Đối thoại với dân bất thành, Chủ tịch Bình Định dừng dự án thông đường ra biển

05/11/2019 10:32

Kinhte&Xahoi Trước phản đối của người dân với dự án đường Lê Hồng Phong nối dài và việc nhiều người bỏ về giữa chừng trong buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu tạm dừng dự án để lấy ý kiến của người dân khu vực chịu ảnh hưởng.

Tạm dừng dự án vì dân phản đối

Chiều 4/11, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chủ trì buổi đối thoại với người dân bị ảnh hưởng bởi giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường Lê Hồng Phong nối dài.

Nhiều người dân cho rằng, việc triển khai dự án đường Lê Hồng Phong nối dài làm đảo lộn cuộc sống, mất quyền lợi của họ.

Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đưa ra 3 phương án đối với công tác GPMB để triển khai dự án này nhằm lấy ý kiến rộng rãi từ phía người dân.

Thứ nhất, bồi thường cho người dân theo tiêu chí là thu hồi đất từ trong hẻm, khi đến chỗ ở mới (Khu tái định cư tại Dự án đô thị Thương mại Bắc sông Hà Thanh) sẽ được bố trí đất mặt đường rộng 20m, đất đổi đất, nhà cũ đền bù nhà mới, không thiếu 1m2 nào cả.

Phương án 2 là định giá đất để đền bù theo giá thị trường, nếu người dân muốn qua khu nhà nước quy hoạch thì tham gia đấu giá. Nghĩa là cho người dân xem xét lựa chọn theo hướng Nhà nước bồi thường vật kiến trúc, đất đai theo giá thị trường, các hộ tự giải quyết chỗ ở.

Phương án cuối cùng, nếu người dân không đồng ý thì dừng dự án, bà con cứ ở như nguyên trạng khi nào đồng thuận thì Nhà nước mới làm tiếp.


Buổi đối thoại bất thành vì nhiều người dân bỏ về giữa chừng.

Tuy nhiên, buổi đối thoại vấp phải sự phản đối của đa số người dân, đặc biệt nhiều người dân bỏ về giữa chừng buổi đối thoại.

Trước sự phản đối của người dân, vị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết sẽ tạm dừng dự án đường Lê Hồng Phong nối dài. Tỉnh sẽ tổ chức lấy ý kiến lại của người dân vùng dự án, sau đó có phương án triển khai cụ thể.

Dân đưa ra “yêu sách”
 
Theo ý kiến của đại diện tập thể người dân hẻm 147 Nguyễn Huệ (TP Quy Nhơn), phần đất và nhà ở hiện nay của họ nằm ngoài phạm vi lộ giới mở đường, không ảnh hưởng gì đến dự án mà vẫn bị thu hồi là điều vô lý, xâm hại đến quyền lợi chính đáng của người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu tạm dừng dự án đường Lê Hồng Phong nối dài để lấy ý kiến của người dân khu vực chịu ảnh hưởng.

“Chúng tôi cư trú lâu đời ở đây, cuộc sống gắn với biển. Giờ di dời đến nơi khác sẽ mất kế sinh nhai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, việc học hành của con cái chúng tôi sẽ bị đảo lộn. Hơn nữa đất chúng tôi đang ở hiện nay nằm ở trung tâm thành phố, sau khi thu hồi sẽ đưa chúng tôi ra ngoại thành để ở, việc này gây bất lợi và ảnh hưởng đến kinh tế của chúng tôi”, vị đại diện cho biết.

Một số hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án thì cho rằng, sau khi thu hồi đất của dân lại đưa dân nơi khác đến ở và bán cho người khác là trái quy định pháp luật.

Ngoài ra, trước khi triển khai dự án, các cấp thẩm quyền không tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư là trái quy định.

Người dân cũng đưa ra yêu sách, nếu phải di dời chỗ ở thì chỗ ở mới phải bằng hoặc tốt hơn và thuận lợi hơn chỗ cũ.

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Mọi dự án của Nhà nước đều mang đến lợi ích cho người dân và đều tính toán kỹ lưỡng trước khi triển khai. Dự án đường Lê Hồng Phong nối dài cũng nằm trong ý nghĩa đó”.

Theo ông Dũng, đây là dự án quy hoạch chỉnh trang đô thị quan trọng nhằm thực hiện quy hoạch chung xây dựng TP Quy Nhơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/4/2015. Đồng thời, thông tuyến đường Lê Hồng Phong để phục vụ cho phát triển du lịch địa phương.

Để phục vụ triển khai dự án, trước đó UBND tỉnh cũng đã yêu cầu UBND TP Quy Nhơn và UBND phường Trần Phú cùng các ban, ngành, đoàn thể thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đồng thuận, chấp hành thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt.

“Hiện tại, TP Quy Nhơn đã quy hoạch nhiều tuyến đường thông ra biển nhằm quy hoạch hạ tầng chung khu vực thành phố và phát triển kinh tế địa phương. Việc người dân không đồng tình, chúng tôi sẽ cho lấy ý kiến lại trước khi triển khai”, ông Dũng cho hay.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bi kịch gia đình từ người đàn bà nhiều lần “ăn trái cấm”

Biết vợ hai lần “ăn trái cấm” và sinh ra hai người con, Duy vẫn tha thứ và muốn níu kéo tình cảm với vợ chồng. Ở phía bên kia, người vợ không đồng ý và nhất quyết đòi ly hôn. Trong phút giây cạn nghĩ, Duy đã nhẫn tâm ra tay sát hại hai đứa trẻ vô tội.

Nguồn: Dân Trí/ Pháp luật Plus