư Malik Peiris và Seto Wing Hong, Đại học Hong Kong (HKU), cho biết, nhiệt độ và độ ẩm thấp tạo cơ hội cho virus SARS sống lâu hơn so với môi trường nhiệt độ và độ ẩm cao. Theo họ, đây có thể là lý do khiến các quốc gia Đông Nam Á nóng ẩm không bị ảnh hưởng lớn bởi dịch SARS, khác với Hong Kong và Singapore là nơi có khí hậu lạnh hơn.
Do đó, cũng giống như bệnh cúm, virus nCoV có thể bị tiêu diệt khi mặt trời bắt đầu chiếu sáng nhiều hơn và thời tiết ấm lên ở các nước ôn đới, cận nhiệt đới.