Đại hội XIII: Nền tảng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

07/09/2020 10:32

Kinhte&Xahoi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: Thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ngày 31/8/2020 trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” đã nhấn mạnh: Phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, tiến kịp và ứng dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ của nhân loại trong xây dựng đất nước là một trong những phương hướng, nhiệm vụ hàng đầu của nước ta trong giai đoạn sắp tới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ: “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia”; đồng thời những vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh đang “ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta.”

Do đó, “thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”; khoa học và công nghệ “phải là khâu đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của những ngành mới, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính phủ số.”

Bài viết nhận được sự quan tâm rộng rãi trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và các nhà khoa học Việt Nam.

Khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, nhận định: Các quan điểm chiến lược lớn về khoa học và công nghệ như vậy một lần nữa được nhấn mạnh và làm rõ trong bài viết quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ngày 31/8/2020 về “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới."

Theo đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: “Thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.”

Đây không chỉ là chủ trương gợi mở cho Đại hội XIII sắp tới, mà còn là những định hướng nhiệm vụ khái quát, có tầm chiến lược dài hạn, xuyên suốt trong thời gian dài sắp tới về khoa học và công nghệ nước nhà.

Triển khai chủ trương này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu phải bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, vừa đáp ứng được các yêu cầu lâu dài, vừa có trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược cần ưu tiên thực hiện. Khoa học và công nghệ phải gắn liền với thực tiễn, xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn và quay trở lại giải quyết được các vấn đề của thực tiễn.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam (ngày 18/5/1963), bàn về mối quan hệ giữa khoa học và sản xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp kém. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều... Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải tiến những cái đó. Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi.”

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra mức độ gắn kết của khoa học và công nghệ với tư cách là động lực phát triển đất nước và để thực hiện thành công cần phải cụ thể hóa thành những định hướng chiến lược khoa học và công nghệ quốc gia, bao gồm các hành động phù hợp với thực tế và bối cảnh của đất nước. Trước mắt là các tác động mạnh mẽ, khó lường và diễn biến nhanh chóng của tình hình Biển Đông, của đại dịch COVID-19 và của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, “cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia.”

Thời gian tới, để đưa nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững, lĩnh vực khoa học và công nghệ, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã viết, “phải là khâu đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của những ngành mới, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính phủ số. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh; phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát triển mạnh khu vực dịch vụ dựa trên nền tảng kinh tế số và ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại.”

Phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao. (Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, ở nước ta bên cạnh chủ trương, đường lối về phát triển kinh tế nhanh và bền vững, vai trò của khoa học và công nghệ cũng được cụ thể hóa trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước.

Trong Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (1991-2011), Đảng ta đã chỉ rõ: Khoa học và công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo phải được coi là quốc sách hàng đầu. Khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong phát triển lực lượng sản xuất, phân bố lại lực lượng lao động; nâng cao trình độ quản lý, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường-sinh thái, bảo đảm chất lượng và tốc độ phát triển kinh tế; góp phần tích cực trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền của đất nước. Trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, Đảng ta luôn phát huy và nâng cao vai trò của khoa học và công nghệ mang bản sắc Việt Nam.

Phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực biển đảo

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi cũng cho biết, lịch sử phát triển thế giới chỉ ra rằng khoa học và công nghệ có 3 giá trị cốt lõi mang tính quốc tế hóa rất rõ nét: Phục vụ cho phát triển kinh tế; tạo ra tri thức mới phục vụ nhân loại; tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Chính những giá trị này đã đưa nền khoa học và công nghệ của mỗi quốc gia đến gần với nhau hơn trong một thế giới toàn cầu hóa và ngày càng liên kết chặt chẽ như hiện nay để tạo ra một xu thế hội nhập khoa học và công nghệ mạnh mẽ và không thể đảo ngược. Bước sang thế kỷ XXI, cuộc sống con người tiếp tục được cải thiện dựa trên nền tảng của những tiến bộ khoa học-kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo tác giả Yves Michaud (Pháp) trong cuốn “Khoa học, Công nghệ và Phát triển kinh tế - Tập hợp của mọi tri thức” - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, "cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một quan niệm mới về quá trình vận động xã hội, coi tiến bộ khoa học-kỹ thuật và công nghệ là nền tảng của các tiến bộ xã hội. Theo đó, khoa học và công nghệ, phải là một yếu tố của sự phát triển xã hội, phục vụ trở lại sự phát triển kinh tế-xã hội.”

Là nhà khoa học nghiên cứu về biển và hải đảo nhiều năm, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi khẳng định: Không chỉ là một quốc gia đất liền, Việt Nam còn là quốc gia biển với vùng biển rộng, bờ biển dài và nhiều đảo. Biển có vị trí địa chính trị, địa kinh tế và địa văn hóa rất trọng yếu trên khu vực Biển Đông và thế giới.

Vì thế, bên cạnh chủ trương, đường lối về phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững, vai trò của khoa học và công nghệ biển cũng được cụ thể hóa trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước.

Có thể nói, xuất đầu tư cho một “đơn vị biển” thường lớn hơn rất nhiều so với trường hợp tương tự trên đất liền, đòi hỏi hoạt động khai thác biển phải là những ngành, nghề có “hàm lượng khoa học và công nghệ” cao mới đạt được hiệu quả ổn định trong dài hạn.

Trong khi trình độ khai thác biển của nước ta vẫn còn lạc hậu so với khu vực thì đầu tư phát triển khoa học và công nghệ biển trong thời gian tới cần phải ưu tiên cao và phải được xem là giải pháp đột phá của kinh tế biển.

Trước yêu cầu nói trên, Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã đưa ra các định hướng cơ bản và giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ dài hạn của khoa học và công nghệ biển. Theo đó, phát triển khoa học và công nghệ biển phải trở thành động lực phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển. Xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ biển đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, phục vụ hiệu quả quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhà nước cũng khuyến khích đẩy mạnh và mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực ứng dụng khoa học và công nghệ và chuyển giao công nghệ sạch hơn, thân thiện với môi trường biển; nhanh chóng nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ cho nghiên cứu và khai thác tài nguyên biển đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi cho rằng, chủ trương nhấn mạnh đến tiềm lực khoa học và công nghệ biển là hết sức đúng đắn, là điều kiện tiên quyết bảo đảm thực hiện thành công chiến lược biển.

Trước hết, chúng ta cần nhanh chóng xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học và công nghệ biển ngang tầm khu vực và quốc tế với đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có kiến thức, trình độ và kỹ năng ở mức “chất lượng cao.”

Tháng 10/2018, Trung ương Đảng tiếp tục ban hành Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, khoa học và công nghệ được xem là ba khâu đột phá chiến lược: “Phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, khoa học, công nghệ mới, thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, nhân lực chất lượng cao.”

“Lần này, Chiến lược biển nhấn mạnh đến khoa học và công nghệ biển với tư cách vừa là giải pháp đột phá, vừa là một trong những nội hàm không thể thiếu trong cơ cấu của kinh tế biển xanh và bền vững - nền tảng của một quốc gia công nghiệp hiện đại ở trình độ quốc gia phát triển vào năm 2045 như định hướng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng,” phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi khẳng định./.

Hoàng Nam  -  Theo TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sáng nay, xét xử sơ thẩm vụ án ở Đồng Tâm

Sáng nay (ngày 7/9), TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử 29 bị cáo trong vụ đổ xăng, châm lửa khiến 3 chiến sĩ công an hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ ở thôn Hoành xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/dai-hoi-xiii-nen-tang-cua-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-dat-nuoc-d134466.html