Dự án Showroom Xuân Mầu biến thành bãi xe không phép

08/11/2018 15:24

Kinhte&Xahoi Chưa hoàn thành tất thủ tục pháp lý nhưng chủ Công ty TNHH Thương mại Xuân Mầu đã cho san lấp biến đất nông nghiệp thành bãi tập kết xe.

Ai làm ngơ cho sai phạm?

Theo tài liệu mà PV thu thập được, ngày 21/4/2017, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Vũ Đại Thắng ký quyết định số 535/QĐ-UBND quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng Showroom trưng bày, giới thiệu sản phẩm và xưởng dịch vụ sửa chữa ô tô của Công ty TNHH Thương mại Xuân Mầu (giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0700294059).

Theo quyết định trên, mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng Showroom trưng bày, giới thiệu sản phẩm và xưởng dịch vụ sửa chữa ô tô. Thế nhưng, việc Showroom bán xe chỉ là “phụ” với quy mô mua bán khoảng 34 xe ô tô các loại/năm còn chủ yếu là sửa chữa, bảo dưỡng với 480 lượt xe/năm và kinh doanh các thiết bị, phụ tùng 5000 sản phẩm/năm.

Địa điểm thực hiện dự án là tại địa bàn xã Duy Minh, huyện Duy Tiên với diện tích khu đất là 8391,6m2, trong đó diện tích đất xây dựng dự án chỉ có 4995m2, còn lại 3396,6m2 là diện tích đất làm đường theo quy hoạch. Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 12,9 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.

Mặc dù theo quyết định chủ trương đầu tư, về tiến độ thực hiện dự án, tháng 8/2018, đã phải hoàn thành đưa toàn bộ dự án vào hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, tới tháng 5/2018, UBND huyện Duy Tiên mới ban hành các quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án nói trên.

  • Xe từ khu vực đất dự án ngang nhiên đi ngược chiều trên Quốc lộ 1A (hình cắt từ clip).

Cụ thể, ngày 17/5/2018, Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên Phạm Hồng Thanh ký quyết định số 809/QĐ-UBND “thu hồi 135m2 đất lúa, do ông Trần Văn Thiện, thôn Ngọc Thị, xã Duy Minh, huyện Duy Tiên sử dụng”. Ngoài quyết định số 809 trên, cũng trong ngày 17/5, ông Thanh còn ký quyết định số 810/QĐ-UBND thu hồi 4860m2 đất lúa do UBND xã Duy Minh, quản lý sử dụng.

Ngày 17/10/2018, trao đổi với PV, ông Trần Nho Hợp – Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Duy Tiên xác nhận việc tới thời điểm trên, dự án chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Ngày 23/10, bà Nguyễn Thị Hường – Phó Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý Đất đai Hà Nam khẳng định: “Đối với dự án này, hiện nay, về thủ tục liên quan, sở (Sở TN&MT Hà Nam - PV) chưa nhận được hồ sơ xin thuê đất của chủ đầu tư”.

Ngày 7/11, đại diện Sở Xây dựng Hà Nam cho biết, sau khi tỉnh có quyết định chủ trương đầu tư, đến nay, Sở Xây dựng chưa nhận được bản vẽ thi công và cũng chưa cấp phép xây dựng.

Thế nhưng, theo nhiều hình ảnh và video clip mà phóng viên thu thập được thì từ khoảng tháng 4/2018, ông Hà Viết Xuân – người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp Xuân Mầu đã cho người tiến hành đổ hàng ngàn m3 đất, đá, tiến hành san gạt, xây tường bao, mương nước…

Việc làm trên có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quy trình đầu tư, quản lý đất đai cũng như điều kiện khởi công xây dựng theo quy định của Luật Xây Dựng.

  • Chưa được giao đất nhưng hàng ngàn m2 đất lúa đã bị biến thành bãi tập kết xe tải trọng lớn.


Đặc biệt, căn cứ theo quyết định thu hồi đất của UBND huyện Duy Tiên thì diện tích đất thu hồi đều là “đất lúa”. Đây là loại đất mà các quy định của pháp luật có “cơ chế” bảo vệ đặc thù, hạn chế chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp nếu không thật sự cần thiết. Việc doanh nghiệp tiến hành san lấp khi chưa được phép còn có nguy cơ làm biến dạng mặt bằng, vi phạm nguyên tắc quản lý, sử dụng đất.

Không dừng lại ở đó, có mặt ở vị trí lập dự án trong nhiều tuần, PV đều chứng kiến, nơi đây đã bị biến thành bãi tập kết của hàng chục xe siêu trường, siêu trọng, xe bồn, xe đầu kéo… Vị trí dự án còn nằm liền kề với trạm thu phí Nam Cầu Giẽ (Quốc lộ 1A). Đây vốn là trục giao thông huyết mạnh với lưu lượng xe lưu thông rất lớn, việc tồn tại không phép của một bãi xe đầu kéo đêm ngày ra vào đe dọa nghiêm trọng tới an toàn giao thông.

Trong clip mà chúng tôi ghi lại được, một xe đầu kéo chở vật liệu xây dựng đi từ khu vực dự án ra Quốc lộ 1A còn ngang nhiên đi ngược chiều. “Xe từ trong khu vực công ty Xuân Mầu làm dự án đi ra. Họ đi ngược chiều cả ngày lẫn đêm để trốn trạm thu phí nhưng với xe tải trọng như vậy lại đi ngược chiều mà xảy ra tai nạn thì không biết hậu quả sẽ khủng khiếp như thế nào”, một người dân cho hay.

Câu hỏi đặt ra là, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Nam, huyện Duy Tiên có biết trước việc làm trên không? Có hay không việc cấp có thẩm quyền làm ngơ cho sai phạm? Có dư luận cho rằng, mục đích của Cty Xuân Mầu lập dự án showroom chỉ là “phụ” còn nơi đây sẽ biến thành bãi đỗ xe “trung chuyển” trước khi vào Hà Nội. Đó là điều cần làm rõ?

Có dấu hiệu trái luật

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Hà Nam, dự án nói trên là do doanh nghiệp tự đề xuất. Bình luận về tính pháp lý trong hồ sơ thu hồi đất, luật sư Nguyễn Thị Hằng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: Việc UBND huyện Duy tiên ra quyết định thu hồi đất số 809/QĐ-UBND ngày 17/5/2018 với hộ gia đình ông Trần Văn Thiện là sai quy định pháp luật về đất đai.

“Theo quy định của Luật Đất đai, Cơ quan nhà nước chỉ thu hồi đất của người dân để thực hiện các dự án phục vụ lợi ích công cộng theo Điều 61, Điều 62 luật đất đai. Tuy nhiên dự án xây dựng showroom ô tô phục vụ lợi ích doanh nghiệp nên không thuộc các trường hợp nhà nước thu hồi đất mà phải thuộc trường hợp doanh nghiệp tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để có mặt bằng kinh doanh phục vụ lợi ích của doanh nghiệp theo điều 73 luật đất đai”, Luật sư Hằng cho hay.

Cũng liên quan đến việc triển khai giải phóng mặt bằng dự án, theo thông tin từ Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Duy Tiên, đơn vị này đã tuân thủ các quy định của pháp luật về quy trình niêm yết công khai, kiểm đếm, kiểm kê…Theo đó, trong phạm vi dự án có 1 UBND (xã Duy Minh) và 3 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có trường hợp hộ gia đình bà Tạ Thị Đạo (ở thôn Ngọc Thị, xã Duy Minh).

Điều mâu thuẫn là, không biết có phải do cán bộ tắc trách, lập khống hồ sơ hay việc kiểm đếm chỉ “làm phép” cho có trên giấy? Bởi lẽ, tại Phụ lục số 02 kiểm đếm chi tiết nhà cửa, vật liệu kiến trúc ghi tên, hạng mục và mô tả chi tiết hạng mục bị ảnh hưởng là của nhà bà Đạo nhưng chữ ký đại diện hộ bị ảnh hưởng thì lại là: “Thiện – Trần Văn Thiện”.

Sai lầm này không chỉ 1 lần mà còn lặp lại tài Phụ lục số 05 sơ họa mặt bằng hiện trạng tài sản trên đất cũng của hộ bà Tạ Thị Đạo nhưng chữ ký của cả chủ hộ và đại diện hộ bị ảnh hưởng thì cũng lại là: “Thiện – Trần Văn Thiện”.

Điều oái ăm lẫn khó hiểu này chắc chỉ có các cán bộ giải phóng mặt bằng dự án mới có thể lý giải?

Ngoài ra, cũng theo phân tích của luật sư Hằng, trong phạm vi triển khai dự án có tài sản của gia đình bà Đạo. Do đó, theo Điều 16 Nghị định 43/2014 quy định: 4. Trường hợp diện tích đất thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh có phần diện tích đất mà người đang sử dụng đất không có quyền chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì chủ đầu tư được phép thỏa thuận mua tài sản gắn liền với đất của người đang sử dụng đất, Nhà nước thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và cho chủ đầu tư thuê đất để thực hiện dự án. Nội dung hợp đồng mua bán tài sản gắn liền với đất phải thể hiện rõ người bán tài sản tự nguyện trả lại đất để Nhà nước thu hồi đất và cho người mua tài sản thuê đất.

Theo tìm hiểu của PV, cũng chính vì sự buông lỏng trong quản lý đất đai của chính quyền địa phương đã dẫn đến nhiều hộ dân tự ý lấn chiếm, biến đất nông nghiệp thành đất ở, xây nhà cao cửa rộng mà chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh.

 

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM