Đừng để lòng tốt đi lạc lối!

25/08/2019 09:33

Kinhte&Xahoi Câu chuyện người tài xế ở Bình Phước đuổi thai phụ xuống xe khiến đứa trẻ vừa sinh ra đã tử vong...

Nhiều người xót xa với gia đình thai phụ, phẫn nộ với người lái xe. 750 nghìn đồng cho một chuyến xe chỉ 3km từ nhà đến bệnh viện, mức giá có thể nói là khá cao. Thế nhưng, người tài xế ấy đã nhẫn tâm dừng xe, bỏ rơi thai phụ đang nguy kịch…

Xót lòng sản phụ bị tài xế bỏ rơi bên đường...

Không một bàn tay nghĩa hiệp

Khoảng 6h10 ngày 17/8, anh Ma Đình Sắc (ngụ xã Thống Nhất), điện thoại thuê xe chở vợ đi Bệnh viện đa khoa thị xã Đồng Xoài sinh con. Anh Nhạc đồng ý và hai bên thỏa thuận giá đi từ xã Thống Nhất đến thị xã Đồng Xoài là 750.000 đồng.

Trên đường đi, anh Sắc thấy vợ có dấu hiệu chuyển dạ nên bảo Nhạc chở vào Trạm y tế xã Thống Nhất. “Anh Sắc bế vợ vào trạm y tế còn tôi ngồi ngoài xe. Khoảng 15 phút sau, anh Sắc nói tôi chở đi Đồng Xoài giúp và tôi đồng ý”, tài xế Nhạc khai. Rời khỏi Trạm y tế xã Thống Nhất khoảng 1 km, vợ anh Sắc có dấu hiệu sinh.

“Khi đến cây xăng Trang Anh Phát (thôn 7, xã Thống Nhất) tôi quay đầu xe, hướng về ngã tư Thống Nhất, rồi nói với anh Sắc trải áo mưa xuống lề đường để cho vợ đẻ. Tôi lấy đồ của vợ anh Sắc để xuống đường, rồi điều khiển xe về”, Nhạc ghi trong biên bản lời khai. Tài xế Nhạc còn khai rằng sau khi về nhà, anh ta có điện thoại lại cho chồng sản phụ Y. hỏi thăm tình hình và nói sẽ ra đưa họ đi bệnh viện, nhưng anh Sắc trả lời đã có người chở giúp. Còn anh Ma Đình Sắc khai khi ra khỏi Trạm y tế xã Thống Nhất một đoạn, vợ anh đau bụng dữ dội. Lúc này tài xế Nhạc bất ngờ rẽ trái sang bên đường, đậu sát cây xăng Trang Anh Phát. Sau khi lấy tấm nylon trải ra đường thì yêu cầu tôi bế vợ xuống xe và lấy hết đồ đạc xuống, sau đó anh ta nổ máy bỏ đi, anh Sắc tường trình với công an.

Cũng theo anh Sắc, sau khi bị tài xế Nhạc đuổi xuống đường, anh có vào cây xăng Trang Anh Phát nhờ một người chở vợ đi bệnh viện, nhưng bị từ chối. Ít phút sau thì vợ tôi sinh. Lúc người nhà đến thì cháu vẫn còn cử động, khoảng 30 phút sau thì cháu tử vong, anh Sắc kể. Anh Mai Đình Sắc cho biết thêm, tài xế Nhạc đã đến nhà thăm hỏi và xin lỗi gia đình. “Tôi cũng không muốn làm lớn chuyện, chỉ mong vợ sớm bình phục để về nhà thôi”, anh Sắc nói.

Trước sự việc trên, nhà văn Nguyễn Đình Tú bày tỏ: Tôi biết lên tiếng làm sao khi mà những người như người tài xế này, quả thực, không ít. Sự mê tín khiến họ sợ hãi. Sự sợ hãi khiến họ hành xử trở nên ác độc, không còn chút tình người.

Tại sao người ta có thể lạnh lẽo và nhẫn tâm đến vậy, nếu không phải vì sự mê tín ngu muội quá lớn, choán hết tâm trí họ, phần người trong họ? Nỗi sợ như cái hố đen hút cạn kiệt sự tử tế, lòng thành thật và tính người thiện lương ở mỗi con người.

Càng có nhiều kiến thức người ta càng dũng cảm hơn. Càng có nhiều kiến thức người ta càng cư xử giống một con người hơn. Kiến thức không chỉ để nhận ra đâu là đúng, đâu là sai mà còn giúp người ta làm sai phải thấy hối lỗi, nhìn sai mà không làm.

Kiến thức giúp cho người ta tự tin hơn mà làm điều đúng đắn. Kiến thức giúp người ta không hành xử bầy đàn theo kiểu mọi người đều vậy nên tôi cũng vậy. Kiến thức còn giúp người ta được xếp trong một level khác, cao hơn những kẻ ít kiến thức. Ở tầng mây nào sẽ tự khắc gặp được những đám mây tương đồng. Và sâu xa hơn nữa, kiến thức giúp người ta bao dung hơn, tầm nhìn xa hơn, sẽ không coi bầu trời toen hoẻn nơi miệng giếng…

Và tội ác mang khuôn mặt sợ hãi

Theo người tài xế giải thích, sở dĩ anh ta bỏ thai phụ giữa đường bởi anh ta thấy máu nên mất bình tĩnh không thể lái tiếp, chứ không phải anh ta mê tín gì… Và dù có biện minh ra sao thì chúng ta cũng không thể tránh khỏi sự rùng mình trước sự lạnh lùng của anh ta khi bỏ lại thai phụ trong cơn nguy kịch… Tất cả bắt nguồn từ sự ích kỉ và nỗi sợ hãi tới vô minh…

Còn nhớ sự việc đêm 8/11/2015, một chiếc xe taxi đã đâm hàng loạt người trên cầu vượt Thái Hà ở Hà Nội. Đó không phải là một vụ tai nạn giao thông thông thường, bởi kết thúc bằng việc người tài xế nhảy từ độ cao 5 mét xuống đường để tự vẫn. Anh ta sợ hãi sau khi gây thảm họa, nhưng trước đó anh ta đã gây ra thảm họa cũng bởi nỗi sợ hãi.
 
Vài phút trước, trên cầu vượt Ngã Tư Sở, cách cầu vượt Thái hà gần 1km, chiếc taxi đang di chuyển bình thường ở phần đường dành cho xe ô tô thì từ phía sau, một chiếc xe bán tải phát tín hiệu xin vượt. Người lái taxi bối rối, bởi xin vượt trên cầu là trái quy định, và việc nhường đường không dễ dàng, phải rất khó khăn thì người lái taxi mới có thể chuyển làn, và có thể do áp lực bởi sự hối thúc phía sau nên anh ta không bật xi nhan khi chuyển làn.

Chiếc xe phía sau, có lẽ quá sốt ruột nên cũng đã chuyển làn để vượt phải. Một sự hiểu lầm đã xảy ra khi người điều khiển chiếc xe bán tải cho rằng chiếc taxi cố tình tạt đầu chặn hướng di chuyển. Sau khi vượt lên, xe bán tải đã ép xe taxi vào thành cầu, một số người trên xe nhảy xuống uy hiếp người tài xế taxi. Bi kịch xảy ra khi người lái taxi thoát khỏi sự uy hiếp bởi những người trên xe tải đã bỏ chạy với tốc độ cao, khi sau lưng là sự truy đuổi của những người trên xe tải.

Một người chết, hàng chục người bị thương vì chiếc xe taxi được điều khiển bởi một người đàn ông tuyệt vọng, mất kiểm soát bởi nỗi sợ hãi. Một vụ tai nạn kinh hãi, nhưng khi xem lại hình ảnh được ghi nhận bởi camera giao thông thì con số thương vong kể trên vẫn có thể được coi là may mắn, bởi số lượng nạn nhân hoàn toàn có thể cao hơn nhiều nếu không phải đêm khuya.

Nhưng người lái taxi đó có thể nghĩ được gì ngoài việc chạy thoát sự truy đuổi hung hãn của những người trên chiếc xe kia? Nếu nghĩ được, chắc chắn anh ta không chọn cách nhảy khỏi cây cầu cao 5 mét xuống con đường đầy xe cộ phía dưới. Khi cái chết của chính mình anh ta cũng còn không nghĩ tới, liệu anh ta có thể nghĩ đến sự an toàn của những người vô can?

Tội ác, nếu như gọi vụ tai nạn giao thông này là một tội ác, thì nó mang khuôn mặt sợ hãi. Tại sao người lái taxi đó lại sợ hãi đến thế? Bởi, họ là những người yếu thế trong cái đô thị vài triệu dân này, là những người lao động nghèo, kiếm sống trong nỗi sợ hãi triền miên.

Họ sợ cướp, sợ bị những kẻ có quyền, thế bức hiếp khi va chạm giao thông, sợ bị phạt tiền, sợ bị giam xe và mất cơ hội sinh nhai khi lơ đễnh phạm luật. Nỗi sợ triền miên khiến họ mất niềm tin vào những kết quả lạc quan khi sự cố xảy ra.

Và, như một phản xạ tự vệ, họ bỏ chạy, với niềm tin duy nhất là tay lái của mình. Họ bỏ chạy khi cảnh sát giao thông nhảy lên nắp capo, bỏ chạy khi bị truy đuổi bởi cảnh sát, bỏ chạy khi bị côn đồ hành hung. Họ bỏ chạy, và việc không gây ra tai nạn giao thông chỉ là may mắn. Khi tai nạn xảy ra như câu chuyện đêm 8/11, họ là kẻ gây tội ác bởi vì nỗi bất an.


Vụ việc ở cầu vượt Thái Hà đêm 8/11/2015 không phải là một vụ tai nạn thông thường, đó là một tội ác, một tội ác đáng sợ bởi tất cả những người liên quan đến cái chết, đến sự nguy hiểm của những người vô tội đều không biết rằng mình gây tội ác. Người lái taxi gây ra cái chết cho một người, và làm bị thương hàng chục người khác chỉ vì sợ hãi cái chết đến với mình.

Còn những người tạo ra nỗi sợ hãi chết người của tài xế taxi thì hồn nhiên ghi hình và chia sẻ lên mạng xã hội như là một chiến công. Tất cả những nạn nhân đều không thể biết số phận của họ bị đe dọa như thế nào, và tội ác xảy ra bất thình lình không dấu hiệu. Người ta cho rằng “khi thói ích kỉ trở thành lối sống của con người thì tình yêu thương và sự sẻ chia sẽ chỉ còn là những giá trị lạc lõng”.

Những người nhiễm “thói ích kỷ” nhất định thờ ơ với cộng đồng, thờ ơ với những người sống xung quanh. Bởi tôn chỉ của họ là “đèn nhà nào nhà ấy rạng”, “sống chết mặc bay” mà thôi… Và như thế, trong ý niệm của những người nhiễm “thói ích kỷ”, không thể nào tồn tại hai tiếng “sẻ chia”.

Bởi “sẻ chia” và “ích kỷ” là hai xu thế đối nghịch nhau. Nếu “ích kỉ” nghĩa là chỉ biết đến bản thân mình, thì “sẻ chia” là hành động hướng về người khác, “thương người như thể thương thân”. Người có khả năng sẻ chia là người có tấm lòng nhân hậu, biết cảm thông, thấu hiểu và thiên lương. Bởi sự sẻ chia mà trái tim được sưởi ấm, linh hồn được cứu rỗi, và người gần người hơn, nhân tính hơn…

Người ta không thể ác khi có đủ lòng trắc ẩn, lòng bao dung và độ lượng, cho dù với kẻ đã gây ra đau đớn cho mình. Trở lại câu chuyện bỏ rơi thai phụ, nếu gia đình tố cáo, người lái xe sẽ bị truy tố hình sự với tội danh “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”.

Tuy nhiên, gia đình sản phụ đang đau buồn, chỉ mong vợ sớm bình phục về nhà chứ không kiện tụng gì người tài xế vô cảm. Âu đó sẽ là bài học anh ta ghi nhớ suốt đời, một bản án lương tâm mà anh ta sẽ phải đối diện trong suốt phần đời còn lại… Bởi món nợ lớn nhất của đời người, chỉ là những ân tình mà thôi…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus