Ảnh minh họa. Nguồn ảnh internet
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa công bố kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2023 với mức doanh thu hợp nhất 8.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 95 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lỗ gần 112 tỷ đồng, vượt 15% so với kế hoạch).
Riêng công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt doanh thu 6.247 tỷ đồng, bằng 113% cùng kỳ và đạt 96 % kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 4,5 tỷ đồng (trong khi năm 2022 lỗ 173 tỷ đồng).
Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã trải qua 3 năm giảm doanh thu và lợi nhuận âm liên tiếp. Trong đó, năm 2020 lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 654 tỷ đồng và 111 tỷ đồng trong năm 2022.
Trong năm qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã vận chuyển hơn 6,1 triệu lượt khách (tăng 35%) và hơn 4,6 triệu tấn hàng hoá (giảm 19%). Doanh thu trực tiếp từ vận tải đường sắt đạt trên 3.973 tỷ đồng (tăng hơn 7% so với năm trước đó).
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có vốn điều lệ 3.250 tỷ đồng, tổng tài sản trên 14.660 tỷ đồng; sử dụng hơn 22.000 lao động, với thu nhập bình quân 9,5 triệu đồng/người/tháng. Tổng công ty hiện có 25 công ty con, 17 công ty liên kết và được giao quản lý mạng đường sắt tổng chiều dài trên 3.143km, đi qua 34 tỉnh, thành phố.
Tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã bổ nhiệm ông Đặng Sỹ Mạnh, thành viên HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, giữ chức Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Trước đó, vị trí Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã "bỏ trống" gần 2 năm sau khi ông Vũ Anh Minh hết nhiệm kỳ công tác từ năm cuối năm 2021.
Trước khi được bổ nhiệm, ông Đặng Sỹ Mạnh từng giữ các chức vụ như Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 2, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt (RPMU) thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Tháng 1/2020, ông Đặng Sỹ Mạnh được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Linh KA - Pháp luật Plus