Hà Nam: Ai bao che cho những sai phạm ở Trung tâm y tế TP Phủ Lý?

23/08/2019 11:01

Kinhte&Xahoi Trong những năm qua Trung tâm Y tế TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam (TTYT) đã để xảy ra quá nhiều sai phạm về chuyên môn thậm chí vi phạm Pháp luật khám chữa bệnh, vi phạm Điều lệ và những quy định của Đảng.

Coi thường tính mạng của người bệnh

Nhiều năm qua, Trung tâm Y tế TP Phủ Lý đã phân công, bố trí sắp xếp bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế khám chữa bệnh sai với quy định. Cụ thể, bác sĩ Trương Mạnh Sức có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh Nội khoa nhưng vẫn ký khám Ngoại khoa, Sản phụ khoa, Da liễu; Bác sỹ Lại Thị Thanh Nga có chứng chỉ hành nghề Nội khoa đi khám Tai - Mũi - Họng, Răng - Hàm - Mặt; Bác sỹ Đào Thị Tuyết Mai có chứng chỉ hành nghề Sản phụ khoa lại khám Nội khoa; Bác sỹ Nguyễn Thành Huy có chứng chỉ hành nghề Ngoại khoa cho khám Nội khoa; Bác sỹ Phạm Thị Oanh, Nguyễn Thị Thanh Huyên chưa có chứng chỉ hành nghề vẫn cho tham gia khám chữa bệnh.
Kết luận nội dung tố cáo số 190/KL-SYT của Sở Y tế Hà Nam.

Nhiều người có chứng chỉ điều dưỡng trung cấp, kỹ thuật viên, phạm vi hành nghề không cho phép ký khám Lâm sàng Giấy chứng nhận sức khỏe, nhưng Lãnh đạo vẫn cố tình ký kết luận trong Giấy chứng nhận sức khỏe. Việc làm trên TTYT thành phố Phủ Lý đã vi phạm nghiêm trọng Khoản 2; Khoản 3; Điều 6, Luật khám bệnh, chữa bệnh quy định  Các hành vi bị cấm:

Khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động.

Hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu.

Nguy hiểm hơn, thuốc phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão đã hết hạn sử dụng, kém chất lượng nhưng TTYT TP Phủ Lý vẫn cấp phát cho các Trạm y tế phường, xã dẫn đến phải tiêu hủy. Có thể nói, đây là những hành vi không những vi phạm Pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh mà còn coi thường tính mạng của người bệnh.

Có dấu hiệu trục lợi

Những năm 2015 - 2016, khi TTYT TP chưa được phép khám chữa bệnh BHYT thì 9 trạm y tế trên địa bàn TP Phủ Lý đã chủ động ký hợp đồng khám BHYT với Bệnh viện Đa khoa tỉnh để đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT. Nhưng đến khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuyển trả tiền khám chữa bệnh BHYT cho 9 trạm y tế thông qua tài khoản của TTYT TP thì Trung tâm không chuyển giao mà tự lên “kế hoạch chi tiêu”. Vậy việc chi tiêu này có đúng mục đích, đúng quy định của Bộ Y tế và BHXH hay không?

Đến ngày 01/01/2017, được BHXH cho phép khám chữa bệnh BHYT thì tình trạng tương tự tiếp tục xảy ra. Cán bộ, viên chức người lao động thuộc Trung tâm cũng không nhận được bất cứ khoản tiền nào từ nguồn thu BHYT của năm 2017. Vậy mà, đến hết quý I/2018 ngành Y tế vẫn “hồn nhiên” trả lời BHXH chưa quyết toán để chi trả cho TTYT. Chỉ đến khi BHXH TP Phủ Lý nói rõ: BHXH luôn ứng 80% tiền (theo quy định) cho Trung tâm Y tế vào mồng 5 đầu quý.

Việc TTYT chưa trả cho các trạm là lỗi do bên Trung tâm, còn BHXH tỉnh Hà Nam khẳng định: Bốn quý năm 2017 của TTYT thành phố đã được BH thanh toán cơ bản đầy đủ, tức là trên 90%. Còn 12 triệu vượt trần, khoản này nếu như Trung tâm có báo cáo cụ thể, khách quan, hợp lý thì BHXH tỉnh cũng sẽ thanh toán luôn”.

Lãnh đạo Sở Y tế thừa nhận: Năm 2017, TTYT TP. Phủ Lý đã thu 3.802.000.000 đồng từ BHXH, chi cho hoạt động đơn vị 2.445.376.195 đồng, còn lại 1.356.623.139 đồng vẫn nằm kho bạc. Vậy thử hỏi nếu như CBNV và người lao động không lên tiếng tố cáo thì số tiền đó sẽ làm gì hay cứ “nằm mãi” trong kho bạc?

Liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh, bác sĩ Đào Thị Tuyết Mai tự khám bệnh cho mình và lĩnh thuốc BHYT. Trong thời gian là bệnh nhân, bác sĩ Mai vừa nằm viện, vừa ký phiếu chỉ định các dịch vụ về sản khoa, kê đơn thuốc cho bệnh nhân đến khám sản, thực hiện dịch vụ kỹ thuật siêu âm và ký các phiếu kết quả siêu âm, phiếu khám bệnh tại TTYT TP.

Những chỉ định không hợp lý trên, BHXH TP Phủ Lý đã phát hiện và xuất toán tổng số tiền 37.523.808 đồng.

Việc bác sỹ Trương Mạnh Sức là Phó Giám đốc TTYT lại đi ký nhận lấy thuốc cho người nhà, người thân mỗi khi đến TTYT khám bệnh. Liều lĩnh hơn, bác sĩ Sức còn ký nhận lĩnh thuốc Vorifend Forte cho con trai mình là Trương Minh Dũng (sinh năm 2001 - 16 tuổi) trong khi loại thuốc này chống chỉ định cho người dưới 18 tuổi. Như vậy, bà Đào Thị Tuyết Mai - Trưởng khoa chăm sóc sinh sản, ông Trương Mạnh Sức - Phó GĐ Trung tâm, phụ trách phòng khám đã vi phạm Khoản 10, Điều 6, Luật Khám chữa bệnh là lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh.

Những sai phạm trong quản lý, sử dụng, cấp GCN nghỉ hưởng BHXH.

Trong công tác quản lý, sử dụng, cấp Giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH ở TTYT TP Phủ Lý có nhiều sai phạm đã được BHXH tỉnh kết luận khi kiểm tra 3 trạm y tế xã Tiên Tân, Liêm Tuyền và phường Thanh Tuyền. Chỉ tính từ 01/2017 đến 6/2018, 3 trạm y tế đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận nghỉ BHXH cho 141 trường hợp không đúng quy định.

Cụ thể cấp sai đối tượng, không khám chữa bệnh vẫn cấp, không cập nhật dữ liệu khám chữa bệnh vào phầm mềm giám định y tế; ngày cấp giấy chứng nhận và ngày nghỉ chế độ không khớp đúng với ngày đến khám ghi trong sổ khám chữa bệnh; BHXH tỉnh cũng đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm đối với tổ chức cá nhân có vi phạm trong việc cấp, quản lý, Giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH để trục lợi.

Còn việc TTYT TP Phủ Lý vay 650.000.000 đồng tiền mặt chịu lãi suất ngoài có nhiều điều khuất tất cần phải làm rõ. Vì TTYT không phải là đơn vị kinh doanh mà là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Sở Y tế, nguồn kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước bảo đảm. BHXH cho phép thực hiện khám chữa bệnh BHYT khi đã đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người thì không thể lấy lý do “vay để phục vụ việc triển khai công tác khám chữa bệnh BHYT và các hoạt động chung của đơn vị”. Như vậy nếu không dùng vào việc cấp thuốc BHYT tại sao lại đi vay tiền?

Sai phạm nghiêm trọng sao chỉ “rút kinh nghiệm”?

Những sai phạm ở TTYT TP. Phủ Lý nêu trên không chỉ vi phạm về chuyên môn, vi phạm Luật khám chữa bệnh, vi phạm Điều lệ và những quy định của Đảng mà còn có dấu hiệu hình sự về hành vi tham nhũng trục lợi. Nhưng Kết luận 190/KL-SYT ngày 15/3/2018, Sở y tế Hà Nam lại chỉ đưa ra kiến nghị xử lý “rút kinh nghiệm”.

Cụ thể: “Yêu cầu ban Giám đốc TTYT TP. Phủ Lý nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc không xây dựng đề án vay tiền báo cáo Sở Y tế nhằm triển khai công tác khám chữa bệnh BHYT. Đối với ông Phạm Đức Ngọc - Giám đốc kiểm điểm trách nhiệm trong việc không xây dựng đề án báo cáo Sở Y tế nhằm triển khai công tác khám chữa bệnh BHYT; Nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc thiếu sót trong việc: Phân công điều hành, quản lý các bác sỹ TTYT TP. Phủ Lý tham gia khám chữa bệnh BHYT; chậm chỉ đạo bộ phận kế toán thực hiện thủ tục chỉ tiêu kinh phí từ nguồn khám chữa bệnh BHYT.

Đối với ông Trương Mạnh Sức - Phó giám đốc nghiêm túc rút kinh nghiệm về thiếu sót trong việc theo dõi, chỉ đạo về công tác chuyên môn trong khám chữa bệnh tại trung tâm”. Điều khiến dư luận nghi ngờ tại sao đang trong quá trình giải quyết tố cáo và ông Trương Mạnh Sức - Phó giám đốc TTYT TP (người bị tố cáo) lại được Sở Y tế rút về với cái gọi là “biệt phái viên chức” rồi chuyển từ viên chức thành công chức và bổ nhiệm ngay chức danh Phó trưởng phòng tổ chức cán bộ; Sau đó, tiếp tục bổ nhiệm thần tốc ông Sức - Phó phụ trách Phòng tổ chức cán bộ?

Đấy là chưa nói đến việc quản lý biên chế công chức có tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật, có được UBND tỉnh phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm, có thi tuyển, xét tuyển công chức, có thành lập Hội đồng thi tuyển công chức theo quy định, có đủ tiêu chuẩn chức danh, tiêu chuẩn ngạch hiện giữ, có quyết định tuyển dụng công chức chưa mà vẫn được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý…

Tất cả trình tự, thủ tục bổ nhiệm có được thể hiện bằng văn bản lưu trong hồ sơ bổ nhiệm, PV đề nghị cho xem thì Sở không cung cấp được. Vậy liệu có việc nâng đỡ “không trong sáng” và bao che dung túng cho những hành vi vi phạm hay không? 

Báo Kinh doanh và Pháp luật đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra làm rõ những sai phạm nêu trên. Nếu thấy có dấu hiệu tham nhũng, trục lợi đề nghị cơ quan Công an điều tra và xử lý nghiêm minh theo quy định của Pháp luật.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Nhóm PV điều tra

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phụ nữ sợ nhất điều gì trong hôn nhân?

Trong cuộc sống vợ chồng phụ nữ sợ nhất điều gì? Có rất nhiều câu trả lời khác nhau, nhưng tựu trung lại vẫn gặp nhau ở một điểm, đó là sợ gặp phải những ông chồng vô trách nhiệm. Bởi đó là nguồn cơn dẫn đến những bi kịch gia đình và thậm chí là kết cục đau buồn ly hôn…

Nguồn: KD&PL