Gần 10 ngàn cây xanh được trồng tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội

02/04/2021 07:43

Kinhte&Xahoi Ngày 31/3/2021 Tăng, ni sinh và phật tử đã trồng gần 10 ngàn cây xanh tại khuôn viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.

Hưởng ứng lời kêu gọi Tết trồng cây của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng kiến “trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới” của Thủ tướng Chính phủ và lời kêu gọi của TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tăng, ni sinh và phật tử đã trồng gần 10 ngàn cây xanh tại khuôn viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 31/3/2021, nhằm ngày 19/2 âm lịch.

Nơi đây, được xây dựng thành một vườn lộc uyển phủ xanh các loại cây trồng, giúp chống xói mòn rừng phòng hộ ở huyện Sóc Sơn và tạo điểm nhấn cho quần thể Khu di tích Quốc gia Đặc biệt Đền Gióng-Tượng Gióng-Chùa Non. Qua đó, nhân rộng ý thức cho bà con phật tử và nhân dân trong khu vực tinh thần bảo vệ môi trường trước biến đổi khí hậu.

Hoà thượng Thích Thanh Quyết, Viện trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự TƯGHPG Việt Nam chia sẻ: Trong kinh Phật có ghi lại rằng, Đức Phật đã chọn rừng xanh là nơi đản sinh, xuất gia, thành đạo và nhập Niết bàn. Sau khi thành đạo dưới cội bồ đề, Ngaì đã đứng yên bất động trong một tuần chỉ để nhìn cây bồ đề, để biểu lộ lòng biết ơn đối với cội cây đã che chở mưa nắng cho Ngài trong suốt thời gian tu tập. Đó là một bài học vĩ đại về lòng biết ơn mà Đức Phật gửi lại cho muôn đời và người đệ tử Phật. 

Việc trồng cây xanh là đang tạo lại môi trường sống. Chúng ta nên hiểu được tầm quan trọng của rừng, rừng sẽ giữ được nước ngầm, chống được hạn hán, lũ lụt. Nhờ có rừng, nước được giữ lại trên bề mặt, không bị tụt sâu vào lòng đất. Chính nước trên bề mặt rất cần cho sự sống con người cũng như tất cả những sinh vật trên trái đất. Đồng thời, việc tạo lại rừng cây là giúp nâng cao tâm hồn con người, nếu có nhiều rừng cây xanh, đời sống tâm hồn con người sẽ thay đổi, sẽ tốt hơn rất nhiều.

“Cây xanh không chỉ giúp con người duy trì sự sống mà còn có sự tương tác với con người trên lĩnh vực tâm linh. Sống giữa một thế giới ít cây xanh, tâm hồn con người cũng sẽ cằn cỗi, khô khan. Vì vậy, đến một nơi có nhiều cây xanh, tự nhiên chúng ta có cảm giác con người sống ở đó hiền lành, tử tế”, Hoà thượng nhấn mạnh.

Dịp này, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cũng long trọng tổ chức Lễ Kính mừng Khánh Đản Đức Quán Thế Âm Bồ Tát.

Tại buổi lễ, Hoà thượng Thích Thanh Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Học viện đã có bài thuyết giảng hết sức sâu sắc và ý nghĩa về sự ra đời và ý nghĩa của ngày Đức Phật Quán thế âm đản sinh. Với tâm từ bi, Ngài đã cứu độ giáo hoá chúng sinh trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Bồ Tát Quán Thế Âm là hình ảnh vị Phật đã gần gũi với người dân Việt Nam. Hình ảnh của ngài được thị hiện như: Phật Mẫu Man Nương, tứ Pháp Phật (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), Phật Bà Quan Âm, Phật Bà Chùa Hương, Bà Chúa Ba, Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Nam Hải, Quan Âm Tống Tử…

Việc tổ chức ngày vía Quán Thế Âm đã trở thành một lễ hội lớn của các ngôi chùa, tự viện trên khắp cả nước. Bồ Tát gắn với đời sống tâm linh của mỗi vị tu hành và bà con phật tử.

Đây cũng là thời gian dịch bệnh Covid 19 được từng bước được khống chế, đẩy lùi; đất nước ta bước vào thời kỳ bình thường mới thực hiện mục tiêu kép: phòng chống dịch bệnh, phát triển kinh tế. Mỗi người con Phật chúng ta có niềm tin vào sự gia hộ của Phật lực – Pháp lực – Tăng lực để nhất tâm cầu nguyện Tam Bảo, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát từ bi gia hộ cho quốc thái dân an, dịch bệnh bệnh được tiêu trừ.

Cũng dịp này, Học viện tổ chức lễ gặp mặt đầu xuân Tân Sửu, tri ân, tuyên dương công đức các công ty, tập đoàn, các phật tử Ban Bảo trợ Học đường đã đồng hành cùng Học viện trong công tác giáo dục đào tạo.

Học viện đã ghi nhận công đức của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, đạo tràng với số tiền gần 2,5 tỷ đồng.

 Hà Linh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/gan-10-ngan-cay-xanh-duoc-trong-tai-hoc-vien-phat-giao-viet-nam-tai-ha-noi-d152347.html