Giảm thiểu tác động do giá xăng, dầu tăng

29/10/2021 07:44

Kinhte&Xahoi Sau khi cơ bản khống chế được dịch Covid-19, kinh tế thế giới đang đối mặt với việc giá nguyên, nhiên liệu đầu vào, đặc biệt là giá xăng, dầu tăng cao. Đây là yếu tố tác động lớn đến doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng các cấp, ngành cần có giải pháp ứng phó linh hoạt với việc giá xăng, dầu tăng cao nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát.

Các bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp cần có giải pháp ứng phó linh hoạt với giá xăng, dầu tăng cao, giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởngvà lạm phát. Ảnh: Hải Anh

Giá tăng cao nhất trong 7 năm qua

Giá xăng, dầu trong nước đã có phiên tăng thứ tư liên tiếp. Trong kỳ điều hành giá xăng, dầu chiều 26-10, giá xăng trong nước đã ở mức cao nhất trong 7 năm qua. Theo đó, sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá, giá bán xăng E5RON92 không cao hơn 23.110 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 24.338 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 18.716 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 17.637 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 17.210 đồng/kg.

Nhằm hỗ trợ đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với một số mặt hàng xăng. Do việc sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá nên giá xăng dầu trong nước đã có mức biến động thấp hơn mức biến động của giá xăng dầu thế giới (giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng từ 59,08% đến 76,03% trong khi giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay chỉ tăng 40,23% đến 52,59%). Theo liên bộ Công Thương - Tài chính, nếu kỳ điều hành này không chi Quỹ bình ổn giá 1.100 đồng/lít thì giá xăng E5RON92 sẽ tăng 2.527 đồng/lít và giá bán là 24.210 đồng/lít. Tương tự như vậy, nếu kỳ điều hành này không chi Quỹ bình ổn giá 400 đồng/lít thì giá xăng RON95-III sẽ tăng 1.859 đồng/lít và giá bán là 24.738 đồng/lít…

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, đại diện một số doanh nghiệp tại Hà Nội đều cho rằng sẽ bị tác động bởi giá xăng, dầu tăng cao. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Sơn Hà (thị xã Sơn Tây) Lê Hữu Phong cho biết: “Chi phí vận tải, logistics chiếm 8% trong doanh thu của doanh nghiệp. Do vậy, việc xăng tăng giá mạnh sẽ khiến lợi nhuận của công ty giảm sút. Mặc dù, chúng tôi đã giảm doanh thu năm 2021 từ 750 tỷ đồng xuống còn 700 tỷ đồng, xong trước tình hình này thì doanh thu còn tiếp tục giảm hơn nữa”.

Thời gian tới, nhiều khả năng giá xăng dầu vẫn tăng. Các tổ chức như: Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA)… đều dự báo giá dầu thô có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng vào mùa hè năm 2022, thay vì 95-98 USD/ thùng như hiện nay.

Giá xăng, dầu tăng sẽ tác động đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó có ngành Giao thông - Vận tải. Ảnh: Quỳnh Danh

Bám sát diễn biến để có giải pháp ứng phó

Nói về giải pháp ứng phó giá xăng, dầu tăng cao, dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Song Phương (quận Hoàng Mai) Nguyễn Thị Phương cho rằng, giá xăng, dầu tăng buộc doanh nghiệp phải giải quyết bài toán về chi phí để có được mức giá ổn định nhất cho sản phẩm.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các cấp, ngành cần có giải pháp ứng phó linh hoạt với việc giá xăng, dầu tăng cao nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát. Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết: “Trong những tháng còn lại của năm 2021 và nửa đầu năm 2022, theo tôi, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính và doanh nghiệp cần bám sát diễn biến thị trường xăng dầu, tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung xăng, dầu để có giải pháp ứng phó linh hoạt với giá dầu tăng cao nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát trong thời gian tới”.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ, có dư địa để Nhà nước điều chỉnh, cân đối giá xăng. Cụ thể, giá xăng, dầu của Việt Nam hiện nay đang có cơ cấu giá thuế khá cao. Các loại thuế trong xăng dầu chiếm khoảng 50-55% nên có thể cân đối, điều chỉnh.

Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết, việc điều hành giá xăng, dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường năm 2021, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng, dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Còn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường cho rằng, trong bối cảnh giá tăng cần phải giảm thuế nhập khẩu hoặc thậm chí thuế về môi trường cũng tạm thời duy trì ở mức hợp lý. Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng phải đánh giá được mức độ thay đổi của giá thế giới với khả năng cung ứng trong nước. Từ đó sẽ dự báo được mức độ ảnh hưởng có thể gia tăng. Bộ Tài chính là đơn vị thực thi các chính sách, có lộ trình thay đổi về thuế, thay đổi, điều chỉnh về phí như thế nào, đây là vấn đề mà Bộ sẽ phải thẩm tra và đánh giá để báo cáo Chính phủ.

Nhóm PV - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1015868/giam-thieu-tac-dong-do-gia-xang-dau-tang