Nhiều tháng nay, trên địa bàn TP.Pleiku (Gia Lai) xuất hiện tình trạng làm giả sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) để cầm cố, vay mượn với thủ đoạn rất tinh vi. Nhiều người đã lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười” vì mất tiền mà lại ôm đống sổ đỏ giả. Đồng thời, điện thoại cũng liên tục nhận về nhiều tin nhắn với quảng cáo: “Nhận làm các loại bằng lái xe máy, ô tô. Hỗ trợ làm sổ đỏ, sổ hồng…Giao hàng trên phạm vi toàn quốc…SĐT: 09457…..”.
Trao đổi với chúng tôi, anh Võ Nguyên (trú tại TP.Pleiku, Gia Lai) cũng là một trong những nạn nhân bị một người không rõ danh tính cầm tờ sổ đỏ để cầm cố nhằm vay tài sản.
Anh N. kể lại: “Hơn một tuần trước, có một người đến quán cà phê nhà tôi chơi. Sau một hồi trò chuyện, chị này đưa ra một sổ đỏ và nhờ tôi cầm cố để lấy số tiền 200 triệu đồng. Để tôi tin tưởng, người này dẫn đến hẻm đường Đặng Trần Côn (phường Trà Bá, TP.Pleiku, Gia Lai) để xem đất. Đối chứng với sổ đỏ thấy trùng khớp nên tôi đã đồng ý. Tuy nhiên, trước khi trao tiền tôi đã chụp ảnh gửi qua mấy người bạn ở Sở TN- MT và Công an để kiểm chứng.”.
Những thông tin ghi ở sổ đỏ thật và giả giống nhau. Tuy nhiên, để cho thuận lợi giao dịch các đối tượng đã thay đổi tên ở phần nội dung chủ sở hữu.
“Sau một hồi chờ đợi, những người bạn tôi xác định sổ đỏ này là giả và hướng dẫn tôi đến Văn phòng đăng ký đất đai và cơ quan liên quan để giám định. Khi nghe tôi bảo là giả, người phụ này liền cầm sổ đỏ và bỏ chạy. Thấy hành động lừa đảo này là có tổ chức và theo một đường dây nên tôi đã đăng lên Facebook để bạn bè cẩn thận trước khi giao dịch. Ngay lập tức, người phụ nữ này đã gọi điện xin lỗi và mong tôi bỏ qua. Tuy nhiên, tôi thấy hành động này là không thể chấp nhận và cố ý để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nên tôi đã trình báo cho cơ quan có thẩm quyền”, anh V cho biết.
Tương tự, cũng tại một Cửa hàng Cầm đồ trên đường Lê Đại Hành (TP.Pleiku, Gia Lai) cũng gặp một người đã cố tình dùng sổ đỏ giả để đi cầm cố tài sản. Anh H. kể tại: “Khoảng hơn một tháng trước, có người đã mang một sổ đỏ thật đến tiệm của tôi cầm cố với số tiền 600 triệu. Tuy nhiên, hơn một tuần sau người này lại tiếp tục cầm một sổ đỏ giả khác (được sao chép từ sổ đỏ thật) để cầm cố tại cửa hàng cầm đồ trên đường Lê Đại Hành. Vô tình người quản lý này lại quen tôi nên nhờ tôi định giá thửa đất. Lúc này, tôi so sánh thì miếng đất này giống miếng đất này mình đã giữ nên đã kịp thời phát giác ra hành vi”.
Các đối tượng còn tinh vi giả mạo chữ kí lãnh đạo và con dấu của cơ quan nhà nước.
Theo bản chụp của sổ đỏ giả mà anh Võ Nguyên đã cung cấp, chúng tôi đã đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Pleiku (VPĐKĐĐ TP.Pleiku) để tìm hiểu về nguồn gốc của chiếc sổ đỏ.
Qua đối chứng với sổ đỏ thật được lưu trữ tại VPĐKĐĐ TP.Pleiku, chúng tôi đã quan sát thấy nhiều điểm “bất thường”, sai lệch trong sổ giả. Cụ thể, thông tin trong sổ đỏ giả ghi thửa đất tại Làng Ngol, phường Trà Bá, TP.Pleiku, Gia Lai) được in trùng khớp với sổ thật; số sổ trùng khớp. Tuy nhiên, các đối tượng đã tinh vi “giả” chữ ký lãnh đạo và con dấu của VPĐKĐĐ TP.Pleiku; Sở TN – MT tỉnh Gia Lai, giống đến khoảng 80 – 90%. Nhằm thuận lợi cho việc giao dịch, cầm cố, các đối tượng đã cố tình thay đổi nội dung trong phần sở hữu sang tên của một người khác. Một số điểm qua đối chứng với sổ gốc cũng bị sai lệch nhỏ.
Nhiều người suýt nữa đã bị mắc lừa sổ đỏ giả nên đã đăng lên để mọi người tránh.
Ông Trương Đức Vinh (Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ TP.Pleiku) cho biết: “Vì sợ phát hiện, các đối tượng thường dùng sổ giả để giao dịch, cầm cố bên ngoài chứ không dám đưa vào cơ quan nhà nước để thực hiện. Đối với sổ giả, qua mắt thường rất khó phát hiện nên khi người dân đến nhờ kiểm tra mà có dấu hiệu làm giả thì chúng tôi thường kết hợp với cơ quan chức năng để giám định. Chính vì sự tinh vi trong việc làm giả nên khuyến cáo người dân cần đến cơ quan chức năng để thực hiện các giao dịch theo quy định pháp luật.”.