Đào tạo ‘chui’ hơn 3.000 sinh viên: Đại học KD&CN Hà Nội lấy tiền đâu để trả lại học phí?

23/09/2020 11:20

Kinhte&Xahoi Đây là nội dung được đông đảo sinh viên quan tâm khi Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội bị Bộ GD&ĐT "tuýt còi" vì tuyển sinh chui.

Đào tạo chui hơn 3.000 sinh viên

Thời gian vừa qua cả nước đang xôn xao trước thông tin Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội xin đào tạo các ngành y, dược.  Trong khi khối nghành sức khỏe này đã rất nổi tiếng với các trường Đại học Y, Dược,...

Mặc dù mới "chân ướt chân ráo" bước vào việc đào tạo các ngành y, dược nhưng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã đào tạo "chui" hàng nghìn sinh viên ngành Dược học.

Chính việc làm này đã bị Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) yêu cầu trường phải dừng ngay việc đào tạo này.

Được biết, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là đơn vị trực thuộc Hội Khoa học kinh tế Việt Nam.

Khi 3.000 sinh viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đào tạo ‘chui’ khi chưa đủ điều kiện tổ chức đào tạo liên thông nghành Dược học. Vậy ai là người đã phát hiện ra và can ngăn Ban lãnh đạo nhà trường phải dừng ngay?

Theo nguồn tin riêng của Pháp luật Plus: Một lãnh đạo khoa tên H. sau khi đã phát hiện ra những sai phạm trong đào tạo liên thông nghành Dược học, bà H. đã báo cáo với Ban giám hiệu nhà trường. Do lãnh đạo nhà trường không đưa ra được ý kiến đồng nhất cùng với đó bà H chịu áp lực từ nhiều phía vì thế bà H đã chủ động xin thôi không giữ chức Chủ nhiệm Khoa.

Theo số liệu cập nhật đến ngày 14/9/2020 mà Pháp luật Plus có được, trong tổng số 3.069 sinh viên trúng tuyển vào hệ liên thông nghành Dược học thì có 838 sinh viên thôi học yêu cầu trả lại tiền học phí và lệ phí theo công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT). Số sinh viên còn đề nghị tiếp tục học (trong đó chỉ có 326 sinh viên có chứng chỉ hành nghề theo yêu cầu Bộ GD&ĐT).

Khi Bộ GD&ĐT yêu cầu dừng việc đào tạo, trong sức ép của rất nhiều sinh viên và các trạm đào tạo từ xa mong muốn trường tiếp tục học, nhà trường đứng trước hai lựa chọn tiếp tục hoặc dừng theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Lấy tiền đâu để trả sinh viên?

Mới đây phát biểu trên báo chí ông Vũ Văn Hóa – Phó hiệu trưởng, kiêm Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng:” Trường sẵn sàng trả lại tiền học phí và tiền lệ phí cho sinh viên”.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là nhà trường lấy tiền đâu để trả tiền học phí và lệ phí cho học viên trong khi một phần đã trả cho các đơn vị liên kết khác. 

Để khách quan thông tin đến bạn đọc Phóng viên đã liên hệ qua điện thoại với ông Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng, kiêm Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ông Hoá cho biết: “Tiền ấy cô (PV) không phải hỏi, tiền của nhà trường chúng tôi không đủ để trả cái đó sao và chúng tôi trả như thế nào cô không cần phải hỏi”.

Tại một diễn biến có liên quan của sự việc này Phóng viên Pháp luật Plus đã liên hệ tới Trường Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội một trong 20 trạm liên kết đào tạo liên thông nghành Dược với Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Khi được hỏi về việc trả lại kinh phí cho Trường Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thì lãnh đạo trường này cho biết: "Sẽ ngồi các bên rà soát lại số lượng học viên, không thể trả lại số tiền đó...".

Trong nỗi âu lo của hàng ngàn sinh viên khi họ dành tâm sức và hi vọng vào ngành đào tạo mà mình theo đuổi, và nay khi nghe Bộ GD&ĐT yêu cầu nhà trường dừng đào tạo họ như chết lặng. Niềm tin đã bị đặt nhầm chỗ, sự tức giận đã lên đỉnh điểm. Giải pháp nào dành cho lãnh đạo trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khi tiếp tục đào tạo thì vi phạm, dừng đào tạo thì bị hàng ngàn sinh viên phản ứng, đòi quyền lợi.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

 Đào Xuân - Huy Ngọc - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/dao-tao-chui-hon-3000-sinh-vien-dai-hoc-kdcn-ha-noi-lay-tien-dau-de-tra-lai-hoc-phi-d135894.html