Con đường lòng vòng của dầu thải bị đổ vào làm ô nhiễm nguồn nước sạch Hà Nội

19/10/2019 09:17

Kinhte&Xahoi Chiều qua (18/10), Thiếu tá Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cho biết đã xác định ba nghi phạm xả chất thải xuống nguồn nước của Nhà máy Sông Đà là Lý Đình Vũ (37 tuổi), Nguyễn Chương Đại (25 tuổi, cùng ngụ Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (33 tuổi, ngụ Lạng Sơn). Ngày 17/10, công an đã ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp với Đại, Thám và tiếp tục truy bắt Vũ.

Nguồn nước ô nhiễm dầu thải từ khe núi huyện Kỳ Sơn chảy về kênh dẫn nước của Nhà máy sông Đà.

Tại cơ quan điều tra, Đại và Thám khai, ngày 6/10 được Vũ thuê lái xe tải đi từ Bắc Ninh đến Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà tại Phú Thọ lấy chất thải, bơm vào 10 thùng chứa, tổng dung tích khoảng 10 m3.

Hai ngày sau (8/10), ba đối tượng lái xe tải và xe bốn chỗ, đưa chất thải lên địa bàn xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình đổ trộm rồi bỏ trốn.

Xe tải BKS 99C-087.83 thuộc Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Du lịch Minh Phương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Còn xe con BKS 89A-137.66 chủ phương tiện là Nguyễn Văn Quyền (ngụ huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Cả hai chiếc xe đều đã bị tạm giữ phục vụ điều tra. 

Công an tỉnh Hòa Bình tiếp tục phối hợp với đơn vị chức năng Bộ Công an xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan việc xử lý nguồn nước ô nhiễm cung cấp cho TP Hà Nội. 

Hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi lạ xuất hiện từ ngày 10/10 ở nhiều quận như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm... Trong khi đó, theo báo cáo của Hà Nội, một số cán bộ Tổng Công ty Cổ phần Kinh doanh nước sạch Sông Đà phát hiện việc này từ sáng 8/10, nhưng đã không báo cáo cơ quan chức năng; không có hành vi ứng cứu, ngăn chặn ô nhiễm. Từ phản ánh của người dân, ngày 11/10 Hà Nội lập đoàn kiểm tra liên ngành lấy mẫu nước xét nghiệm.

Ngày 15/10, gần một tuần sau khi xuất hiện tình trạng nước bẩn, Hà Nội họp báo cho hay kết quả xét nghiệm xác định mùi lạ liên quan đến chất styren. Đến lúc này, TP mới đưa khuyến cáo người dân “chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống”. Nước ô nhiễm gây đảo lộn cuộc sống của hơn 250.000 hộ gia đình ở nhiều quận nội thành.

Hôm 16/10, Công an huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình đã khởi tố vụ án Gây ô nhiễm môi trường, theo Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015. Một ngày sau, cơ quan này chuyển hồ sơ vụ án lên Công an tỉnh.

Theo một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội, theo Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 (tội Gây ô nhiễm môi trường), tùy vào lượng chất thải nguy hại bị phát tán ra môi trường, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 tháng tới 7 năm hoặc bị phạt tiền từ 50 triệu tới 3 tỷ. Nếu là pháp nhân thương mại, sẽ bị phạt tiền từ 3 tới 20 tỷ, hoặc bị đình chỉ hoạt động từ 6 tháng tới 3 năm hoặc vĩnh viễn.

* Câu chuyện nguồn nước sinh hoạt cho người dân do Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà cung cấp bị ô nhiễm cũng làm “nóng” cuộc tiếp xúc đoàn ĐBQH ngày hôm qua (18/10).

Tại cuộc gặp, ĐB Nguyễn Anh Trí đề nghị phải tìm ra tổ chức, các nhân đổ dầu vào nguồn nước “vì đây là tội ác cần xử lý nghiêm”. Ông Trí cũng cho rằng cần xử lý trách nhiệm thật nghiêm với lãnh đạo Công ty Nước sạch Sông Đà; xem xét lại an ninh an toàn nguồn nước của nhà máy này. 

Cũng băn khoăn về vấn đề ô nhiễm môi trường của Hà Nội, ĐB Trần Thị Quốc Khánh cho hay, ô nhiễm nước sông đang là vấn đề bức xúc trong xã hội. Do đó phải chặn nguồn xả thải ra sông từ các nhà máy bằng việc yêu cầu xử lý nước thải trước khi xả thải ra sông; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, xử lý nghiêm với các cơ sở sản xuất kinh doanh đổ thải ra sông gây ô nhiễm.

Trao đổi về vấn đề trên, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết nước do Công ty Sông Đà cung cấp đang chiếm 18% nước cho TP. Ngày 16/10, công ty đã nhờ một công ty trong miền Nam chuyên về xử lý dầu đến nguồn nước dùng phao để hút dầu nổi. Hiện TP đang cố gắng chỉ đạo khắc phục với mục tiêu đến hết ngày 20/10 các nơi bị ảnh hưởng được thau rửa, sục xúc xả bể nước để hết dầu. Ông Chung cho hay khi nguồn nước đảm bảo an toàn, TP sẽ thông báo để người dân sử dụng bình thường.

Để đảm bảo an toàn cấp nước, Viwasupco cần đầu tư tuyến ống dẫn nước thô chạy từ sông Đà đến trạm bơm, thay vì dùng nước suối chảy lộ thiên như hiện nay. Kiến nghị được nêu trong báo cáo ngày 17/10 của UBND tỉnh Hòa Bình, do Phó Chủ tịch Bùi Đức Hinh ký.

Tỉnh Hoà Bình yêu cầu Viwasupco thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn nguồn nước, trong đó có việc sớm xây dựng kênh dẫn nước kín từ sông Đà về nhà máy xử lý nước sạch.

Tỉnh cũng đề nghị Viwasupco không sử dụng hồ Đầm Bài để chứa nước trung chuyển, sơ lắng, dự trữ nước thô như hiện tại. Bởi hồ này quá rộng (69 ha) và diện tích lưu vực lớn (16 km2); hệ thống nhiều suối nhỏ dẫn nước vào gây khó cho việc bảo vệ vùng hồ và kiểm soát chất lượng các nguồn nước đổ về đây.

Viwasupco cũng cần có thêm phương án bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước, xây dựng các kịch bản ứng phó kịp thời với sự cố. Trường hợp không đảm bảo chất lượng nước đầu, công ty phải ngừng sản xuất ngay và báo cáo với cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương.

“Hòa Bình chưa bao giờ gặp sự cố tương tự. Sự việc lần này là bài học cho các ban ngành và lãnh đạo tỉnh”, ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình nói. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus