Giá vàng tại thị trường trong nước hiện đang được giao dịch ở ngưỡng sau:
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 43,07 triệu đồng/lượng (mua vào) và 43,27 triệu đồng/lượng (bán ra).
Ảnh minh họa. (Nguồn: The Bank)
Mức giá trên tăng 90.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và tăng 110.000 đồng/lượng theo chiều bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.
Trong khi đó, giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 43,07 triệu đồng/lượng (mua vào) và 43,26 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá trên tăng 90.000 đồng/lượng theo cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 42,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và 43,32 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá trên tăng 100.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và tăng 150.000 đồng/lượng theo chiều bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.
Tại thị trường thế giới, giá vàng đang được giao dịch tại ngưỡng 1.555,3 USD/ounce (Theo Kitco News).
Mức giá này tương đương khoảng 43,4 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD tự do, mức giá này cao hơn khoảng 100.000 đồng/lượng so với giá vàng SJC bán lẻ hiện hành tại thị trường trong nước.
Giá vàng thế giới biến động khá mạnh trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Iran tạm thời lắng dịu trong khi Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nhưng sự bất định vẫn còn.
Giới đầu tư toàn cầu hiện đang chờ lễ ký thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung dự kiến diễn ra tại Nhà Trắng vào ngày 15/1 theo giờ địa phương.
Việc Mỹ-Trung tiến tới ký thỏa thuận và căng thẳng dịu đi giữa Mỹ và Iran là nguyên nhân chính khiến giá vàng thế giới sụt giảm khỏi mức 1.600 USD/oz, cao nhất 7 năm, thiết lập vào tuần trước.
Thỏa thuận cụ thể giữa hai bên vẫn chưa rõ nhưng trước đó Mỹ đã không áp dụng thuế quan đối với Trung Quốc và Trung Quốc tăng mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.
Vàng chịu áp lực giảm giá khi mà các thị trường chứng khoán châu Á hầu hết đi lên trong phiên giao dịch gần nhất và đồng USD vẫn có xu hướng đi lên.
Ở chiều ngược lại, tình hình tại Trung Đông có hạ nhiệt nhưng nếu Mỹ tung ra lệnh trừng phạt mới lên Iran có thể khiến kinh tế nước này lao dốc và qua đó tác động tiêu cực lên nền kinh tế toàn thế giới.