Đổi tiền lẻ dịp Tết - cẩn thận tiền mất tật mang

07/01/2022 16:59

Kinhte&Xahoi Đó là một trong những chỉ đạo nổi bật của Thủ tướng trong dịp Tết Nguyên đán 2022 để bảo đảm người dân đón Xuân vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Xử lý nghiêm vi phạm trong dịch vụ đổi tiền lẻ

 Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 35/CT-TTG ngày 31/12/2021 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Theo đó, tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương: Chủ động lượng tiền cung ứng, bảo đảm nhu cầu chi trả, thanh toán dịp cuối năm và yêu cầu kiểm soát lạm phát; Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.

Thực tế, mỗi dịp Tết đến Xuân về, thị trường đổi tiền lẻ, tiền mới lại được dịp “nóng lên”. Nhiều đối tượng lợi dụng nhu cầu của người dân nên đã hét phí đổi tiền lẻ cao ngất ngưởng, thậm chí còn tung nhiều “bẫy” để bắt “con mồi”.

Ảnh minh họa

Theo pháp luật hiện hành, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch là hành vi trái pháp luật. Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định hành vi này sẽ bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 20 triệu đồng.

Cụ thể, điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 96/2014/NĐ-CP có nêu: Phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt này áp dụng cho các cá nhân vi phạm; tổ chức vi phạm bị phạt gấp 2 lần. Vì lợi nhuận, nhiều đối tượng vẫn bất chấp pháp luật để “hét phí” đổi tiền lẻ.

Trên mạng xã hội Facebook, hoạt động này lại càng sôi động hơn với đủ mọi phương thức. Chỉ cần 1 cú nhấp chuột và đánh từ khóa “đổi tiền mới”, ngay lập tức hiện lên hàng trăm trang đổi tiền lẻ, với các tên như: “Đổi tiền mới nguyên series”, “Dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới”, “Đổi tiền lì xì Tết phí chỉ 3%”, “Đổi tiền mới phí rẻ”… Hoặc lên google seach từ khóa “đổi tiền lẻ” thì chỉ trong 0,47s đã có trên 37 triệu kết quả liên quan.

Theo quảng cáo của giới "buôn tiền", khách chỉ cần báo số lượng, muốn đổi bao nhiêu cũng có. Hơn nữa, "thượng đế" chỉ cần ngồi ở nhà, bấm điện thoại là nhân viên sẽ đến tận nơi đổi trả, phục vụ tận tình.

Một trang thương mại điện tử công khai giá đổi tiền lẻ mới chênh 8%

Theo ghi nhận, phí đổi tiền lẻ sẽ phụ thuộc vào từng mệnh giá. Như các loại tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng mức phí sẽ dao động từ 13 - 15%, loại 10.000 đồng, 20.000 đồng là 6 - 8%, còn với 50.000 đồng, 100.000 đồng thì chịu phí 3 - 5%.

Cũng do tiền mới khan hiếm, nên một số địa chỉ nhận đổi cả “tiền lướt” với độ mới đạt 80-90%; Đổi loại tiền này mức phí thấp hơn tiền mới 2-3%.

"Tiền lướt đa phần đến từ nguồn phúng, viếng của người dân ở các đền, miếu, đình, chùa, sau đó có dịp quay ngược ra thị trường", một người đổi tiền nhiều năm ở quận Hà Đông (Hà Nội) tiết lộ.

Được biết, đây là năm thứ 9 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước chủ trương không phát hành tiền lẻ mới vào dịp Tết.

Cận thận đổi tiền mắc “bẫy”

 Người dân đi đổi tiền dịp này có thể đối mặt với hàng loạt rủi ro như bị đổi thiếu tiền, sử dụng tiền bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc hay thậm chí là tiền giả.

Từ khoá "đổi tiền lẻ" trả về hàng chục triệu kết quả trong chưa đến 0.5s

Thường thì đổi tiền xong, người dân không kiểm tra được bởi những đối tượng đổi tiền chỉ biết trên mạng, thậm chí không có tổ chức, trụ sở rõ ràng. Bởi vậy, đổi trúng tiền giả thì người dân còn gặp rủi ro khi phải chứng minh nguồn gốc tiền đó từ đâu mà có.

Nhiều quản trị viên các nhóm mạng xã hội chia sẻ, hành động quảng cáo, chèo kéo mua hàng của những người bán tiền giả cũng khá tinh vi. Khi đăng bài lên, bị admin tháo xuống, họ đăng quảng cáo trong các phần bình luận, gửi hàng loạt cho các thành viên trong nhóm để “chào hàng”.

Thời điểm gần Tết, hoạt động mua bán tấp nập, sôi nổi, tiền giả sẽ nhân cơ hội đó để tuồn vào thị trường. Thiết nghĩ, ngoài việc truy quét gắt gao từ phía cơ quan chức năng để tiền giả từ trên mạng không tuồn ra ngoài thị trường thì người dân cũng cần cẩn thận khi giao dịch để tránh “tiền thật mất, tiền giả mang”.

 Hoa Thành - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/doi-tien-le-dip-tet-can-than-tien-mat-tat-mang-187470.html