Cảnh báo lừa đảo.
Cụ thể, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc khẩn cấp cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu Việt tuyệt đối tránh giao dịch với đối tượng nhập khẩu lừa đảo có tên trực tiếp giao dịch là Khalid, tên công ty KN Universe Plastic (địa chỉ Kasbat Amine 2 gh 06 ent 01 apt 13 Lissasfa Casablanca, Maroc). Điện thoại di động/whatsap: +212661607818.
KN Universe Plastic là tên mới thay đổi của Công ty Fisherlab Sarl, có tiền sử lừa đảo doanh nghiệp Việt Nam mà Thương vụ Maroc đã cảnh báo tới cộng đồng doanh nghiệp trong nước vào đầu tháng 4-2020.
Thủ đoạn trước đây của đối tượng Khalid và Công ty Fisherlab Sarl là ký hợp đồng nhập khẩu 1-2 lần đầu với số lượng ít, thanh toán đầy đủ để tạo niềm tin. Sau đó, đề nghị ký hợp đồng lớn và trở mặt với lý do chất lượng hàng không bảo đảm, đòi trả lại tiền, không hợp tác để xử lý lô hàng, thông đồng lấy trộm hàng, lảng tránh mọi liên hệ.
Mới đây, đối tượng nêu trên tiếp tục lừa đảo 1 doanh nghiệp xuất khẩu hàng nhựa nguyên liệu của Việt Nam với thủ đoạn mới. Cụ thể là cho doanh nghiệp xuất khẩu biết có người nhà bị Covid-19 nên sẽ thanh toán sau để câu giờ, đồng thời cấu kết với các đối tượng có liên quan thông quan lô hàng, nhưng không thanh toán, lảng tránh mọi liên hệ.
Ngay khi nhận được thông tin, ngày 3-3, Thương vụ Việt Nam tại Maroc đã cùng doanh nghiệp trao đổi, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm xử lý vụ việc và hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, theo thông tin từ hãng tàu, đối tượng Khalid và KN Universe Plastic đã thông quan trộm lô hàng từ ngày 29-1-2022.
Xét thấy đây là trường hợp nghiêm trọng, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nhất là hiệp hội nhựa và các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nhựa, biết và không giao dịch với công ty nêu trên để tránh những thiệt hại.
Để tránh rủi ro và hạn chế những trường hợp lừa đảo, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc khuyến nghị, doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường này, cần tìm hiểu đầy đủ thông tin nhà nhập khẩu trước khi tiến hành giao dịch, bên cạnh các biện pháp giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu sang Benin và một số địa bàn Bắc Phi, Tây Phi như: Cọc cao, xuất CIF (tiền hàng, bảo hiểm, cước phí), ghi tên bên xuất khẩu trên bill gốc, lưu ý về ngân hàng, phương thức thanh toán, hợp đồng giao nhận, hợp đồng qua trung gian…
Trước đó, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc, kiêm nhiệm Benin đã có thông báo, hiện nay, có 1 công ty của Việt Nam đã gặp trục trặc do bán 2 container nước tăng lực nhãn hiệu Buffalo Jungle cho Công ty Hi-Profile International General Trading Co có trụ sở tại Dubai do ông Khalifa (người Benin) làm giám đốc. Tuy nhiên, ông này đã có biểu hiện không uy tín trong giao dịch nhập khẩu, trốn tránh trách nhiệm thanh toán theo hợp đồng đã ký kết. Hàng đến cảng Cotonou, chịu chi phí kho bãi, trong khi đó doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam không thể liên hệ được với ông Khalifa, người trực tiếp thương thảo, ký hợp đồng, chuyển cọc từ Dubai.
Lam Giang - Hà Nội mới