Đang xét xử vụ cháy quán karaoke làm 13 người chết ở Hà Nội

12/09/2018 09:41

Kinhte&Xahoi Vụ cháy ở quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 13 người tử, gây chấn động dư luận thời điểm cuối năm 2016.

Sáng nay 12/9, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét xử các bị cáo trong vụ án cháy quán karaoke ở đường Trần Thái Tông làm 13 người chết.

Các bị cáo trong vụ án là: Nguyễn Diệu Linh (SN 1986, trú phường Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội, chủ quán karaoke 68 Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội); Hoàng Văn Tuấn (SN 1993, trú tại phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) - thợ hàn trực tiếp gây ra vụ cháy trong quá trình hàn cắt bỏ bản lề cửa phòng hát và Lê Thị Thì (tức Lê Thị Thanh, SN 1962, trú tại phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội), chủ sử dụng lao động đối với Tuấn.

Trước đó, phiên tòa từng bị hoãn vào ngày 8/8/2018 vì bị cáo Nguyễn Diệu Linh (SN 1986, chủ quán karaoke 68 Trần Thái Tông) có đơn xin vắng mặt với lý do con bị ốm (bị cáo đang tại ngoại) và người nhà của 13 nạn nhân đã đề nghị HĐXX hoãn.

Đây được xem là vụ án đặc biệt nghiêm trọng vì số người tử vong lên tới con số 13, gây chấn động dư luận thời điểm cuối năm 2016.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Ngay sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, do không đồng tình với nội dung bản án sơ thẩm, đại diện hợp pháp của các bị hại đã có đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án hình sự sơ thẩm số 107/HSST của TAND TP Hà Nội.

Đại diện cho các bị hại đã thiệt mạng đề nghị Tòa cấp phúc thẩm làm rõ vai trò, trách nhiệm của 3 người liên quan là Trịnh Hoàng Tiến, Nguyễn Hữu Long và Phạm Văn Thiên để không bỏ lọt tội phạm.

Trong vụ án này, Nguyễn Hữu Long được xác định là người đứng ra ký hợp đồng thuê người thi công cách âm, Phạm Văn Thiên (người được thuê thi công phần cách âm), Trịnh Hoàng Tiến (chồng bị cáo Nguyễn Diệu Linh) chỉ đạo Hoàng Văn Tuấn (thợ hàn) thi công không đúng thiết kế.

Đồng thời, đại diện hợp pháp của các bị hại cũng đề nghị tăng mức hình phạt với bị cáo Nguyễn Diệu Linh vì họ cho rằng, mức án đối với Linh là chưa thích đáng.

Cùng với đó, 3 bị cáo là Nguyễn Diệu Linh, Lê Thị Thì, Hoàng Văn Tuấn cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Theo nội dung truy tố, Ngôi nhà 68 Trần Thái Tông có 9 tầng, 1 tum, được Nguyễn Diệu Linh (SN 1986, trú tại Hà Đông, Hà Nội) thuê mở quán karaoke. Linh đã thuê nhiều người đến để sửa chữa, nâng cấp quán.

Sáng 1/11/2016, Trương Văn Tuyên - một người trong nhóm thợ thi công phần vách, tường cách âm - đã tự tìm Lê Thị Thì (SN 1962, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) để thỏa thuận làm khung sắt tại khu vực trần, nhằm lấy điểm ốp gỗ.

Vụ cháy gây chấn động dư luận vào cuối năm 2016.

Khoảng 13h30 cùng ngày, Lê Thị Thì dẫn Hoàng Văn Tuấn (SN 1993) và một nhân viên khác tên Viện mang theo máy hàn điện, máy cắt sắt đến quán thực hiện việc hàn cắt, trong khi cả Tuấn và Viện đều không được đào tạo, cấp chứng chỉ về hàn điện.

Mặc dù quán đang sửa chữa, chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, chưa được cấp giấy phép kinh doanh, nhưng Linh vẫn chỉ đạo nhân viên quản lý quán cho 2 nhóm khách vào hát.

Lê Thị Thì chỉ đạo Hoàng Văn Tuấn dùng máy hàn, máy cắt điện thổi lửa vào bản lề cửa ra vào tầng 2 để cắt bản lề. Trong khi thực hiện không có dụng cụ che chắn, đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy nên lửa bén vào vách phòng gây cháy, hậu quả làm 13 khách đến hát karaoke tử vong.

Ngoài ra vụ cháy còn gây thiệt hại toàn bộ tài sản trong quán karaoke, gồm 11 xe máy, 1 xe đạp điện, đồng thời làm cháy lan sang các nhà số 70, 72, 74 và khách sạn Yến Hotel 66…

Hành vi của Nguyễn Diệu Linh đã vi phạm Điều 17 Nghị định số 46 ngày 22/5/2012 của Chính phủ, vi phạm Thông tư 47/2015 ngày 6/10/2015 của Bộ Công an và Nghị định 79/2014 ngày 31/7/2014 của Chính phủ xác định quán karaoke thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ.

Trong khi việc sửa chữa, lắp đặt quán karaoke vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, hệ thống phòng cháy, chữa cháy chưa được nghiệm thu, chiều 1/11/2016, Nguyễn Diệu Linh vẫn chỉ đạo nhân viên quản lý cho 2 tốp khách vào hát. Hành vi này đã vi phạm khoản 6 Điều 13, khoản 1 Điều 16 Luật Phòng cháy chữa cháy năm 2013: đưa vào sử dụng công trình có nguy hiểm về cháy nổ khi chưa đủ điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC…

 

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM