Để người dân "đánh thức" di sản...

26/11/2023 08:32

Kinhte&Xahoi Di sản văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc xác định bản sắc văn hóa và lịch sử của mỗi cộng đồng. Trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Nhân dân không chỉ là những người chứng kiến mà cần phải là chủ thể tích cực trong việc “đánh thức” di sản.

Bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên cần phải đặt người dân là chủ thể. (Nguồn: UBND tỉnh Gia Lai)

Vì sao “chủ thể” lại thờ ơ với di sản?

Trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản, Nhân dân chính là nhân tố quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, đó đây, thực trạng người dân thờ ơ với di sản vẫn diễn ra. Nhiều di tích, di sản hiện “sống trong dân”, như các miếu, đình, chùa... cổ, nhưng người dân để mặc cho di sản hoang phế, sụp đổ. Thậm chí, có trường hợp chính người dân trong khu vực đã góp phần gây hư hại cho di sản bằng cách xâm hại, đánh cắp, lấn chiếm không gian di sản.

Cạnh đó, nhiều di sản phi vật thể từng là các giá trị văn hóa - tinh thần lớn lao trong cộng đồng nhưng dần dà lại bị chính cộng đồng đó chối bỏ, lãng quên. Như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, nhưng bản thân nhiều người dân trong cộng đồng dân tộc thiểu số Tây Nguyên lại quay lưng với những nghi lễ thiêng liêng liên quan đến cồng chiêng, nạn buôn bán cồng chiêng khiến di sản “chảy máu” vẫn diễn ra. Nhiều thôn, bản có truyền thống nghề thủ công từ ngàn đời, nhưng con em, người dân của tộc người lại không thích tiếp nối truyền thống làng nghề của cha ông, lựa chọn sử dụng những sản phẩm công nghiệp trong đời sống, khiến nghề truyền thống bị mai một...

Chính sự thờ ơ, thiếu gìn giữ của người dân đã dẫn đến việc di sản, di tích nhiều nơi trở thành “phế tích”, dần biến mất trong cộng đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, thì điều này không phải lỗi ở người dân mà bởi cách làm, cách bảo tồn của chúng ta chưa được hợp lý. Nhiều nơi, việc quản lý, giữ gìn di sản hoàn toàn thuộc về cơ quan quản lý, vì thế tạo sự ỷ lại trong người dân, coi đó là “chuyện của chính quyền” nên thờ ơ, bỏ mặc di sản.

Việc phục dựng, tái hiện các lễ hội hay nghi thức truyền thống là một trong những cách thức hữu hiệu để bảo tồn cũng như quảng bá văn hóa. Một số nơi, chính quyền địa phương cũng như các tổ chức văn hóa đã thực hiện những chương trình tái hiện lễ hội hay không gian văn hóa với quy mô lớn nhằm thu hút người dân tham gia, góp phần quảng bá, gìn giữ và phát huy di sản. Tuy nhiên, chính bản thân người dân trong cộng đồng lại không hề quan tâm đến các lễ hội tổ chức cho cộng đồng họ. Nhiều lễ hội, người dân tham gia với tư cách “khách mời”, chỉ đến để xem trình diễn chứ không mặn mà gì với các lễ hội.

Nguyên nhân được cắt nghĩa là bởi các hình thức phục dựng nói trên “chưa tới”, có nghĩa là chưa thực sự đúng chuẩn với không gian văn hóa, đến lễ hội truyền thống của cộng đồng. Một lý do khác là những người phục dựng còn “đặt” cộng đồng ở ngoài cuộc, họ không được “làm chủ”, được tham gia từ đầu và cũng không phải là nhân tố chính của không gian văn hóa hoặc lễ hội ấy, nên không coi đó như là “của mình” để mà gìn giữ.

Tại một hội thảo về văn hóa, Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Thanh đã đưa ra một ví dụ để minh chứng cho điều này. Ở Quảng Nam, trước đây chính quyền các cấp tổ chức phục dựng hơn 160 nhà Gươl cho đồng bào dân tộc Cơ Tu, trong số đó đa phần được làm bằng hình thức bê-tông hóa, giả gỗ.

Để rồi những nhà Gươl do chính quyền dựng ra hầu hết không thu hút được người dân đến tham dự, sinh hoạt, dù các bản làng vẫn đang có nhu cầu cấp bách về địa điểm sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng. Nguyên nhân là vì đối với họ, đây không phải những không gian thiêng. Theo Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Thanh, một không gian thiêng thật sự của cộng đồng Cơ Tu không chỉ nằm ở hình thức, mà ở cả một quá trình xây dựng, người dân phải tham gia, phải chọn vật liệu đúng, có nghi lễ thực hiện... thì mới nhận được sự “phù hộ” của thần linh.

Trong quá trình bảo tồn di sản, những người thực hiện đã gặp không ít “cú vấp” như thế, đó là bài học kinh nghiệm để đời cho thấy rằng, phải để người dân, cộng đồng thực sự làm chủ trong việc “đánh thức” di sản thì hoạt động bảo tồn mới phát huy được hiệu quả.

Để người dân thực sự làm chủ thể

Làng di sản Gò Cỏ được “tái sinh” nhờ người dân trong vùng. (Nguồn: Quảng Ngãi TV)

Người dân, như những người kế thừa trực tiếp của nền văn hóa, đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và truyền đạt các giá trị văn hóa truyền thống qua các thế hệ. Cơ quan quản lý không thể một mình quản lý, bảo tồn di sản mà không có sự góp sức một cách tự nguyện của người dân. Quan trọng hơn, di sản một khi được bảo tồn mà không gắn với cộng đồng địa phương, đó chỉ là cách bảo tồn “trưng bày”, không đem lại cho di sản sự sống động và sức sống chân thực. Chính vì thế, các tổ chức xã hội và chính quyền địa phương cần mở rộng cánh cửa để tạo điều kiện cho người dân tham gia vào các dự án bảo tồn di sản. Thực tế cho thấy, khi người dân đã hiểu được giá trị di sản mình sở hữu, họ sẽ yêu mến và nỗ lực hết mình bảo vệ những di sản đó.

Như câu chuyện về “làng di sản Gò Cỏ”. Gò Cỏ là một ngôi làng cổ thuộc phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi. Nơi đây là không gian sinh sống của người Sa Huỳnh từ 2.000 năm trước, với vẻ đẹp hoang sơ, với những bờ đá, giếng cổ… Năm 2017, đoàn khảo sát do các chuyên gia trong và ngoài nước đến để xây dựng không gian văn hóa Sa Huỳnh trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới thì bất ngờ phát hiện làng Gò Cỏ và thực sự kinh ngạc vì một ngôi làng nhỏ mà chứa quá nhiều di tích. Các chuyên gia kết luận khu vực làng Gò Cỏ, đầm An Khê là vùng lõi của văn hóa Sa Huỳnh và tiếp nối là văn hóa Champa với hàng loạt di tích như đường đá, giếng Chăm, bia ký Chăm, tường đá, tháp Chăm, hệ thống thủy lợi bằng đá được xếp vô cùng công phu... Dưới đáy đầm An Khê còn có một cây cầu đá Champa xây dựng dang dở.

Và các nỗ lực để ngôi làng “sống dậy” được thực hiện, mà bắt đầu từ việc đưa người dân tham gia trực tiếp vào qua trình tái sinh làng cổ. Năm 2018, người dân làng Gò Cỏ đã tới Cù Lao Chàm (Quảng Nam) học làm du lịch cộng đồng. Đến tháng 4/2019, Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ được thành lập. Đến nay, Hợp tác xã xây dựng được 15 homestay đủ điều kiện đón khách lưu trú, 5 thuyền nan phục vụ khách tham quan trên biển gần bờ, 5 hướng dẫn viên đã qua đào tạo, 8 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống.Người dân tại đây dù tham gia phát triển du lịch cộng đồng nhưng rất có ý thức bảo vệ làng cổ. Họ giữ gìn nếp nhà, các phong tục truyền thống và bảo vệ những con đường đá, giếng cổ của làng. Những homestay cũng được thiết kế và đặt tên dân dã, gắn bó với di sản của làng như: Giếng Cổ homestay, Bài Chòi homestay, Nhà Tranh homestay... Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ cũng luôn đồng hành cùng các hộ dân để phát triển mô hình du lịch không rác thải, đồng thời giữ gìn và bảo vệ sự nguyên sơ vốn có của ngôi làng.

Hay như thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có nhiều di tích lịch sử có giá trị văn hóa với sáu cụm, 18 di tích được xếp hạng. Sau một thời gian loay hoay chưa tìm được cách bảo tồn di sản hiệu quả, giờ đây chính quyền địa phương đã quyết định để người dân trở thành chủ thể, tham gia chủ động vào việc bảo tồn di sản. Hiện nay, việc thực hiện các nghi thức cổ truyền đều đề cao vai trò các cụ cao niên trong Ban nghi lễ. Các cụ còn là người nhiệt tình truyền dạy cho con em các nghi thức của nghi lễ, nhạc lễ. Các trường ở An Khê còn đưa môn võ cổ truyền vào chương trình thể dục. Trong lễ giao quân mùa nhập ngũ, các tân binh được đưa đến An Khê trường, nơi xưa kia là điểm xuất quân của đội quân Tây Sơn thần tốc trong chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi - Đống Đa. Trong công tác bảo tồn các di chỉ của các điểm khảo cổ, chính quyền thường xuyên tổ chức cho người dân vùng lõi di sản tham gia vào các hoạt động khảo cổ cùng chuyên gia, được cùng học hỏi, thảo luận, bàn bạc các giải pháp để bảo vệ, giữ gìn di sản. Cách làm rất thực tế này đã giúp cho di sản trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần người dân nơi đây.

Cần khẳng định, người dân không chỉ là những người bảo tồn di sản cho thế hệ hiện tại mà còn là những người tạo năng lượng cho tương lai. Qua việc truyền đạt giá trị, kiến thức và lòng yêu thương di sản, họ là những nhân tố quyết định để di sản không chỉ tồn tại mà còn phát triển, đồng hành cùng thời gian. Điều quan trọng là làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho Nhân dân phát huy vai trò “chủ thể” của mình.

Ngọc Mai - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/de-nguoi-dan-danh-thuc-di-san-d201318.html