Thông tin từ Cục quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Kiên Giang, thực hiện Kế hoạch về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang đã phối hợp Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Kiên Giang tiến hành kiểm tra đột xuất 07 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức trên địa bàn thành phố Rạch Giá, thành phố Phú Quốc, thành phố Hà Tiên, các huyện An Biên, Giồng Riềng.
Gắn nhãn hiệu CHANEL lên sản phẩm, 7 doanh nghiệp kinh doanh vàng ở Kiên Giang bị phạt hành chính. Ảnh Cục QLTT tỉnh Kiên Giang
Tại thời điểm kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện tại các doanh nghiệp đang kinh doanh các sản phẩm trang sức gắn nhãn hiệu của CHANEL gồm: 62 sản phẩm trang sức là vòng đeo tay, lắc đeo tay, mặt dây chuyền, bông đeo tai các loại có dấu hiệu vi phạm về sở hữu công nghiệp.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ hàng hóa. Qua quá trình xác minh, căn cứ dấu hiệu vi phạm, Đội Quản lý thị trường số 1 đã gửi văn bản đến Đại diện chủ thể đã xác định số tang vật nêu trên đều là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Vì vậy, Đội Quản lý thị trường số 1 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 07 doanh nghiệp về hành vi vi phạm “Trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu”.
Theo thẩm quyền xử phạt, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang xử phạt đối với 07 doanh nghiệp với tổng số tiền là 870.000.000 đồng và đồng thời buộc tiêu huỷ 62 sản phẩm vi phạm có tổng trị giá trên 500 triệu đồng.
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ: Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là các hành vi trái phép xâm phạm quyền và lợi ích của chủ thể sở hữu đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Trong đó tại Điều 126 Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí gồm:
- Sử dụng sáng chế được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó, thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc bất kỳ phần nào có tính nguyên gốc của thiết kế bố trí đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;
- Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời quy định tại Điều 131 của Luật Sở hữu trí tuệ.
|
Đào Xuân - Pháp luật Plus