Đón năm mới 2019, lương tối thiểu chính thức tăng từ 160.000 - 200.000 đồng

02/01/2019 09:25

Kinhte&Xahoi Nghị định 157/2018/NĐ- CP quy định điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2019 bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay (1/1/2019). Mức lương tối thiểu trên 4 vùng lương sẽ được tăng thêm tăng từ 160.000 - 200.000 đồng so với mức của năm 2018.

Theo đó, mức lương tối thiểu áp dụng trên 4 vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ ngày 1/1/2019, như sau:

Mức 4.180.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I. (Tăng thêm 200.000 đồng so với mức của năm 2018).

Mức 3.710.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II. (Tăng thêm 180.000 đồng so với mức của năm 2018).

Mức 3.250.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III. (Tăng thêm 160.000 đồng so với mức của năm 2018).

Mức 2.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV. (Tăng thêm 160.000 đồng so với mức của năm 2018).

Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 160.000-200.000 đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu trên 4 vùng lương sẽ được tăng thêm tăng từ 160.000 - 200.000 đồng so với mức của năm 2018.. Ảnh minh họa

 

Nghị định 157/2018/NĐ-CP cũng nêu rõ, địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.

Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.

Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.

Đối tượng điều chỉnh tăng lương tối thiểu từ 1/1/2019

Nghị định 157/2018/NĐ-CP quy định đối tượng điều chỉnh bao gồm: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động; doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).

 

Theo Dân trí/Phapluatplus


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cầu Giấy-Hà Nội: Thẩm mỹ NT Korea ngang nhiên mở phòng phẫu thuật khi chưa được phép

Mặc dù cơ sở thẩm mỹ này chỉ được phép hoạt động với những dịch vụ làm đẹp không xâm lấn, thế nhưng cơ sở này vẫn ngang nhiên quảng cáo các dịch vụ đại phẫu như nâng ngực, hút mỡ…Đáng nói cơ sở này còn lắp đặt trái phép một phòng phẫu thuật ngay tại cơ sở thẩm mỹ. Lạ lùng là sau nhiều lần cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra lại không hề phát hiện những vi phạm nói trên.