Hà Nội: Hoảng hồn khi giày Dior giá chỉ 55k/đôi!

21/12/2023 15:01

Kinhte&Xahoi Tết là dịp nhu cầu tiêu dùng tăng cao, lợi dụng vào việc đó nhiều cá nhân và tổ chức đã kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả và găm hàng, đầu cơ tăng giá bất hợp lý làm nhũng loạn gây bất ổn thị trường.

Cuối tháng 11/2023, Tổng cục Quản lý thị trường đã Ban hành kế hoạch số 09/KH-TCQLTT về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Kế hoạch cũng nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại; chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024.

Đặc biệt, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thông qua công tác thông tin tuyên truyền.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Pháp luật Plus trên các trang mạng xã hội facebook và zalo có nhiều tài khoản Hội nhóm đăng tải các tổng kho giày dép tại khu vực huyện Đông Anh (TP Hà Nội).

Nội dung các tài khoản này đăng công khai nguồn hàng được lấy từ Quảng Châu và giao dịch hàng hóa thông qua các nhóm zalo.

Công khai nguồn hàng được lấy từ Quảng Châu và giao dịch hàng hóa thông qua các nhóm zalo.

Trong vai khách hàng, sau một thời gian phóng viên liên hệ và tìm hiểu được biết, nhiều tài khoản đăng tải trong nhóm facebook “chợ sỉ Giày Toàn Quốc - Uy tín - Chất lượng” đều có chung một kho hàng với diện tích khoảng 50m2 hai tầng được quây tôn đặt tại xóm Bàng, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.

Theo quan sát của phóng viên các mặt hàng ở đây đều là giày dép, boot của cả người lớn và trẻ em mang nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng như: Prada, Hugfoot, Christian Dior, Gucci, Nike,… và nhiều hộp đựng cùng sản phẩm có chữ nước ngoài (không có nhãn phụ tiếng Việt Nam theo quy định).

Nhân viên tại kho cho biết: “Nếu trong nhóm zalo đã đăng thì 80% là hàng có sẵn kho còn đâu là hàng sang tay phải đặt trước... lấy sỉ từ 30-50 đôi ở đâu chúng em cũng chuyển được hết”. 

Tầng dưới kho được chất kín giày, dép .

Giá bán được công khai trong nhóm theo từng lô hàng và mẫu mã ví dụ lô giày bệt của hãng Christian Dior, Prada lấy từ 300 đôi trở lên có với giá 42,000 đồng đên 45,000 đồng một đôi.

Một mẫu giầy, dép của nhãn hàng Dior trên thị trường có giá từ 24,500,000 đồng - 26,700,000 đồng trong khi đó cùng mẫu dép kho hàng này bán với giá 55,000 đồng một đôi sỉ từ 100 đôi.

Giá bán một mẫu dép của nhãn hàng Dior trên thị trường và giá tại kho ở Đông Anh.  Qua đây, có thấy sự chênh lệch đáng kể.

Hàng sẽ được chuyển theo hình thức chuyển phát Viettel thu code và gửi xe khách sẽ phải thanh toán trước, khi hỏi về giấy tờ hóa đơn người này nói luôn: “Nhà em chỉ có hóa đơn bán hàng nhưng không có hóa đơn đỏ. Nếu chị đi ít thì không phải lo về hoá đơn vì ngày nào bọn em cũng đi bao nhiêu xe hàng khắp các tỉnh vào Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh,...mỗi lần đi hàng từng ô tô đầy em đảm bảo hàng vào tận nhà cho chị”.

Khi thấy khách hàng còn lo ngại, người này nói: “Không sao đâu chị nó đơn giản mà chị phải buôn bán hàng to lắm đen lắm mới bị kiểm tra, như em buôn 5 năm nay bọn em mới phải dính đến Quản lý thị trường… kể cả người ta vào cứ đưa 500,000 đồng đến 1,000,000 đồng là xong”.

Theo lời của nhân viên tại kho hàng cùng người dân tại khu vực này cho biết, kho hàng giày dép này đã được mở 5 năm nay, điều ngạc nhiên là một kho hàng lớn liên tục xuất hàng đi ngày đêm như vậy tồn tại ngay khu vực ngã ba chợ sầm uất của huyện Mê Linh lại không có giấy tờ hóa đơn lại không có cơ quan chức năng nào biết ngoài người dân?

Ghi nhận của phóng viên nhiều khách đến xem xuất hàng đi các tỉnh. 

Từ thực tế về sự chênh lệch giá cả và hành vi bán hàng không có hóa đơn chứng từ đã làm nhũng loạn gây bất ổn thị trường, không những vậy còn đẩy người tiêu dùng ngày càng quay lưng lại với những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ngay sau khi nhận được phản ánh và ghi nhận thực tế tại một số kho chứa sản phẩm giầy, dép, quần áo…có dấu hiệu giả mạo nhãn mác trên địa bàn xã Mê Linh huyện Mê Linh, TP Hà Nội, phóng viên đã cung cấp hình ảnh, địa chỉ và đề nghị cơ quan chức năng UBND xã Mê Linh phối hợp kiểm tra xử lý vi phạm (nếu có).

Ngày 21/12/2023, thông tin tới Phapluatplus.vn một lãnh đạo UBND xã Mê Linh cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin chiều ngày 20/12/2023, UBND xã Mê Linh đã lập Đoàn kiểm tra và đã lập Biên bản về một số vi phạm tại các kho chứa hàng hoá này…”.

Mong rằng sau phản ánh của Pháp luật Plus, chủ cơ sở không vận chuyển hàng sang "kho khác" để trốn tránh sự kiểm tra từ phía cơ quan chức năng. Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Huyền My - Ngọc Huy - Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-24h/ha-noi-hoang-hon-khi-giay-dior-gia-chi-55k-doi-d202367.html