Giao thông Hà Nội dịp cuối năm liệu có ùn tắc phức tạp hơn?

09/12/2022 11:00

Kinhte&Xahoi Tại Kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hà Nội vừa diễn ra, Chủ tịch HĐND Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay, năm 2022 TP triển khai các nhiệm vụ trong điều kiện đối mặt với nhiều thách thức do tình hình chính trị thế giới và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Nhưng Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Kẹt xe trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân).

TP dự kiến hoàn thành 22/22 chỉ tiêu năm 2022, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch là tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 8,8% (kế hoạch 7 - 7,5%); tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP bình quân đầu người) 142,3 triệu đồng (kế hoạch 139 - 141 triệu đồng); tốc độ tăng vốn đầu tư 13,8% (kế hoạch 10,5%); kim ngạch xuất khẩu 11,9% (kế hoạch 5%) và giảm hộ nghèo so với năm trước đạt 38,8% (kế hoạch 20%).

Công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ, quản lý, chỉnh trang và phát triển đô thị có nhiều chuyển biến tích cực. Việc xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. An sinh xã hội được quan tâm, chăm lo; cải cách hành chính có nhiều chuyển biến; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, các sự kiện chính trị lớn trên địa bàn được tổ chức thành công và tuyệt đối an toàn.

Năm 2022, TP đã tổng kết và trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến 2045; triển khai lập quy hoạch TP, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2030, tầm nhìn 2050; tổng kết thi hành Luật Thủ đô và đề nghị xây dựng sửa đổi luật.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đánh giá TP đã đạt được những kết quả "rất đáng khích lệ", cơ bản và toàn diện trên mọi mặt song cũng chỉ ra một số hạn chế. Trong đó việc phát huy lợi thế, tiềm năng, huy động nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương chưa đạt yêu cầu, nhất là trong thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.

Công tác quản lý quy hoạch đô thị còn hạn chế, vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm và xây dựng trên đất nông nghiệp, đất rừng còn chưa được ngăn chặn và xử lý hiệu quả, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Một số vấn đề dân sinh bức xúc chưa được giải quyết căn cơ như ùn tắc giao thông; úng ngập còn xảy ra ở một số nơi. Việc thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải, nhất là tại một số làng nghề còn nhiều hạn chế...

Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phi Thường cho biết, TP có khoảng 10 triệu dân với 7 triệu phương tiện, trong đó có 1 triệu ôtô. Số ôtô trong 10 năm qua tăng gấp 30 lần. Trung bình mỗi năm phương tiện tăng 4 - 5% trong khi quỹ đất dành cho giao thông đô thị tăng 0,28%.

"Cầu Thanh Trì hiện có lưu lượng gấp 8 lần thiết kế, vành đai 3 gấp 6 lần", ông Thường thông tin và cho biết dịp cuối năm ùn tắc sẽ phức tạp hơn do lưu lượng người, phương tiện tham gia lớn, nhiều công trình thi công làm ảnh hưởng đi lại.

Ông Thường dẫn chứng, chỉ một điểm quây tôn thi công hố ga thuộc dự án nhà máy nước thải Yên Xá trên đường Nguyễn Xiển đã gây ùn tắc, trong khi sẽ rào chắn 19 ga trên đường này. Sở sẽ phối hợp các đơn vị xén dải phân cách giữa để phương tiện tránh điểm rào chắn, đồng thời giải tỏa những điểm bán cây cảnh, hoa lấn chiếm hè đường.

Ông Thường dự báo, khi thông xe vành đai 2 trên cao, Ngã Tư Sở sẽ tắc do phương tiện đi trên cao dồn xuống nhiều hơn, đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy hiện chưa có đường trên cao; khi xong cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 thì lưu lượng lại dồn xuống nút giao Cổ Linh, Long Biên...

"Sở đã thành lập tổ công tác hàng ngày xuống hiện trường, tuần nào Giám đốc Sở cũng ngồi nghe báo cáo rồi cùng anh em bàn giải pháp tổ chức lại giao thông để giảm ùn tắc", ông Thường nói và đề nghị HĐND ưu tiên vốn đầu tư công cho các dự án giao thông.

Liên quan xử lý nước thải, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, hiện mới xử lý được 28% nước thải, trong khi chỉ tiêu của TP đến 2025 phải trên 50%. Nếu hoàn thành Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá thì có thể đạt mục tiêu đưa ra. Hiện Nhà máy đã cơ bản xong, còn các hạng mục dẫn nước thải về Nhà máy đang được khẩn trương thi công, dự kiến đến 2025 hoàn thành toàn bộ và đưa vào hoạt động.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 10, nội dung thoát nước và xử lý nước thải sẽ được chất vấn. Các đại biểu cũng sẽ xem xét, thảo luận và thông qua 20 báo cáo, 9 nghị quyết thường kỳ và 14 nghị quyết chuyên đề.

Ngày 8/12, giải trình trước HĐND TP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải nói Hà Nội đã và đang đưa ra nhiều giải pháp để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức trước thực trạng nhiều người thôi việc, chuyển công tác.

UBND đã trình HĐND TP thông qua nghị quyết quy định về mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc, mức hỗ trợ 5 - 10 triệu đồng.

"Cùng với lộ trình tăng lương cơ sở đã được Trung ương phê duyệt từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng bắt đầu từ 1/7/2023, chúng tôi đang đề xuất với Trung ương chấp thuận cơ chế đặc thù để TP được quyết định tăng thu nhập cho cán bộ, công chức", ông Hải nói.

Theo ông Hải, TP cũng sẽ rà soát các chính sách hỗ trợ công chức, viên chức ngành Y tế, Giáo dục; tiếp tục chỉ đạo ngành Giáo dục tuyển mới giáo viên.

Trước đó, Hà Nội giao Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách nâng mức thu nhập bình quân đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị TP. Sở cũng được yêu cầu xây dựng cơ chế, định mức khoán chi thường xuyên, thực hiện thí điểm chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản. 

 C.Bản - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/giao-thong-do-thi/giao-thong-ha-noi-dip-cuoi-nam-lieu-co-un-tac-phuc-tap-hon-d187602.html