Giá thịt lợn và tư duy điều hành

16/06/2020 07:41

Kinhte&Xahoi Giá thịt lợn, một lần nữa, lại trở thành chủ đề nóng bỏng trên diễn đàn Quốc hội trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội cuối tuần qua.

Có lệnh mà giá vẫn tăng

Đại biểu Hoàng Quang Hàm, ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nói: “Cần thiết thì kinh tế Nhà nước phải hỗ trợ, không nên như thời gian qua dư luận cho rằng, người dân chỉ được ăn thịt heo giá rẻ trên tivi".

Cách nói của đại biểu quả thật rất đáng chú ý do giá thịt lợn, món thực phẩm chủ yếu của người Việt Nam, vẫn tăng giá ngoài chợ bất chấp chỉ đạo của các cấp, các ngành.

Giá thịt lợn không thể giảm bằng mệnh lệnh hành chính nhưng có thể giảm được nhờ tư duy và cách làm của Nhà nước.

Tại hội nghị triển khai các giải pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc đầu năm nay, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các doanh nghiệp chăn nuôi lớn phải giảm giá xuống mức 75.000 đồng/kg “ngay trong tuần tới”. Ông nói: “Để đảm bảo thị trường bền vững, tôi khuyến nghị doanh nghiệp giảm giá ngay lập tức”.

Khuyến nghị của ông Cường cho thấy, cá nhân Bộ trưởng mong muốn giá thịt lợn phải rẻ đi để phù hợp với túi tiền của người dân. Song, phải nói thật, nó mang hơi hướng phi thị trường.

Dịch tả lợn châu Phi đã bắt đầu khởi phát từ cuối năm 2018, hoành hành suốt năm 2019 làm nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lợn phá sản, cung không theo kịp cầu thì giá tăng là đương nhiên. Giá cả theo quy luật cung cầu, quy luật giá trị và quy luật thị trường, làm sao mà can thiệp được.

Báo cáo ở Quốc hội, ông Cường cho biết, “thiệt hại tổng số xấp xỉ 6 triệu con lợn, về lượng giảm 20%, về khối lượng giảm 9,6%". Trong khi đó, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng số lợn tiêu hủy gần 6 triệu con, tổng đàn lợn của cả nước tháng 12/2019 giảm 25,5% so với cùng thời điểm năm 2018. Còn trong 5 tháng đầu năm nay, đàn lợn giảm 6,2% so cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo chính thức này cho thấy, số lợn chết năm ngoái là rất nhiều nhưng đàn lợn trong năm nay không giảm quá nhiều. Vấn đề là số liệu đó có phản ánh thực tế  không, có “đúng và trúng” không? Cần nhắc lại là giá thịt lợn hơi vẫn quanh mức 90.000 đồng/kg hôm qua, giảm so với giá hơn 100.000 đồng/kg cách đây hơn một tuần, tức là cao hơn mức giá được “khuyến nghị” giảm hồi đầu năm.

Bộ trưởng, sau khi cho biết số lợn chết, đã khẳng định: “Đây là nguyên nhân cơ bản gây biến động giá thịt lợn”; “quy luật cung cầu chưa gặp nhau nên giá tăng”... Như vậy là ông nắm rất rõ quy luật cung - cầu, quy luật giá trị, quy luật thị trường, chứ không giống như khi ông “khuyến nghị” doanh nghiệp giảm giá thịt lợn hồi đầu năm nay để đại biểu Hàm phải nói “người dân chỉ được ăn thịt heo giá rẻ trên tivi".

Phát biểu của Bộ trưởng, dù trở thành đề tài thảo luận mang tính hài hước trên mạng xã hội, là rất đáng chú ý. Quy luật cung cầu phải được tôn trọng, nuôi lợn có lãi thì người dân và doanh nghiệp mới tiếp tục bỏ vốn, tăng đàn; còn không thì chả ai bỏ xu nào ra cả. Giá cả được quyết định bởi thị trường, bởi các quy luật cung cầu.

Dù vậy, tôi rất chia sẻ và đồng cảm với các giải pháp ông nêu trên Quốc hội. Đó là cần tập trung tái đàn cho các hộ nhỏ lẻ, vừa bảo đảm an toàn, vừa bảo đảm đủ giống cho các hộ này, và bảo đảm tính bền vững khi tái đàn, không bị tái dịch. Để giải quyết vấn đề này, Bộ đã yêu cầu 15 đơn vị lớn, là các doanh nghiệp không chỉ chăm lo con giống, mà còn phải bán, cung cấp dịch vụ cho người dân.

Ông cho biết, rất nhiều địa phương cũng có chính sách hỗ trợ, như Hà Nội hỗ trợ 4 triệu đồng/con lợn giống, Nghệ An 2 triệu đồng/con. Phải hỗ trợ cho bà con nông dân lúc này, chứ nếu không 3 triệu đồng/con giống, thì tiền đâu mua con giống? Đây là sự “rất cố gắng” vì Nhà nước cũng đã bị thiệt hại.

Đó là phát triển các nhóm thực phẩm khác như gà, trứng, thủy sản mà ông kêu gọi nhân dân: “Không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn, có thể ăn cá, tôm, trứng, gà… đều của nông dân cả, vừa bổ dưỡng, tốt cho cơ thể, vừa không gây áp lực lên ngành hàng nào”.

Nhưng tôi cho là những giải pháp đó là chưa đủ.

Thay đổi tư duy thị trường

Nhiều chuyên gia đã cảnh báo, một con lợn phải qua nhiều khâu trung gian, chịu 51 thứ phí thì giá cao là không tránh khỏi. Số phí này lẽ ra cần được làm rõ để xem giảm được ở đâu, ở khâu nào. Có lẽ, đây là một trong những nguyên nhân làm thịt lợn ở Việt Nam đắt hơn của nước ngoài?

Nhiều doanh nghiệp phản ánh, gặp rất nhiều khó khăn về mặt hồ sơ, thủ tục khi xin đầu tư một dự án chăn nuôi. Ở không ít địa phương, chủ trang trại mất cả năm, thậm chí vài năm mới có thể xin được giấy phép hoạt động. Dù quy hoạch ngành chăn nuôi lợn không còn giá trị pháp lý vì đã được bỏ đi trong luật Quy hoạch nhưng nó vẫn có hiệu lực trên thực tế, người dân vẫn rất khó tiếp cận đất đai để làm dự án nuôi lợn. Trong khi đó, từ 1/1/2020, luật Chăn nuôi chính thức có hiệu lực và có quy định cụ thể về điều kiện chăn nuôi như chuồng trại, vệ sinh thú y, điều kiện về môi trường chăn nuôi. Những quy định đó tạo thuận lợi gì, hạn chế gì với người nuôi? Điều này cần phải làm rõ nếu muốn dân bỏ tiền ra nuôi.

Vai trò của Nhà nước là khơi thông rào cản để người dân và doanh nghiệp không gặp khó khăn khi nuôi lợn. Trước đây có quy định nước thải từ chuồng lợn… phải uống được là gây khó khăn cho người nuôi lợn, làm họ luôn trong tình trạng bị phạt. Gần đây là Thông tư 02/2019/TT-BNNPTNT về danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam. Theo đó, người dân và doanh nghiệp chỉ được nuôi lợn bằng các loại thực phẩm được quy định trong danh mục đó. Hiểu đơn giản là bèo không được dùng để nuôi lợn.

Đây là tư duy kế hoạch hóa tập trung “chọn cho thay vì chọn bỏ” trong làm luật, gây cản trở người nuôi lợn…

Khi dịch bệnh mới xảy ra, có tình trạng lợn chết bị vứt đầy ra sông, mương, kênh, rạch làm bùng phát lây lan dịch bệnh từ vùng này sang vùng khác, tỉnh này sang tỉnh khác. Lẽ ra, ở vai trò Nhà nước, Bộ cần chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và địa phương quyết liệt xử lý thì dịch bệnh đã không lan tràn, hệ lụy không đắt như hiện nay.

Giá thịt lợn không thể giảm bằng mệnh lệnh hành chính nhưng có thể giảm được nhờ tư duy và cách làm của Nhà nước. Tôi cho rằng, cần thay đổi cách quản lý, can thiệp hành chính, đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh, hạn chế bệnh dịch… là thị trường tươi tốt lên ngay. Nếu không thay đổi cách quản lý mà chỉ là mệnh lệnh hành chính và dọa “cho nhập khẩu thịt lợn” thì không mấy ai dám đầu tư đâu và giá thịt lợn giảm chỉ trên tivi mà thôi.

Tư Giang 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phúc XO hầu tòa

Phúc XO cùng đồng phạm bị truy tố về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy với khung hình phạt 7-15 năm tù.

Theo VietNamNet/Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/gia-thit-lon-va-tu-duy-dieu-hanh-d127129.html