Đại biểu Quốc hội băn khoăn về tiến độ Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông

06/01/2022 20:33

Kinhte&Xahoi Thời gian thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 còn 4 năm nhưng 10/12 dự án thành phần có tổng mức trên 10.000 tỷ đồng - đồng nghĩa thủ tục phải qua nhiều bước thẩm định, tốn nhiều thời gian; Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn...

Chiều 6/1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Chấm dứt tình trạng “bán thầu”

 Thảo luận tại tổ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ủng hộ chủ trương đầu tư dự án bằng ngân sách Nhà nước để sớm triển khai hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ tỉnh Lạng Sơn đến tỉnh Cà Mau; Tập trung vào các dự án chưa triển khai và thúc đẩy các dự án đang triển khai.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thảo luận tại tổ

Để làm tốt những dự án đang và sắp triển khai, Chủ tịch nước đề nghị cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư như quy hoạch, thiết kế… đi liền với công tác giải phóng mặt bằng, trong đó, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân trong khu vực giải tỏa, mà trước hết phải tổ chức tốt nơi tái định cư cho người dân.

Nhấn mạnh việc chống thất thoát, lãng phí trong thực hiện các dự án, Chủ tịch nước cho rằng, các đơn vị thi công thực hiện dự án phải đáp ứng đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm, thiết bị thi công; Song song với phải chấm dứt tình trạng “bán thầu”, bởi nhiều đơn vị nhờ quan hệ nên nhận được gói thầu, sau đó bán thầu cho đơn vị khác, dẫn đến chất lượng công trình bị ảnh hưởng.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội về những vấn đề này để đẩy nhanh tiến độ, khớp nối các dự án thành phần… Quá trình đấu thầu phải lựa chọn đơn vị tốt nhất, tránh tình trạng thất thoát có thể xảy ra thông qua việc chỉ định thầu.

“Việc làm cao tốc Bắc - Nam, kể cả những đoạn đang dở dang, đặc biệt là 746km còn lại là yêu cầu cần thiết cho phát triển đất nước, mong rằng Quốc hội sẽ thông qua với các cơ chế giám sát của Quốc hội một cách cụ thể. Chúng ta tạo điều kiện để có sự chủ động nhưng đồng thời phải tăng cường giám sát để chống thất thoát, lãng phí, bảo đảm chất lượng công trình”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) cho rằng, những vấn đề lùm xùm liên quan đến đường cao tốc thời gian qua đều liên quan đến chất lượng. Cọc ruột tre, sụt lún, xuống cấp nhanh... do thiết kế, thi công hay giám sát nể nang lẫn nhau? Đây là vấn đề lớn nhưng dự thảo nghị quyết và tờ trình không thấy nói.

“Ít nhất phải có một câu, một điều về chất lượng đường, quy định quy chuẩn đường vào phụ lục để sau này Quốc hội còn giám sát”, đại biểu đề xuất.

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cần làm rõ hồ sơ chi tiết, cơ sở nào để đưa ra sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng, mức tăng đột biến so với các dự án khác.

Về nguồn vốn và giải ngân vốn, Chính phủ dự kiến phần vốn nhà nước bổ sung 72.497 tỷ đồng sẽ cân đối từ “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, việc giải ngân trong giai đoạn 2022-2023 là không hề đơn giản vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Cùng với đó, đại biểu cũng kiến nghị tạo cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào dự án; Đồng thời, tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư để bảo đảm tiến độ thực hiện cũng như hiệu quả.

Quy định rõ trách nhiệm của địa phương

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) thảo luận tại tổ

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế thì băn khoăn về tiến độ dự án. Nữ đại biểu phân tích: Thời gian còn 4 năm nhưng 10/12 dự án có tổng mức trên 10.000 tỷ đồng, tức dự án quan trọng quốc gia. Điều đó đồng nghĩa thủ tục qua nhiều bước thẩm định, tốn nhiều thời gian. Vậy đề giải quyết cơ chế ra sao để giảm thủ tục, Chính phủ có đề xuất gì như phân cấp phân quyền đảm bảo phát huy sự chủ động của địa phương hay không?.

Liên quan đến giải phóng mặt bằng, đại biểu Mai cho biết, thực tế có nhiều khó khăn. Qua khảo sát một số đoạn cao tốc thì ngay cả với dự án triển khai giai đoạn 1 cũng chưa bàn giao trọn vẹn mặt bằng. Do đó Chính phủ cần tổng kết đánh giá kinh nghiệm giai đoạn trước, có biện pháp khắc phục, cả về thể chế, chính sách để khai thông giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ...

Chung mối quan tâm, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) bày tỏ lo ngại khi trên thực tế chúng ta phải mất 2 năm để hoàn thành các thủ tục. Vì thế, đại biểu cho rằng, cần có cơ chế đặc thù, trong đó, đẩy mạnh phân cấp theo các dự án nhóm A để bảo đảm tiến độ và phù hợp với các Nghị quyết của Đảng và chủ trương phân cấp.

“Thời gian qua, địa phương nào thực hiện giải phóng mặt bằng tốt thì tiến độ dự án nhanh, còn nơi nào không làm tốt thì tiến độ dự án rất chậm. Vì thế, trong dự án này cần quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân, người đứng đầu các địa phương và coi đó như là nhiệm vụ chính trị phải thực hiện”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị.

Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

90 tuổi bị khởi tố cùng lúc 3 tội danh, thầy tu giả Lê Tùng Vân sẽ thi hành án thế nào?

Dư luận đang băn khoăn rằng, nếu cơ quan điều tra và các cơ quan tố tụng xác định ông Lê Tùng Vân phạm 3 tội danh "Loạn luân", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân" thì ông Lê Tùng Vân sẽ thi hành án thế nào trong khi đến thời điểm hiện tại ông đã 90 tuổi?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dai-bieu-quoc-hoi-ban-khoan-ve-tien-do-du-an-duong-bo-cao-toc-bac-nam-phia-dong-187411.html