Dồn tiền vào sàn ảo - nhà đầu tư biến thành con nợ

15/05/2021 10:58

Kinhte&Xahoi Thông qua các sàn tiền ảo với những lời quảng cáo hấp dẫn sinh lời khủng, thu hồi vốn nhanh, kẻ lừa đảo đã khiến không ít người lao vào đầu tư như thiêu thân. Chỉ thời gian ngắn sau, cùng với sự biến mất của sàn ảo, một khoản nợ khổng lồ đã rơi xuống với những nhà đầu tư này.

Liên tiếp sập sàn ảo

 Điển hình gần đây nhất là sự đổ vỡ của sàn Coolcat app dưới mô hình “bảo hiểm vốn”. Sàn giao dịch này được quảng cáo là thực hiện các giao dịch vàng, USD, Bitcoin, giao dịch dự đoán giá ngắn hạn, kết quả giao dịch công khai, minh bạch. Phương thức giao dịch đơn giản, mỗi ngày nhà đầu tư sẽ bấm dự đoán giá vàng, ngoại tệ, tiền ảo, Bitcoin... lên hoặc xuống.

Nếu đoán đúng, nhà đầu tư nhận được 73% tiền thắng. Nếu sai, vốn của họ sẽ bị trừ tiền. Nhưng khi thua liên tiếp 6 lần thì nhà đầu tư phải dừng lại. Khi đó, Coolcat sẽ tiếp tục thắp lên “hy vọng” cho nhà đầu tư khi đưa ra các cá nhân được gọi là “chuyên gia” những người này sẽ tham gia "đánh hộ" ván 7 với cam kết thắng 80 - 90% để bù lỗ. Nếu không, Coolcat sẽ đền 100% số tiền thua của 6 lần trước, tuy nhiên cho đến khi sàn sập thì vẫn chưa xuất hiện người chơi nào được đền bù như cam kết.

Tới ngày 16/4, Coolcat đã chính thức sập sàn khiến các nhà đầu tư không kịp rút vốn và rơi vào cảnh trắng tay. Ngày 6/5, Phòng cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP Hồ Chí Minh đã chính thức thụ lý điều tra vụ "sập sàn giao dịch Coolcat".

 Giao dịch trên các sàn tiền ảo tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị lừa đảo. Ảnh: Công Hùng

Đến nay, Công an TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận cả nghìn đơn tố cáo liên quan vụ sập sàn giao dịch Coolcat với dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tổng tài sản ước lượng lên đến hàng trăm tỷ đồng. Rất nhiều người bán đất, vay nợ, đầu tư vào Coolcat hàng trăm triệu đồng/người, chưa kịp thu lãi đã sập app, không thể truy cập, kéo theo số tiền đầu tư.

Không chỉ có Coolcat, sự biến mất đột ngột của sàn Busstrade mới đây cũng khiến nhiều nhà đầu tư ngậm trái đắng. Hiện đang có nhiều nhà đầu tư gửi đơn thư tố cáo đến cơ quan chức năng về việc bị chiếm đoạt tài sản do tham gia đầu tư tài chính trên sàn Busstrade.

Tương tự Coolcat, Busstrade là nền tảng giao dịch tiền ảo theo quyền chọn nhị phân cũng được giới thiệu là bảo hiểm 100% vốn và lợi nhuận lên tới 30%/tháng. Theo quảng cáo, sàn Busstrade còn có đội ngũ “chuyên gia” chuyên bắn lệnh, người chơi chỉ cần copy và làm theo, không cần có kiến thức tài chính.

Anh Trần Tùng, một nhà đầu tư tại Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, ban đầu chỉ bỏ vốn 2,4 triệu đồng, nhưng sau khi được nhận lãi 5 - 7%/tuần, thấy “lời” nên anh Tùng đã vay mượn người thân, bạn bè để nâng dần vốn lên 20.000 USD (trên 460 triệu đồng).

Trước khi sàn “sập”, tài khoản của anh Tùng hiển thị số tiền hơn 42.540 USD (trên 978 triệu đồng) bao gồm cả vốn lẫn lời nhưng đến ngày 7/5, website của sàn giao dịch Busstrade bất ngờ bị "sập", anh Tùng thành nhà đầu tư ngập trong đống nợ.

Là một biến thể khác của sàn tiền ảo, vào tháng 4/2021, một ứng dụng có tên Shopping Mall hứa hẹn tặng hoa hồng cao cũng đột ngột bị sập khiến hàng trăm người điêu đứng. Cụ thể, Shopping Mall yêu cầu thành viên tham gia nạp tiền vào để mua VIP mới có thể làm nhiệm vụ hoặc giới thiệu thành viên mới nhận hoa hồng. Số tiền nhỏ nhất để đầu tư là 300.000 đồng, lớn nhất lên đến 15 triệu để làm nhiệm vụ giật đơn ảo nhận tiền.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, trước Coolcat, Busstrade hay Shopping Mall đã có hàng loạt vụ lừa đảo trực tuyến với hình thức tương tự như xem video kiếm tiền, nộp tiền cho vay, gửi tiền lãi suất cao... Mặc dù thủ đoạn không quá mới mẻ, vẫn chủ yếu tập trung khai thác “lòng tham” của nhà đầu tư nhưng mỗi khi có một hình thức mới xuất hiện vẫn kéo theo không ít nạn nhân.

Theo ông Đinh Thế Hiển, nạn nhân của nhiều vụ lừa thường là những người đang bế tắc trong cuộc sống, trong làm ăn, không có niềm tin làm ăn dài hạn, muốn kiếm tiền nhanh. Các đối tượng tội phạm dùng các loại hình công nghệ để người dân tin rằng hoạt động của họ có thể sinh ra lời cao. Do ý thức được đây là hành vi phạm pháp nên tội phạm thường "lừa nhanh, rút lẹ" khi cơ quan chức năng chưa kịp vào cuộc. Và những người vào sau là những người trắng tay vì chưa kịp thu lời thì sàn ảo đã sập.

Đầu tư vào tiền ảo là bất hợp pháp

Có thể thấy, những lời cảnh báo liên tục đưa ra cho những người đầu tư về độ rủi ro lớn của các sàn tài chính "ma" nhưng tất cả cứ như "gió vào nhà trống". Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Duy Phương - Giám đốc quỹ đầu tư DG Investment, trên thực tế, số người chơi ngày càng tăng lên, số tiền các nạn nhân bị mất sau khi sàn ảo sập cũng tăng từ hàng tỷ đồng lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Không ai có thể hình dung được rồi đây sẽ có những hệ lụy nào xảy ra đối với những người chơi trắng tay và gia đình của họ. Nhưng những sàn giao dịch ma vẫn liên tục được cho ra đời, cái này mất lại xuất hiện cái khác một cách nhanh chóng, dễ dàng và bủa vây giăng bẫy các “con mồi” - ông Nguyễn Duy Phương cảnh báo.

Dẫn các quy định của pháp luật, Bộ Tài chính cho biết, theo các quy định pháp lý liên quan đến sàn giao dịch chứng khoán, hiện chỉ có Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán tại Việt Nam. Cũng theo pháp luật chứng khoán, tiền ảo không phải là một loại chứng khoán.

Hiện Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, đồng thời cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo.

Trước thực trạng xuất hiện nạn nhân "sập bẫy" sàn tài chính ảo, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tài sản ảo, tiền ảo, đồng thời tăng cường cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo bất hợp pháp.

Dưới khía cạnh pháp luật, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC cho biết, các hoạt động ngoại hối liên quan đến đầu tư, thanh toán xuất nhập khẩu; việc sử dụng ngoại hối và các giao dịch Forex diễn ra ở trong nước đã có những quy định cụ thể, chặt chẽ tại Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 và các quy định hướng dẫn chi tiết.

Các hoạt động đánh bạc (kinh doanh casino và đặt cược) ở trong nước cũng đã được quy định cụ thể tại Nghị định 03/2017/NĐ-CP và 06/2017/NĐ-CP. Giao dịch Forex và đánh bạc ngoài các quy định của pháp luật là bất hợp pháp.

Khi thấy có dấu hiệu tội phạm lừa đảo, người bị hại cần thiết phải thu thập các tài liệu chứng cứ liên quan đến vụ việc, làm đơn tố giác gửi cơ quan công an, đề nghị điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại.

Các dấu hiệu thường thấy của sàn ảo lừa đảo:

Hình ảnh nổi bật: Những thành viên cốt cán hoặc đã tham gia lâu tại các sàn này thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội với hình ảnh bóng bẩy, kèm siêu xe, biệt thự cũng như đưa ra các hình ảnh chứng minh mình thu nhập khủng từ sàn đang đầu tư.

Hứa hẹn lợi nhuận cao: Luôn đưa ra số lợi nhuận cực khủng dành cho người mới chơi, có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm phần trăm theo tháng hoặc theo tuần.

Ủy thác cho “chuyên gia” được các sàn dựng lên thay mặt nhà đầu tư tham gia đầu tư. Lựa chọn này thường được đưa ra khi nhà đầu tư băn khoăn về khả năng của mình, cùng với đó là cam kết sẽ hoàn trả lại tiền nếu thua lỗ.

Hình thức trả lãi không bằng tiền mặt mà thay vào đó là một dạng chứng khoán của dự án (hoặc công ty) hay một loại token, tiền điện tử cho dù nhà đầu tư tham gia bằng tiền thật. Số tiền ảo hoặc chứng khoán này không rút được hoặc chỉ được giao dịch trên sàn nội bộ do chính chủ dự án đặt ra.

Trả tiền lời bằng tiền thật theo cam kết nhưng ở mức luôn dưới tổng tiền nộp vào trước khi sàn… biến mất. Ví dụ, nhà đầu tư nộp 100 triệu đồng được hứa trả 10%/tháng nhưng chỉ nhận được khoản lãi này tới tháng thứ 7, tức mất 7 tháng tiền lãi. 

 Hà Thanh - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phòng khám Đa khoa quốc tế Thu Cúc bị xử phạt 20 triệu đồng

Chiều 14-5, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, Thanh tra Sở Y tế vừa ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty cổ phần y khoa và thẩm mỹ Thu Cúc số tiền 20 triệu đồng về 2 hành vi vi phạm.

Tiền ảo len lỏi showbiz Việt: Nguy hiểm khôn lường

Trào lưu tiền ảo có vẻ như đã len lỏi vào showbiz Việt. Nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng viết trên Facebook quảng cáo cho các loại tiền kỹ thuật số nhưng “vô tình” lại quảng bá cho các loại tiền ảo núp bóng đa cấp hết sức nguy hiểm.

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/don-tien-vao-san-ao-nha-dau-tu-bien-thanh-con-no-419388.html