Giải pháp phục hồi du lịch sau dịch do nCoV

06/02/2020 16:31

Kinhte&Xahoi Hiện, mối quan tâm hàng đầu của ngành du lịch là tìm ra giải pháp hạn chế tác động tiêu cực của dịch nCoV gây ra với hoạt động du lịch. Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng cần có một kế hoạch toàn diện và hành động kịp thời trước khi thiệt hại quá lớn.

Thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng

Tại Việt Nam, du lịch ở vị thế tăng trưởng cao kỷ lục trong tháng 12 năm 2019, đầu tháng 1 năm 2020 thì ngay lập tức rơi vào khủng hoảng mà nguyên nhân trực tiếp là dịch bệnh nCoV.  Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, tình trạng khách hủy tour đã đặt, hủy đặt chỗ, hủy dịch vụ, không lên kế hoạch đi du lịch... phổ biến, ước tính gây thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng đối với ngành du lịch.

Chính phủ, các cấp chính quyền đã và đang hết sức quyết liệt triển khai phòng chống dịch nCoV. Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, dịch vụ du lịch v.v. cũng đã chủ động, kịp thời, tuân thủ hướng dẫn của ngành Y tế tham gia vào phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Dịch bệnh vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Du lịch vốn là một ngành rất nhạy cảm với tình trạng thiên tai, tự nhiên, chiến tranh, dịch bệnh v.v trên thế giới. Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (Dịch nCoV) đã không chỉ làm thiệt hại to lớn cho nhiều nền kinh tế, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng mà còn trực tiếp làm suy giảm ngành Du lịch.

 Các điểm du lịch đìu hiu bởi dịch bệnh

“Chống dịch như chống giặc”, “Có thể phải hy sinh lợi ích về kinh tế”, “đoàn kết” ... là những tinh thần mà những người làm du lịch luôn ý thức được. Để làm tốt công tác chung tay phòng chống dịch, mỗi người tham gia vào hoạt động du lịch cần nắm rõ mức độ nguy hiểm của chủng vi rút mới Corona, nắm rõ cách phòng chống một cách chi tiết như hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời thực hiện và hướng dẫn đầy đủ cho khách du lịch thực hiện. 

Để làm được điều đó, các doanh nghiệp nên thường xuyên theo dõi thông tin của các cơ quan có thẩm quyền về dịch bệnh để điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ khách du lịch, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch và cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp, nhân dân ở điểm đến. Công tác bảo hiểm du lịch sẽ đóng vai trò quan trọng trong những thời điểm này.

Phòng chống cần song hành với khôi phục

Bên cạnh công tác phòng chống dịch, chúng ta cũng tham khảo những kinh nghiệm về xử lý “khủng hoảng” đã xảy ra trước đây nhằm hạn chế tối thiểu tác động của dịch nCoV tới Du lịch Việt Nam. Từ đó, các doanh nghiệp có thể đưa ra các giải pháp hữu hiệu khắc phục nhanh nhất hậu quả của dịch bệnh đối với doanh nghiệp của mình nói riêng, phục hồi lại hoạt động du lịch nói chung.

Tại Hội nghị “Giải pháp hạn chế tác động của dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona đối với Du lịch Việt Nam” ngày 05/02/2020, Hiệp hội Du lịch Việt Nam gợi ý các giải pháp để các doanh nghiệp và các hiệp hội du lịch địa phương tham khảo nhằm vạch ra những hướng đi cụ thể. 
 
Đối với hoạt động xúc tiến lại các thị trường du lịch quốc tế và nội địa, hoạt động nghiên cứu tình hình thị trường mục tiêu trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra cần được thực hiện đầu tiên và kỹ lưỡng. Sau đó mới tiến hành đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các đối tác du lịch của chúng ta ở thị trường nguồn.

Trong qua trình này, việc phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn, vận chuyển du lịch v.v. cần được chú trọng. Thông tin du lịch có chất lượng đồng bộ và mang tính chuyên nghiệp sẽ tạo sự tin tưởng của du khách quốc tế.

Mặt khác du lịch nội địa là hướng ưu tiên hàng đầu sau khi hết dịch bệnh. Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết sẽ xây dựng và triển khai một chương trình kích cầu du lịch nội địa mạnh mẽ ngay trước và sau khi dịch kết thúc. 

 Doanh nghiệp cần chú trọng bảo hiểm

Về phía các doanh nghiệp du lịch, có thể bắt đầu xem xét lựa chọn các điểm đến mới, nơi không bị dịch hoặc không có khả năng tái phát dịch để thu hút khách du lịch nội địa phù hợp với điều kiện, năng lực, sở trường của công ty. Bên cạnh đó, những tuyến du lịch nội địa mới, khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường vẫn luôn là hướng đi bền vững của ngành du lịch nước ta kể cả trong thời điểm không có dịch bệnh.

Phục hồi du lịch quốc tế cũng là nhiệm vụ quan trọng ngay tại thời điểm hiện tại. Bởi lẽ, những thị trường du lịch quốc tế không nằm trong vùng dịch vẫn đang diễn ra tương đối bình thường. Do đó, các doanh nghiệp du lịch có thể xây dựng và triển khai ngay bây giờ các kế hoạch xúc tiến du lịch tại các thị trường tiềm năng khác ngoài vùng dịch.

Dịch nCoV đã ảnh hưởng khoảng 28 quốc gia trên thế giới. Những quốc gia khác chưa có xác nhận về ca nhiễm đầu tiên. Trong đó, châu Phi là châu lục duy nhất chưa xác nhận có ca nhiễm nào.

Mặt khác, để không gián đoạn, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn lực lượng nhân sự; chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật; đổi mới công tác quản lý và kinh doanh của doanh nghiệp hiện đại, hiệu quả hơn vẫn là nhiệm vụ cần được chú trọng.

Ngành du lịch Việt Nam, hưởng ứng kêu gọi của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cần chung tay vượt qua dịch bệnh. Theo đó, Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết sẽ phối hợp với Hiệp hội du lịch địa phương kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch để đẩy mạnh thu hút khách vào Việt Nam, như hỗ trợ tiền điện nước, thuê đất theo NQ08, giảm thuế VAT, miễn visa...

Trước mắt, việc triển khai thỏa thuận hợp tác đã ký giữa VISTA và JATA, ASTA để thu hút khách từ hai thị trường Nhật Bản và Hoa Kỳ.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/giai-phap-phuc-hoi-du-lich-sau-dich-do-ncov-d116689.html